Từ cuối năm 2020, tại khoang thông thuyền cầu Đuống xuất hiện vật chướng ngại nguy hiểm là trụ cầu cũ, nằm chìm dưới nước, cách mép trụ cầu bên phải (phía quận Long Biên) 30,5m. Khi mực nước tại cầu xuống dưới 0,5m, độ sâu luồng chạy tàu tại trụ cầu cũ thấp hơn 3m, gây nguy hiểm cho phương tiện thủy qua lại.
Những ngày gần đây, Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức thanh thải chướng ngại vật này để đảm bảo ATGT đường thủy.Từ 4/5, tàu thuyền bắt đầu bị cấm qua cầu Đuống trong khung giờ từ 7h sáng đến 19h tối để phục vụ thi công. Tại thượng lưu và hạ lưu cầu Đuống có hai chốt trực điều tiết, khống chế phương tiện thủy.
Lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy trực thuộc Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc thường xuyên có mặt tại cầu Đuống để giám sát việc thi công và điều tiết giao thông thủy tại hiện trường.
Đơn vị thi công thanh thải trụ cầu là Công ty CP đo đạc và xây dựng Phú Gia. Các phương tiện, thuyền viên thi công được yêu cầu phải đảm bảo đủ điều kiện hoạt động theo Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Đại diện đơn vị thi công cho biết, vị trí trụ cầu cũ nằm chìm bên dưới tàu phía ngoài nên phải dùng 2 phương tiện thủy thi công chuyên dùng neo đậu sát vào trụ cầu Đuống. Đầu tiên sẽ dọn dẹp sạch mặt bằng (rác, dây, vật mắc vào trụ cầu cũ), sau đó dùng máy cắt bê tông chuyên dụng bằng dây đặt trên tàu, đưa dây xuống nước để cắt trụ cầu thành từng thớ. Ban đầu sẽ cắt ngang gốc trụ bê tông, sâu vài chục centimet, rồi xẻ dọc thành từng thớ dọc để tách ra đưa lên.
Khi cắt sẽ có thợ lặn xuống phía dưới để định vị, chằng dây buộc theo phương pháp "quang gánh" để đưa từng thớ bê tông lên. Trụ cũ có chiều cao hơn 2,5m, sẽ được cắt thành 10 thớ, mỗi thớ nặng khoảng 50 tấn. Đơn vị thi công dự kiến mỗi ngày sẽ hoàn thành cắt được một thớ bê tông.
Đội thi công gồm hơn chục người và có tư vấn giám sát thi công độc lập. Ảnh: dọn dẹp mặt bằng để chuẩn bị thi công.
Trong những ngày đầu cấm luồng để phục vụ thi công, hầu hết phương tiện thủy neo đậu đúng nơi quy định, chấp hành theo hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông.
Khi mở luồng, lực lượng điều tiết giao thông hướng dẫn cho phương tiện từ phía thượng lưu (từ sông Hồng đi vào sông Đuống) đi trước khoảng nửa giờ. Trường hợp đơn vị thi công nghỉ sớm hơn giờ mở luồng, luồng sẽ được mở sớm hơn.
Lực lượng điều tiết dùng cờ hiệu, loa thông báo để yêu cầu phương tiện giữ khoảng cách, đi theo thứ tự khi qua cầu
Sông Đuống nằm trên Hành lang vận tải thủy số 1 ở phía Bắc (Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), trung bình mỗi ngày có khoảng 350-500 tàu chở hàng lưu thông qua. Ảnh: phương tiện lưu thông qua cầu Đuống chiều ngày 4/5, sau khi hết giờ cấm phương tiện lưu thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận