Quản lý

Giám sát nghiêm ngặt chất lượng cát biển làm cao tốc

So với cát sông, cát biển có hạt nhỏ và mịn hơn. Việc giám sát độ mặn được tiến hành nghiêm ngặt, kiểm tra rất nhiều lần, đạt yêu cầu mới được bơm lên công trường thi công cao tốc.

Thi công thí điểm

Ngày 29/6, mỏ cát biển ở Sóc Trăng có diện tích gần 100ha chính thức được khai thác phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. 

Đơn vị thực hiện khai thác là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C.

Giám sát nghiêm ngặt chất lượng cát biển làm cao tốc- Ảnh 1.

Một đoạn cát biển được bơm lên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn qua huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) dài khoảng 200m.

Đến nay, nhà thầu khai thác đã đưa về công trường tại Cà Mau (gói thầu xây lắp XL02) hai đợt, với tổng khối lượng khoảng 4.300m3. Dự kiến ngày 25/7, tiếp tục có đợt cát thứ 3 về công trường.

Theo chia sẻ của anh Phạm Văn Linh, giám sát thi công của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, cát biển khác cát sông ở chỗ có hạt nhỏ, mịn hơn.

"Cơ quan chức năng đã thực hiện thí điểm 300m tại đường hoàn trả ĐT.978, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. 

Kết quả đạt yêu cầu và quy trình thi công đã có rồi. Về cơ bản, sử dụng cát biển đắp nền không khác nhiều so với cát sông. Chỉ có điều cát biển độ mặn hơn so với cát sông, độ mặn này được giám sát rất kỹ", anh Linh chia sẻ.

Cũng theo anh Linh, việc triển khai thi công cát biển cũng bình thường, không khác nhiều so với thi công bằng cát sông. 

Sau khi bơm cát vào công trường, xe ủi, xe lu được đưa vào lu lèn như cát sông thông thường, đảm bảo đúng độ chặt, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc.

"Hiện tại, cát biển ưu tiên sử dụng lớp dưới cùng để gia tải, vẫn sẽ thi công thí điểm thêm, độ dày lớp cát biển trung bình từ 1-1,2m. Sau lớp cát đắp sẽ đến lớp cấp phối đá dăm và cuối cùng là láng nhựa", anh Linh nói.

Quy trình khai thác ra sao?

Giám sát nghiêm ngặt chất lượng cát biển làm cao tốc- Ảnh 2.

Những khối cát biển đầu tiên được đưa về công trường cao tốc Cà Mau - Cần Thơ đoạn qua huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Thanh Mong.

Theo ông Đỗ Minh Châu, đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, khu vực mỏ cát biển nằm ở Tiểu khu B1.1 và B1.2 cách đất liền khoảng 40km, thuộc vùng biển tỉnh Sóc Trăng.

Đây là mỏ cát biển đầu tiên được đưa vào khai thác phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn từ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu và đoạn qua huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau).

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin, theo quy trình, đầu tiên đơn vị khai thác thực hiện đăng ký phương tiện khai thác, phương tiện vận chuyển trình UBND tỉnh Sóc Trăng, Tổ công tác liên ngành, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải.

Tiếp đó, đơn vị khai thác sử dụng tàu hút đưa đến vị trí mỏ, tiến hành hút cát và vận chuyển vào vị trí sang mạn tại khu neo đậu chuyển tải; thực hiện giám sát trong quá trình khai thác, sang mạn, vận chuyển, theo dõi độ mặn và vận chuyển về công trình.

Theo kế hoạch, tháng 8/2024 sẽ đưa về công trường cao tốc khoảng 1 triệu m3 cát biển từ khu B1. 

Khó khăn trong quá trình khai thác là các thiết bị đủ điều kiện khai thác trong biển hạn chế. Đồng thời, vị trí khai thác cách xa bờ, cần đảm bảo an toàn và kỹ thuật cao.

"Bên cạnh đó, đơn vị khai thác còn gặp khó về thiết bị theo dõi, giám sát định vị trong quá trình khai thác, cũng như giám sát theo dõi độ mặn tại mỏ và tại công trường. 

Quá trình khai thác dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên mưa, bão", đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin thêm.

Theo ông Đỗ Minh Châu, đơn vị sử dụng phương pháp khai thác bằng cách cho các vòi hút của các tàu rùa chạy dài trên mặt cát dưới đáy biển. 

Với 6 triệu m3 cát, đơn vị sẽ khai thác trong sáu tháng. Công suất đăng ký từ 35.000 - 50.000m3/ngày, thời gian từ 7h - 17h hằng ngày, không khai thác vào ban đêm.

Sau khi hút lên, cát biển được đổ lên sà lan và vận chuyển vào bờ theo luồng Định An. Tiếp đó, cát được vận chuyển bằng sà lan tải trọng 2.000 - 3.000m3 vào khu vực tập kết để đưa đến công trường.

Tăng tốc thi công khi có cát

Giám sát nghiêm ngặt chất lượng cát biển làm cao tốc- Ảnh 3.

Đơn vị thi công huy động 5 đội bơm cát với khoảng 60 người vừa vận hành máy bơm, vừa khuân chuyển ống để đưa cát biển đến công trường.

Ông Phạm Văn Dự, Giám đốc Ban điều hành gói thầu xây lắp XL02 (đoạn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) chia sẻ, phần công trình đơn vị đang phụ trách cần khoảng 1 triệu m3 cho 9km đường.

"Khi có thêm nguồn cát biển về, chúng tôi huy động thêm các đội bơm đẩy nhanh tiến độ, nhằm bù đắp khối lượng bị chậm", ông nói.

Theo ông Kiều Quốc Thanh, tài công điều khiển sà lan chở hơn 600m3 cát biển đầu tiên cặp bờ tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, sà lan chạy từ Cần Thơ ra cửa biển Trần Đề để lấy cát biển, sau đó phải neo chờ khoảng một tuần để đợi cấp giấy phép vận chuyển về Cà Mau.

"Tôi chở theo khoảng 600m3 cát biển đi theo sông Hậu về Cần Thơ rồi qua thành phố Vị Thanh. Tiếp đó xuôi về theo dòng sông Chắc Băng về huyện Thới Bình, cập bến với hải trình dài khoảng 100km, tốn hơn 800 lít dầu", ông Thanh chia sẻ thêm.

Theo ghi nhận của PV, ngay sau khi cát biển về đến công trường, đơn vị thi công đã phần nào giải tỏa được cơn "khát" cát đắp nền thời gian qua.

Giám sát độ mặn nghiêm ngặt

Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, theo quy trình, việc khai thác cát được thực hiện trong khu vực mỏ.

Khi cát hút lên sà lan (sà lan hoạt động trên biển), cán bộ giám sát sử dụng thiết bị chuyên dụng để kiểm tra độ mặn của cát, ghi các chỉ số.

Thiết bị này như đồng hồ đo điện, cầm tay để kiểm tra nhanh. Kỹ sư lấy nước từ các sà lan lên để đo độ mặn của nước, đó chính là độ mặn của cát đang lấy.

Khi sà lan biển chở cát vào cửa biển Trần Đề, ở đây sẽ san cát từ sà lan biển qua sà lan sông.

Quá trình này sẽ dùng nước sông để thau rửa độ mặn của cát một lần nữa. Khi thau rửa xong, tiếp tục dùng thiết bị chuyên dùng để đo độ mặn của cát, nắm các chỉ số.

Tiếp đó, sà lan sông chở cát về công trường. Nếu chỗ thuận lợi thì sà lan tiếp cận công trường, nếu ở các vị trí cách xa, phải chuyển cát qua một sà lan khác.

Quá trình chuyển này tiếp tục dùng nước sông để thau rửa độ mặn của cát thêm một lần nữa, sau đó bơm cát về bãi tập kết.

Tại bãi tập kết, kỹ sư giám sát công trường tiếp tục đo độ mặn của cát. Đồng thời đo độ mặn của nước, đất khu vực sản xuất của người dân dọc quanh dự án cao tốc đi qua.

"Vừa rồi chúng tôi kiểm tra độ mặn tại các ao tôm, vườn của dân, độ mặn dao động từ 25-27‰. Nếu chỉ số độ mặn của cát biển thấp hơn độ mặn của môi trường xung quanh thì mới cho phép đưa cát vào công trường.

Nếu chỉ số độ mặn của cát biển cao hơn chỉ số mặn của môi trường xung quanh, nhà thầu phải thau rửa cát thêm lần nữa, khi nào chỉ số mặn của cát biển thấp hơn thì cát mới được đưa vào công trường. Như vậy, quy trình kiểm soát độ mặn của cát biển rất chặt chẽ, qua rất nhiều công đoạn, đảm bảo tiêu chuẩn mới được đưa vào công trường", ông Tuân khẳng định.

Ngoài ra, đơn vị tư vấn quan trắc môi trường sẽ kiểm tra định kỳ độ mặn tại dự án, xem mức độ ảnh hưởng ra môi trường bên ngoài thế nào để có khuyến cáo với nhà thầu, chủ đầu tư.

Trữ lượng cát biển 680 triệu m3

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110km, các tuyến nối khoảng 25km, tổng vốn đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng. Tổng nhu cầu cát cho dự án khoảng 18,1 triệu m3; trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.

Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), hiện dự án đã huy động 2.800 kỹ sư, công nhân triển khai 237 mũi thi công đồng bộ 110km tuyến chính, 117 cầu và 11 nút giao. Đến nay, tiến độ đạt hơn 34% so với kế hoạch, chậm 14%.

Khu vực biển được phép khai thác có diện tích gần 100ha, được giới hạn bởi bốn điểm góc có tọa độ cụ thể. Độ sâu được phép khai thác đến 7,5m.

Thời hạn giao khu vực biển có hiệu lực đến hết ngày 21/12/2024. Trữ lượng cát biển ước tính khoảng 680 triệu m3, phân bố tại khu vực biển độ sâu 2-5m, cách bờ 20km.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.