Háo hức đi bỏ phiếu sớm
Ghi nhận của hãng tin AP, nhiều cử tri đã có mặt để bỏ phiếu bầu cử sớm tại các bang Minnesota, Nam Dakota và Virginia. Đây là những tiểu bang có cơ hội bỏ phiếu bầu cử trực tiếp sớm nhất, dự kiến trong tháng 10 sẽ có khoảng 10 tiểu bang khác tổ chức bỏ phiếu sớm.
Tại một điểm bỏ phiếu ở Minneapolis, thành phố lớn nhất bang Minnesota, nhiều cử tri như ông Jason Miller, làm nghề thợ sơn nhà, đến điểm bỏ phiếu trước giờ mở cửa vào lúc 8h sáng.
Ông Miller không khỏi vui mừng, háo hức khi ông là người đầu tiên xếp hàng và cũng là một trong tổng số 75 cử tri bỏ phiếu trong 1 giờ đầu tiên kể từ khi trung tâm bầu cử của thành phố mở cửa.
Ông cho biết ông đã bỏ phiếu bầu mà ông gọi là "chống lại sự điên rồ", nhưng không nêu rõ tên ứng cử viên tổng thống mà không lựa chọn, chỉ ám chỉ rằng phát ngôn trên của ông là rất rõ ràng, dễ dàng suy luận ra.
Một số cử tri khác cho rằng đi bầu cử sớm cũng là để phòng tránh nguy cơ xảy ra hỗn loạn vào ngày bầu cử, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới đây.
Như bà Chris Burda, 74 tuổi, bà đang khuyến khích những người khác đi bỏ phiếu sớm để tránh nguy cơ rủi ro vào ngày bầu cử. Bà đã bỏ phiếu cho Phó tổng thống Kamala Harris tại một trung tâm bỏ phiếu ở Minneapolis bởi bà cho rằng Phó Tổng thống đang hành động vì nền dân chủ và quyền tự do.
Trong khi đó, ông Eugene Otteson, 71 tuổi, cựu chiến binh, đã bỏ phiếu sớm, bầu cho cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Otteson tin rằng ông Trump sẽ ngăn đất nước can thiệp vào các cuộc xung đột nước ngoài và sẽ quản lý nền kinh tế như một giám đốc điều hành doanh nghiệp.
Tại bang Virginia, các cơ quan bầu cử địa phương hy vọng việc bỏ phiếu sớm sẽ giúp giảm bớt số lượng người trong các đám đông đi bầu cử vào ngày 5/11 nhưng cũng đồng thời cảnh báo với sự quan tâm lớn của người dân đến cuộc đua tổng thống năm nay, cử tri vẫn có thể phải xếp hàng chờ đợi vào ngày bầu cử.
Ngoài ra, những khó khăn trong hệ thống bưu điện của nước Mỹ khiến nhiều cử tri lựa chọn đi bầu cử sớm thay vì gửi phiếu bầu qua thư từ để đảm bảo phiếu bầu kịp thời.
Thực tế vào tuần trước, các viên chức bầu cử cấp tiểu bang trên khắp cả nước đã cảnh báo các vấn đề trong quy trình chuyển phát thư đe dọa đến quyền bầu cử của cử tri, khẳng định những thiếu sót dai dẳng trong hệ thống này vẫn chưa khắc phục.
Lo ngại vấn đề an ninh
Hoạt động bỏ phiếu trực tiếp sớm đã bắt đầu sau một mùa hè đầy biến động trong nền chính trị Mỹ khi Tổng thống Joe Biden rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, Phó tổng thống Kamala Harris thay thế với tư cách là ứng cử viên của đảng Dân chủ.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên đảng Cộng hòa, đã liên tiếp phải đối mặt với 2 âm mưu ám sát chỉ trong vòng 2 tháng, một vụ việc xảy ra khi ông vận động tranh cử ở Pennsylvania, một vụ xảy ra khi ông chơi golf ở Florida, làm dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề an ninh.
Ngoài ra, nhiều trường hợp các quan chức và nhân viên tại các địa điểm bỏ phiếu còn trở thành mục tiêu cho những kẻ quấy rối hay thậm chí là đe dọa giết người kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Trước tình hình trên, các cơ quan bầu cử địa phương trên khắp đất nước đang tăng cường an ninh để đảm bảo an toàn cho nhân viên và địa điểm bỏ phiếu, đồng thời đảm bảo các lá phiếu cũng như quy trình bỏ phiếu sẽ không bị can thiệp.
Đặc biệt, chính quyền Mỹ cũng đang điều tra nguồn gốc của các gói hàng đáng nghi ngờ được gửi đến các quan chức bầu cử tại hơn 15 tiểu bang trong những ngày gần đây.
Theo hãng tin Reuters, cuộc bầu cử năm nay được các nhà lãnh đạo cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ coi là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong nhiều thế hệ.
Ông Trump thường xuyên bày tỏ hoài nghi về việc bỏ phiếu sớm. Tuy nhiên năm nay, Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa đã chấp nhận khái niệm bỏ phiếu sớm để tích lũy phiếu bầu trước, vì thời tiết và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ cử tri bỏ phiếu vào Ngày bầu cử 5/11.
Trái lại, trong nhiều cuộc bầu cử gần đây, Đảng Dân chủ đã tận dụng các lựa chọn bỏ phiếu sớm và giành được hàng triệu phiếu bầu. Theo Dự án Bầu cử Mỹ tại Đại học Florida, trong những cuộc bỏ phiếu sớm những năm gần đây, đảng Dân chủ luôn chiếm ưu thế so với đảng Cộng hòa.
Cũng trong ngày 21/9 (giờ địa phương), ông Donald Trump đã từ chối lời mời tranh luận trên truyền hình CNN của bà Kamala Harris.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận