Lễ vẫn cứ làm
Hơn 9h sáng 1/9, anh Bùi Văn Dũng, thuyền trưởng tàu hút sức chứa 1.200m3 cát đã hối thúc anh em trên tàu chuẩn bị bữa trưa. Tàu có 5 người và hôm nay ngày thứ hai của kỳ nghỉ lễ, nên thức ăn cũng khá tươm tất.
"Bữa trưa hôm nay có thịt gà kho, cải xào và nấu canh", anh Dũng khoe.
Hai tháng nay, anh Dũng và các thuyền viên liên tục ra vào cửa biển Trần Đề (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Cứ sáng có mặt ở điểm sang mạn gần bến phà thị trấn Long Phú, thì chiều anh đã ở ngoài biển.
Còn mỏ cát ngoài biển, cách đất liền hơn 20km. Sau khi tàu ra đó hút đầy cát, anh Dũng và các thuyền viên mới quay tàu về điểm sang mạn (cách mỏ hơn 40km), bơm nước ngọt từ sông Hậu rửa cát để giảm độ mặn từ 22 - 25 xuống còn 13 - 17 là đạt.
Số cát sau rửa mặn ấy, sẽ bơm sang các tàu xả tràn (tổng số đã huy động 62 chiếc) chờ sẵn, chở về công trường thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông ở Kiên Giang, Cà Mau.
Mỗi chuyến ra biển rồi về mất khoảng 15 giờ và 800 lít dầu. Hễ tới điểm sang mạn, anh Nguyễn Như Sáng, thuyền trưởng một tàu hút các khác lại cho người lên bờ mua thức ăn.
Hai tháng nay, kể từ khi mỏ cát biển đi vào khai thác (29/6/2024), hơn 10 tàu hút cát như tàu của anh Sáng đã có mặt ở đây, trong đó tàu có sức chứa tối đa đến 2.000m3 cát… Tuy nhiên, tàu mới vận hành khoảng hơn 10 ngày nay, do phải neo chờ làm thủ tục...
Anh Sáng nói, có tàu 5-6 thuyền viên, có tàu 9-10 người, tất cả đều nấu ăn trên tàu. Tầng trên, phía sau có phòng nhỏ, dùng làm bếp nấu ăn.
Mỗi ngày, thuyền trưởng đều cố gắng đảm bảo đủ ba món: mặn, xào, canh… để giữ sức khỏe cho thuyền viên.
Trên tàu, có nhiều góc nhỏ, và mỗi nơi được trải chiếu, thu vén thành chỗ ngủ của mỗi người. Ven cầu thang, sát buồng lái… đầy những "tổ ấm" như vậy.
Kỳ lễ này, các tàu vẫn hoạt động bình thường, anh em trên tàu anh Sáng được thưởng động viên 500.000 đồng/người, do tiến độ khai thác cát đang gấp.
"Tùy tàu có thưởng hay không. Bởi chúng tôi được khoán khối lượng, chi phí lương bổng đều tính trong đơn giá. Có thưởng hay không chẳng quan trọng, ưu tiên là đạt tiến độ", anh Sáng nói.
Hiện nhà thầu mới khai thác 1/2 mỏ được cấp, với tổng khối lượng đã đưa về dự án cao tốc hơn 100.000m3.
Anh Đỗ Minh Châu, Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C (nhà thầu khai thác) cho biết, với các tàu hút hiện nay, công suất khai thác cát biển đã nâng lên gần 18.000m3/ngày vào đầu tháng 9, đóng góp đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam.
Lễ, Tết xa nhà, buồn một chút nhưng cũng quen
Trên các tàu, người có "thâm niên" xa nhà ít nhất cũng hai năm, nên chuyện ăn Tết, nghỉ lễ trên biển, trên công trường là chuyện bình thường với các thuyền viên.
"Hôm nào có việc tôi mới lên bờ, còn phần lớn thời gian ở trên tàu. Ban đêm tàu không khai thác, buồn hơn, nhưng quen rồi", anh Phạm Văn Khoa, người Hải Phòng, nói vậy. Từ Trà Vinh sang Sóc Trăng làm hai tháng nay, mức lương anh Khoa hưởng là 550.000 đồng/ngày.
Anh nói, tối ngày cưỡi trên đầu sóng biển, hứng gió sông, dẫu có tiền cũng chẳng có chỗ tiêu. Nhờ vậy, tiền của các anh chủ yếu đem về cho vợ con. Anh Sáng cho hay, tranh thủ lúc giãn tiến độ sẽ về Hà Nội thăm vợ và hai con.
Còn thuyền viên như anh Khoa, cố lắm chỉ tranh thủ mỗi năm về được hai lần. Phần lớn các thuyền viên trên các tàu đang hút cát ở Sóc Trăng đều là người Hải Phòng.
"Ăn lễ trên biển, buồn lắm, nhưng chấp nhận chứ sao giờ", anh Sáng trầm ngâm.
Niềm vui của thuyền viên ngày lễ chỉ là cùng nhau ăn tối, kể chuyện nhà, nhắc chuyện con chuẩn bị khai giảng vào năm học mới.
Các anh nói rằng, giờ điện thoại gọi video dễ dàng, nhìn thấy hình ảnh vợ con bất cứ lúc nào, nên cũng tạm ổn.
Clip ghi nhận nơi sinh hoạt trên tàu và khu vực hút cát của các thuyền viên.
Ngày 21/6/2024 UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp Bản xác nhận khu B1.1 và B1.2 cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C tổ chức khai thác phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Ngày 29/6, nhà thầu bắt đầu khai thác cát biển. Phương pháp khai thác cát biển tại khu B1 tỉnh Sóc Trăng là sử dụng vòi hút của các tàu rùa chạy dài trên mặt cát dưới đáy biển. Việc khai thác này được dàn trải để không tạo hố sâu, nhằm tránh xói lở xảy ra trước mắt cũng như về lâu dài.
Khu vực biển khai thác cát được ngành chức năng giới hạn bởi bốn điểm góc có tọa độ cụ thể. Độ sâu được phép sử dụng là 7,5m, độ cao được phép sử dụng là 5m tính từ mặt nước biển.
Thời hạn khai thác cát biển được tính từ thời điểm có quyết định giao khu vực biển đến hết ngày 21/12/2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận