Tọa lạc trên đỉnh núi Đầu Tán (đảo Vĩnh Thực, tỉnh Quảng Ninh), trạm hải đăng Vĩnh Thực mang nét đẹp nên thơ giữa núi non hùng vĩ và biển trời quê hương. Ở nơi ấy, có 6 người công nhân ngày đêm miệt mài thắp sáng, giữ cho những chiếc đèn biển luôn sáng để soi đường cho tàu bè.
Trạm hải đăng Vĩnh Thực trên đảo Vĩnh Thực, tỉnh Quảng Ninh
Gác tình riêng, đảm bảo nhiệm vụ
Buổi sáng trên đảo Vĩnh Thực, khi ánh bình minh dần lấp ló cũng là lúc hình ảnh ngọn hải đăng Vĩnh Thực dần hiện hình sừng sững trên đỉnh núi Đầu Tán. Từ dưới biển nhìn lên, ngọn hải đăng kiêu hãnh như một pháo đài, vươn cao khỏi những ngọn cây rừng xanh mướt dưới núi. Trong đêm tối, ngọn đèn chớp sáng như “mắt đêm” để dẫn lối tàu bè hành hải trên luồng Vạn Gia.
Mang cảm giác đẹp lãng mạn và hùng vĩ là vậy nhưng hải đăng Vĩnh Thực vẫn có dáng dấp đầy cô đơn. Nói chính xác hơn, sự cô đơn đó là cảm giác của những người công nhân bảo đảm an toàn hàng hải ngày đêm túc trực, chăm sóc ngọn đèn.
Bởi lẽ, Trạm quản lý đèn biển Vĩnh Thực nằm ở vị trí khá biệt lập, xa rời khu dân cư dưới chân núi. Để lên trạm hải đăng, phải vượt qua quãng đường rừng hơn 7km với một bên là núi cao, một bên có vực sâu thẳm.
Ra công tác tại đảo từ năm 2010, anh Vũ Văn Dụng, Trạm trưởng Trạm quản lý đèn biển Vĩnh Thực thừa nhận, trạm đỡ khắc nghiệt hơn những trạm anh từng công tác như tại Quất Lâm (Nam Định), Long Châu (Hải Phòng).
Ở Vĩnh Thực, anh em công nhân của trạm hầu hết đều đã chững chạc tuổi đời, chịu nhiều sóng gió và quen với công việc. Thế nhưng, đến giờ họ vẫn chưa bao giờ thấy việc xa gia đình là điều dễ dàng. Đó là đặc thù công việc, cũng là khó khăn lớn nhất của những người đàn ông làm nghề “gác đèn”.
“Chồng xa nhà thường xuyên nên vợ con ở nhà cũng vất vả. Tuy chúng tôi có thể xin nghỉ bù, nghỉ phép trong những trường hợp gấp, nhưng vẫn quanh năm xa nhà. Lắm lúc tôi tủi thân, nhất là vào các dịp lễ, Tết không được ở bên gia đình”, anh Dụng thổ lộ.
Theo lời vị trạm trưởng, mỗi dịp lễ, Tết, trạm cố gắng phân bổ để ai cũng có năm được về bên gia đình. Nhưng hơn 10 năm sống ở đảo, anh Dụng cũng có tới 6-7 năm phải đón Tết xa nhà. May mắn là đảo Vĩnh Thực gần bờ nên thi thoảng, bà xã anh ra thăm và động viên chồng, giúp anh đỡ nhớ vợ con.
Trong khi đó, công nhân Nguyễn Đình Vượng (SN 1972) cho biết trong những dịp lễ, Tết, do đảo Vĩnh Thực là hòn đảo du lịch nên trạm hay đón khách lên thăm. Bản thân phải ở đảo phục vụ vất vả, lại nhìn gia đình người khác quây quần bên nhau đi du lịch, lắm lúc anh không tránh khỏi chạnh lòng.
Khoảnh khắc ấy, anh phải tự mình vượt qua cảm xúc cô đơn, tìm tới cảm xúc tích cực để quên đi. “Mình là đàn ông nơi đầu sóng ngọn gió nên phải mạnh mẽ, không thể để những cảm xúc ủy mị gây ảnh hưởng”, anh Vượng nhấn mạnh.
Trạm trưởng Vũ Văn Dụng đã gắn bó với hải đăng Vĩnh Thực suốt 13 năm
Gian nan nơi “rốn” sét
Ra công tác tại đảo từ năm 2004, anh Vượng không quên những ngày tháng khó khăn của thời kỳ mới đặt chân tới đây. Thời điểm đó, đường lên trạm chưa được đổ bê tông như bây giờ. Để xuống dưới chân núi lấy đồ hoặc gửi bưu phẩm, công nhân đi bộ và xuống tới nơi mệt, phải nghỉ ngơi, ngày hôm sau lại leo bộ về. Sau này, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc đã đổ bê tông đoạn đường lên trạm, giúp việc đi lại thuận tiện hơn.
