Chuyện dọc đường

Có bao nhiêu người “chạy” quốc tịch nước ngoài?

21/04/2023, 06:26

Tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp ngày 19/4, báo giới có một câu hỏi rất đáng chú ý: “Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có còn quốc tịch Việt Nam không?".

Câu trả lời của ông Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực là “đến nay, chưa nhận được thông tin nào liên quan đến việc thay đổi quốc tịch của bà Nhàn”.

img

Theo quy định của pháp luật, có 4 trường hợp công dân Việt Nam được phép có hai quốc tịch (Ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 10/5/2022, Bộ Công an đã có quyết định truy nã bà Nhàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC).

Bà Nhàn và 36 bị cáo khác bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử hồi tháng 1 trong đại án vi phạm quy định về đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, gây thất thoát 152 tỷ đồng. Trong vụ này, cả Bí thư và Chủ tịch tỉnh Đồng Nai đều đã nhận tội trước tòa.

Kỳ bí của vụ án là bà Nhàn đến nay “bặt vô âm tín”, không một dấu vết. Trong nhiều vụ án kinh tế hoặc hình sự trước đây, đã từng có vài người cao chạy xa bay ra nước ngoài. Có người trốn thoát, có người bị dẫn độ về quy án.

Riêng bà Nhàn, tung tích rất bí ẩn, mặc dân tình râm ran đồn đoán. Mà đồn đoán chẳng bao giờ hay, chỉ gây ra những hệ lụy xấu cho trật tự, an ninh, quản lý Nhà nước.

Bà Nhàn có quốc tịch nước khác không? Đó chính là câu hỏi bật ra với hầu hết những người quan tâm về vụ này. Không lạ, bởi hiện không hiếm công dân Việt Nam ở trong nước (không thuộc diện có hai quốc tịch) vẫn có cùng lúc hai quốc tịch.

Thậm chí, khi có những vụ vỡ lở mới lòi ra chuyện ĐBQH đương nhiệm cũng có quốc tịch nước ngoài, như vụ ông Phạm Phú Quốc (ĐBQH khóa XIV, quốc tịch Síp), bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (ĐBQH khóa XII, XIII, quốc tịch Malta). Hy hữu và chấn động.

Cả hai người nói trên đều là Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Riêng ông Quốc trước đó giữ hàng loạt vị trí đứng đầu quan trọng trong các đơn vị, tổ chức kinh tế ở TP.HCM.

Công dân Việt Nam có được mang hai quốc tịch không? Có bao nhiêu công dân Việt Nam, gồm cả cán bộ, đảng viên (như trường hợp ông Phạm Phú Quốc) mang quốc tịch nước ngoài?

Pháp luật quy định rất rõ. Có 4 trường hợp công dân Việt Nam được phép có hai quốc tịch: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch Việt Nam; Được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài; Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng không phải thôi quốc tịch nước ngoài; Trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi.

Ông Quốc và bà Hường đều không thuộc 4 trường hợp này. Và trên thực tế, có lẽ không chỉ ông Quốc và bà Hường. Vậy, có bao nhiêu người Việt Nam ở trong nước hiện có hai quốc tịch? Đó chính là câu hỏi dành cho Bộ Tư pháp.

Tại sao câu hỏi này được quan tâm và cần được trả lời? Vì trước hết, nó cho thấy một nền tư pháp minh bạch, kỷ cương, công bằng, tin cậy. Còn nếu có thực tế đó (song tịch không hợp pháp) mà không được nhận diện, thì rõ ràng quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo.

Quản lý lỏng lẻo là nguồn cơn của tội phạm phát sinh. Nếu ai đó không thuộc diện có hai quốc tịch mà “chạy” được hai quốc tịch hoặc lăm le có ý định làm, ấy là mầm mống tội phạm hoặc đang phạm tội.

Đặng Đại

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.