Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: "Sớm khắc phục việc chưa thống nhất về phòng chống dịch"

13/11/2021, 11:50

Quốc hội yêu cầu Chính phủ ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống Covid-19 trước năm 2022, triển khai thống nhất, không để bị động, bất ngờ.

Hôm nay, sau 16 ngày làm việc khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết 30 của Quốc hội, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự ủng hộ, đồng lòng, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Đến nay dịch cơ bản được kiểm soát, chúng ta đã từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, số ca tử vong giảm mạnh; các địa phương đang từng bước triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Công tác ngoại giao vắc xin đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng có dấu hiệu tăng nhanh, trong đó nhiều ổ dịch mới bùng phát tại các cơ sở sản xuất, thương mại và trường học, cho thấy tình hình dịch trong nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh trở lại.

Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội và điều hành của Chính phủ, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Xây dựng thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch

Quốc hội giao Chính phủ, trên cơ sở tổng kết công tác phòng, chống dịch thời gian qua, kinh nghiệm quốc tế và những bài học đắt giá đúc kết được, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch với các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, không để lúng túng, bị động, bất ngờ với những tình huống có thể còn phức tạp hơn.

Sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch; đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công – tư trong công tác phòng, chống dịch.

Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế; củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng theo phương châm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng” để bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch COVID-19 và các bệnh dịch mới.

Thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Về phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong điều kiện dịch cơ bản được kiểm soát, nhiều chính sách, gói hỗ trợ nền kinh tế được ban hành và thực hiện kịp thời, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 đã có một số chuyển biến tích cực.

Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay.

Sử dụng linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ tiền tệ, tài khóa để giữ vững kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đưa cả nước ổn định chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đã có 134 đại biểu tham gia đặt câu hỏi; trong đó 12 đại biểu chất vấn Thủ tướng; 24 đại biểu tham gia tranh luận với các Bộ trưởng, trưởng ngành. Qua 2,5 ngày, tổng số có 171 lượt ý kiến phát biểu tại nghị trường.

Các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn là: Thủ tướng Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Các Phó thủ tướng, Bộ trưởng khác đã tham gia giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.