Gần 20 năm sống tại đây, anh Vượng chứng kiến và trải qua sự thay đổi lớn với đời sống của anh em tại trạm. Trước đây, các công nhân sống ở khu vực dưới chân trạm quản lý hiện tại. Nơi sống sát mép biển, ẩm thấp, chật chội và bức bối. Mỗi ngày, họ phải leo bộ quãng đường khoảng hơn 500m lên trạm để làm việc. Ban đêm, ai trực ca lại lọ mọ vượt dốc băng qua đoạn rừng đi làm nhiệm vụ.
Năm 2017, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc xây dựng nhà trạm ở trên đỉnh núi, ngay dưới chân đèn, giúp đời sống công nhân đỡ vất vả. Thế nhưng, sống trên đỉnh núi biệt lập, xung quanh là rừng cây heo hút cũng chẳng dễ dàng.
Dù trạm được xây dựng cao ráo nên ít rắn hơn nhưng những công nhân của Trạm quản lý đèn biển Vĩnh Thực chẳng xa lạ với việc thi thoảng, bắt gặp vài chú rắn hổ mang chì đang phơi nắng giữa bậc thang lên trạm. Có lúc, có chú rắn còn bò vào tận trong trạm “thăm” anh em.
Cũng vì ở chốn xa xôi hẻo lánh nên đến giờ, trạm chưa có điện lưới quốc gia. Hàng ngày, công nhân của trạm phải gánh dầu lên để phục vụ việc sản xuất, chạy máy phát điện.
Theo các công nhân, công việc được phân công đồng đều cho mọi người nhưng anh em trạm luôn gắn bó mật thiết như một gia đình. Ai ốm đau hay có vấn đề sức khỏe, anh em khác sẽ hỗ trợ vận chuyển nhiên liệu thay.
Ở tuổi ngoài 50, anh Vượng vẫn hàng ngày đồng hành cùng anh em xách nước, gánh dầu. Từ chân trạm lên đỉnh trạm, họ phải vượt qua khoảng 100 bậc thang dốc, cao khoảng hơn 20m.
“Bậc thang dốc, mỗi bước đi vừa mệt nhọc, nguy hiểm, chỉ cần trượt chân thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng. Mùa mưa, bậc thang cũng trơn trượt. Tuy nhiên, chúng tôi ví von đó là tập thể dục. Phải thoải mái về tinh thần, mọi người mới có sức làm việc”, anh Vượng chia sẻ.
Dù vậy, vất vả đó chưa thấm tháp vào đâu so với sự nguy hiểm nơi đầu sóng ngọn gió. Trạm hải đăng ở đỉnh núi, có nhiều linh kiện điện tử nhạy cảm nên trở thành “rốn” sét. Dù được trang bị thiết bị chống sét hiện đại nhưng không ít lần, anh Vượng chứng kiến sét đánh vào trạm gây hư hỏng thiết bị, làm nứt xi măng, hở cả lõi sắt bên trong.
Những lúc ấy, công nhân phải nhanh chóng tìm cách khắc phục để đèn biển sáng trở lại nhanh nhất. “Anh em vừa làm vừa run, cảm thấy mình cũng bất khuất lắm”, người công nhân cười.
Bên cạnh vận chuyển nhiên liệu, Trạm trưởng Vũ Văn Dụng cho biết do trạm hải đăng Vĩnh Thực trên đỉnh núi nên cũng gặp tình trạng tương tự các trạm hải đăng khác, đó là không có nước ngọt. Ngoài nước ngọt phải mua ở khu dân cư dưới chân núi chuyển lên, công nhân phải dùng nước mưa để phục vụ sinh hoạt, trồng trọt.
“Gần biển, hơi nước mặn bốc lên khiến da hay nhếch nhác, nhớt bẩn nên lúc nào cũng muốn có nước nôi dư dả để dùng. Mùa mưa, lượng nước tích trữ đủ để anh em dùng thoải mái nhưng mùa khô, phải tiết tiệm từng gàu nước. Tuy nhiên, có lẽ ở lâu trong cái khổ cũng quen rồi”, anh Dụng dí dỏm.
Gác câu chuyện, những người đàn ông lại tất bật với công việc của mình. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 dài như nghỉ Tết này, trạm hải đăng nơi đỉnh núi vẫn là “mái nhà” của họ. Vượt qua cảm xúc yếu đuối trong những buổi chiều tà biển lặng, họ vẫn miệt mài với nhiệm vụ chỉ vì một mục tiêu: Không bao giờ để cho đèn tắt!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận