Tỷ lệ ĐBQH thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 |
Với đa số phiếu thuận, sáng 10/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế -xã hội năm 2018.
Tăng trưởng GDP dao động 6,5-6,7%
Nghị quyết được Quốc hội thông qua nêu những mục tiêu tổng quát như: Tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh...
Cùng với đó, cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; thúc đẩy bình đẳng giới; thực hiện dân chủ và công bằng xã hội. Ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Trong số 12 chỉ tiêu cụ thể được đưa ra, chỉ tiêu cơ bản nhất là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% - 6,7%. Lần này, Quốc hội thống nhất thông qua chỉ tiêu tăng trưởng dao động trong khoảng 6,5-6,7% để không gây áp lực quá lớn với công tác điều hành của Chính phủ, hướng tới việc đảm bảo chất lượng tăng trưởng.
Để thực hiện mục tiêu này, Quốc hội cũng thông qua 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ và các cơ quan đề xuất.
Trước hết, Quốc hội yêu cầu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về ngân sách nhà nước, vốn đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế; Tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
Khuyến khích, hoàn thiện chính sách về BOT
Quốc hội cũng lưu ý việc thẩm định chặt chẽ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư; triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và sử dụng tài sản công, xe công. Tăng cường quản lý các quỹ ngoài ngân sách, quản lý nợ công theo mục tiêu Quốc hội đề ra; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ của Trung ương và chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; triển khai các giải pháp hoàn thiện chính sách về BOT; Thực hiện rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân; ban hành chính sách mới nhằm quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công tư nói chung và hình thức BOT.
Quốc hội yêu cầu xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật và thực thi công vụ; cắt giảm chi phí hoạt động, nhất là chi phí giao dịch không chính thức của doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng, xã hội quan tâm; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận