Doanh nghiệp than vì chi phí vận chuyển tăng
Hiện tại, có 60 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Bạc Liêu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 và 4 đơn vị áp dụng Chỉ thị 15 đối với phường 8, TP Bạc Liêu; phường 1, thị xã Giá Rai; thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình và thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi. Thời gian áp dụng kể từ 0h ngày 26/9 cho đến khi có thông báo mới.
Ngay sau khi tỉnh Bạc Liêu nới lõng giãn cách xã hội, nhiều đơn vị, doanh nghiệp - nhất là doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh này bắt đầu tái khởi động phục hồi sản xuất sau dịch.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp, chi phí vận chuyển tăng lên so với thời điểm bình thường.
Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hòa vào địa bàn tỉnh Bạc Liêu tại một chốt kiểm soát.
Theo đại diện doanh nghiệp sản xuất tôm giống thủy sản D.H. (huyện Đông Hải, Bạc Liêu), so với trước khi có dịch bệnh, chi phí vận chuyển hiện tại tăng lên khoảng 15 - 20% (bao gồm chi phí test nhanh, chi phí chỗ cách ly và bao ăn ở cho tài xế, phụ xe…).
Trong khi đó, tình hình buôn bán cũng chậm lại, nguồn thu đầu vào cũng hạn chế, công ty cũng đang gặp không ít khó khăn. Doanh nghiệp có xe tải riêng nên đỡ được chi phí vận chuyển, chủ yếu đội chi phí tiền thuê tài xế, phụ xe.
“Hiện tại, đang vào vụ người dân chuẩn bị thả tôm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp giao tôm phải chở ngược về do một số khu vực các tỉnh áp dụng phong tỏa, cách ly.
Tỷ lệ tôm giống hao hụt là điều tất nhiên, trong khi chi phí thuê tài xế vẫn giữ nguyên”, đại diện doanh nghiệp D.H. chia sẻ.
Cũng theo người này, có trường hợp tài xế của doanh nghiệp bị kẹt ở lại Cần Thơ, Hậu Giang không thể về được, phải ở lại đó và doanh nghiệp cũng phải hỗ trợ chi phí cho tài xế.
Đến thời điểm này, doanh nghiệp D.H. đã phục hồi sản xuất khoảng 40% so với trước thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Còn theo đại diện Công ty Chế biến và Xuất nhập khẩu tôm nguyên liệu T.K. (phường 5, TP Bạc Liêu), trước khi có dịch, chi phí thuê xe từ Bạc Liêu vận chuyển hàng lên TP.HCM và quay trở về mất khoảng 4 triệu, nay đội lên khoảng 5 - 5,5 triệu đồng (bao gồm chi phí test nhanh).
Vận chuyển hàng từ công ty lên TP.HCM đến khi về không có hàng (tài xế lái xe không về - PV) đội phí lên khoảng 7 - 8 triệu đồng. Chi phí này so với thời điểm trước khi có dịch tăng khoảng 20 - 30% (do chủ xe chịu), còn giá tôm nguyên liệu vẫn không thay đổi nhiều.
Lực lượng chức năng kiểm soát phương tiện vận tải hàng hóa vào nội ô TP Bạc Liêu.
Theo Quyết định 1494 ngày 25/9 của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu về việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh theo mức độ nguy cơ kể từ ngày 0h ngày 26/9, phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý các đối tượng là lái xe, nhất là lái xe liên tỉnh.
Đảm bảo tất cả các trường hợp người lái xe từ ngoài vào tỉnh phải được cách ly y tế theo quy định (không cho phép cách ly tại nhà đối với đối tượng này).
Người dân, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đang áp dụng Chỉ thị 15 của Chính phủ (không bị dừng hoặc hạn chế hoạt động) và các phương tiện vận tải hàng hóa đường thủy, đường bộ phục vụ sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động, nhưng phải thực hiện nghiêm biện pháp 5K.
Đối với các địa bàn áp dụng Chỉ thị 19, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức hoạt động trong điều kiện “bình thường mới”, nhưng phải có kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp hợp mắc Covid-19 được cơ quan thẩm quyền xác nhận thì mới được phép hoạt động.
Doanh nghiệp vận tải than khó
Anh Ng.A.M., chủ nhà xe vận tải ở TP Cần Thơ cho biết, chi phí nhà xe phải gánh (bao gồm chi phí bến bãi, chi phí lái xe, xăng dầu, test nhanh cho lái xe) thời gian qua tăng rất mạnh.
"Lúc trước dịch thì hàng hóa nhiều, nên gom hàng rất dễ. Còn trong mùa dịch hàng ít nên phải đi gom hàng xa trung tâm TP Cần Thơ nên chi phí càng đội lên.
Xe vận tải hàng tuyến TP Cần Thơ đến TP.HCM đối với xe có trọng tải từ 6,5 tấn và xe 8 tấn, giá chở hàng 1 chuyến lúc chưa dịch thì chạy 1 chuyến khoảng 1,2 - 1,3 triệu đồng. Còn hiện nay thì giá 1,8 triệu đồng/chuyến.
Chi phí mỗi vòng xe di chuyển thì mất khoảng 2,6 triệu đồng (chuyến đi và chuyến về). Do dịch bệnh thu gom hàng ở xa hơn nên giá phải tăng từ 30 -50% tùy theo mặt hàng mới mong có lãi", anh M. chia sẻ.
Còn anh Ph.V.K., thuộc HTX vận tải ở Sóc Trăng cho biết, tuyến giao hàng của nhà xe là từ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đi TP.HCM và ngược lại.
"Cái khó của nhà xe là hiện vẫn không có nguồn hàng để chở. Nếu có hàng thì tự nhà xe và khách hàng tự thoả thuận giá cả dịch vụ, nhưng cũng phải tăng từ 30-50% phí dịch vụ mới đủ chi phí cho xe chạy", anh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận