Chấp nhận khó khăn, quen nỗi nhớ nhà
Cuối tháng 3, chúng tôi có dịp ra Trạm Quản lý đường thủy Ba Mom ngoài vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Chiều dài tuyến luồng chỉ 15km nhưng tàu đi đến cả giờ đồng hồ. Trong vịnh, tàu thuyền qua lại nhộn nhịp, cũng giao cắt "ngã tư" như trên đường bộ nên người điều khiển tàu phải rất chăm chú quan sát.
Trạm trưởng Trạm quản lý đường thủy Ba Mom Nguyễn Văn Tính. Ảnh Tạ Hải.
Nhà trạm được xây trên một mom đá nhô ra từ dãy núi cao cách mặt biển hàng chục mét, màu vàng rơm xưa cũ nổi bật. Xung quanh toàn đá núi, không có dân sinh sống.
Leo 98 bậc cầu thang hẹp, dốc, chúng tôi đã đến được nhà trạm. Ông Phạm Ngọc Quý, Đội trưởng Đội Công trình 06 (Công ty CP Quản lý đường sông số 5) giới thiệu vui: "Nhà hai tầng, nhiều phòng, bốn mặt thoáng, vừa cao, vừa mát, lại như biệt phủ vì chả có ai sống trên đảo cả. Thành ra, mấy anh em trạm này như chúa đảo".
Nghe giới thiệu vậy, Trạm trưởng Nguyễn Văn Tính, người đã có 25 năm công tác tại đây cười hiền: "Nhà thì cũ, xây từ cuối năm 1969. Đảo toàn đá, chỉ có rắn lục. Nước ngọt phải hứng nước mưa, điện dùng điện mặt trời, rất hạn chế".
Trạm quản lý đường thủy Ba Mom. Ảnh: Tạ Hải.
Ông Tính cho biết, khu vực đặt trạm Ba Mom như cửa ngõ, các phương tiện thủy từ các tỉnh phía Bắc muốn vào Quảng Ninh đều phải đi qua đây, nên mật độ phương tiện dày đặc, nhiều giao cắt. Vì vậy, công tác đảm bảo ATGT càng phải chú trọng. Trạm có 5 người, nhưng còn thay phiên nghỉ nên thường xuyên có 3 - 4 người ngày đêm trực trên 7 nhánh vịnh Hạ Long.
Còn anh Đào Văn Sáng cho biết, anh về trạm cách đây đã hơn 20 năm. Hồi mới về cũng mất vài tháng mới quen được với những khó khăn nơi đây. Điện nước thiếu, thực phẩm chủ yếu là đồ khô nhờ bà con thuyền chài mua giúp. Gia đình có việc cũng phải tự bỏ tiền thuê đò để về bờ, đò quen mất 500.000 đồng, đò lạ mất cả triệu đồng.
Nhưng thiếu thốn nhất vẫn là tình cảm vì xa gia đình đã đành, xung quanh ngoài 2 - 3 đồng nghiệp thì chỉ còn trời, nước và đá. Hết ca trực chỉ biết ra vào quanh quẩn trong nhà trạm. Làm đủ 26 ngày mới được về nghỉ 4 ngày.
"Đặc thù như vậy nhưng không có phụ cấp vì không có quy định. Thành ra, đi làm biền biệt cả tháng nhưng lương chưa đến 10 triệu đồng", ông Tính tâm sự.
Căng mình điều tiết giao thông giữa sông
Nếu "lính" đảo Ba Mom biệt lập nơi cửa biển thì những người công nhân Trạm Điều tiết đường thủy sông Đào Hạ Lý (Hải Phòng) chỉ phải thực hiện nhiệm vụ trên đoạn sông dài hơn 3km, nhưng lại rất phức tạp.
Tại trạm Ba Mom chỉ được cơ quan quản lý Nhà nước duyệt hai công trực đảm bảo ATGT đường thủy với đơn giá hơn 200.000 đồng/công/ngày. Trong khi đây là tuyến khó khăn, chỉ cần sơ suất là tàu va đâm vào đá, vào bãi cạn. Phải là người công tác lâu năm, thuộc luồng tuyến như lòng bàn tay, có kinh nghiệm xử lý tốt được.
Ông Phạm Ngọc Quý, Đội trưởng Đội Công trình 06 (Công ty CP Quản lý đường sông số 5)
Trạm trưởng Ngô Hồng Thắng, người đã công tác tại trạm 30 năm cho biết, đây là đoạn sông nhiều khúc cong cua, luồng hẹp, lại hạn chế tĩnh không cầu, khoang thông thuyền. Điển hình là cầu Quay đường sắt, tĩnh không chỉ 3,2m, chiều rộng khoang thông thuyền chỉ 27m. Cách cầu khoảng 150m có bãi cạn, nếu phương tiện không được hướng dẫn rất dễ đâm vào, mắc cạn.
Để đảm bảo an toàn, các phương tiện thủy được quy định chạy một chiều theo giờ. Nghĩa là đến giờ mở luồng, phương tiện sẽ chạy một chiều từ thượng lưu đến hạ lưu, sau đó cấm luồng khoảng 1,5 giờ, lại mở luồng chiều ngược lại.
Hằng ngày, 50 nhân lực trạm điều tiết chia làm 3 ca, đi kiểm tra bằng tàu, bằng xuồng. Trước khi đến giờ mở luồng, họ dùng loa hướng dẫn các phương tiện neo đậu, kiểm tra các điều kiện về mực nước, nhắc nhở các phương tiện các vị trí hạn chế tĩnh không, khoang thông thuyền hoặc các vị trí khan cạn.
"Điều kiện hạ tầng đường thủy khu vực này nhiều hạn chế. Trong khi kích thước, tải trọng phương tiện ngày càng lớn. Nếu năm 1994, tàu to nhất qua đây chỉ 250 tấn, nay có tàu đến 2.000 tấn, có đoàn tàu đẩy đến 6.000 tấn. Điều này gây nhiều áp lực cho anh em thực hiện nhiệm vụ điều tiết, chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng có thể xảy ra đâm va hay mắc cạn", ông Thắng cho hay.
Trong khi đó, điều kiện làm việc, sinh hoạt của trạm còn nhiều khó khăn. Nếu khu vực thượng lưu, trạm có trụ sở trên bờ thì khu vực hạ lưu, trạm đóng quân trên pông-tông giữa sông nước. Điện không có, phải dùng ắc-quy từ hệ thống điện mặt trời nên chỉ dùng thắp sáng đèn báo hiệu và đèn sinh hoạt. Mọi sinh hoạt ăn, nghỉ, nấu nướng đều trên pông-tông.
"Lương thấp, chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng, bao gồm cả các khoản phải đóng như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... nên thực lĩnh còn thấp hơn. Nhưng làm nhiều lại càng gắn bó, yêu nghề", ông Thắng tâm sự.
Giữ an toàn phương tiện, cảng bến
Rời Trạm Điều tiết sông Đào Hạ Lý, chúng tôi đến Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Minh Đức (thuộc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I), cách trung tâm Hải Phòng khoảng 20km.
Các cảng vụ viên Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Minh Đức kiểm tra các điều kiện về con người, phương tiện trên tàu SB. Ảnh: Tạ Hải.
Đã hơn 11h trưa nhưng các cảng vụ viên nơi đây vẫn đi kiểm tra tàu trong Nhà máy Xi măng Chinfon để hoàn tất thủ tục cấp phép cho tàu rời cảng. Một cảng vụ viên nói vui: "Chút nữa nhà báo sẽ chứng kiến anh em đu dây".
Ra đến tàu, chúng tôi mới hiểu được, để lên tàu, cảng vụ viên sẽ phải leo thang bám theo mạn tàu, hoặc là đi trên chiếc thang sắt nhỏ bắc ngang từ thành tàu sang cầu tàu mà không có tay bám, rất nguy hiểm. Nếu không giữ được thăng bằng, sẽ trượt chân rơi xuống nước, hay va đập vào mạn tàu.
Nhưng dường như đã quen, các anh vẫn đi qua nhanh nhẹn như diễn viên xiếc. Lên đến tàu, người nào việc đó, kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ của các chức danh trên tàu như thuyền trưởng, thuyền viên... các trang thiết bị đảm bảo an toàn, lượng hàng hóa.
Anh Đặng Quang Huy, Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa Minh Đức cho biết, đơn vị chỉ có 8 cán bộ, viên chức nhưng vẫn phải đảm bảo làm việc 3 ca. Hằng ngày đơn vị kiểm tra, làm thủ tục cho các phương tiện bốc xếp hàng tại Nhà máy Xi măng Chinfon và Nhà máy Xi măng Hải Phòng trên tuyến sông Đá Bạc, Bạch Đằng. Trung bình một tháng làm thủ tục cho khoảng 300 lượt phương tiện vào, rời cảng.
"Việc nhiều, có hôm hết ca anh em cũng không về nhà, đóng quân ngay tại đơn vị để tranh thủ thời gian hoàn thành nốt. Công việc cũng không quá áp lực, song có điều thu nhập còn thấp, trung bình chỉ khoảng 6 triệu đồng/người/tháng", anh Huy nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận