TNGT khu vực nội thị gia tăng
Hiện trường vụ TNGT trong khu dân cư Vĩnh Lộc khiến 3 học sinh thương vong
Khoảng 21h đêm 11/4, tài xế Phan Văn Được (30 tuổi) điều khiển ô tô tải BKS 29H- 854.58 chạy trên đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bất ngờ va chạm với xe máy BKS 72G1 - 094.91 lưu thông cùng chiều khiến 2 người trên xe máy tử vong tại chỗ.
Trước đó, khoảng 18h45 ngày 9/4, trên đường Trương Định, đoạn qua Trường Tiểu học Trần Phú, phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi, ô tô tải BKS 76C-025.45 đang lưu thông thì mất kiểm soát tông hàng loạt xe máy khiến nhiều người bị thương.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ TNGT quanh khu vực các khu dân cư, đô thị, khu chung cư trên toàn quốc thời gian qua, khiến nhiều người lo lắng.
Chị Mai Thị Thảo (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình chị đang sinh sống tại khu chung cư Hateco Apollo nằm trên đường 70 (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) nhưng vô cùng bất an vì phương tiện di chuyển với tốc độ cao.
“Tuyến đường đoạn qua khu chung cư thường xuyên xảy ra tai nạn, đặc biệt tại lối rẽ vào các cổng của chung cư. Nguyên nhân chủ yếu do các phương tiện thấy đường đẹp, di chuyển với tốc độ nhanh và không chú ý quan sát”, chị Thảo phản ánh.
Còn theo số liệu thống kê từ Cục CSGT gửi Ủy ban ATGT Quốc gia, phân tích trên 7.917 vụ TNGT đường bộ 9 tháng đầu năm 2022, có tới 23,34% số vụ xảy ra trên đường nội thị, tăng 2,88 % so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,25% so với cả năm 2021.
Theo GS. TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT, trong số nhiều nguyên nhân gây tai nạn, vi phạm tốc độ luôn chiếm tỷ lệ cao. Dân số sống ở đô thị chỉ chiếm hơn 37% nhưng TNGT trong đô thị lại chiếm tỷ lệ lớn so với ở nông thôn. Trong khi đó, tốc độ giới hạn tại các khu đô thị còn cao, thường là 60km/h.
“Nhiều nước phát triển đang áp dụng giới hạn tốc độ 50km/h trong khu vực đô thị, trong khi Việt Nam vẫn áp dụng giới hạn 60km/h với những đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên là chưa hợp lý”, ông Sùa nói.
Giảm tốc độ để giảm TNGT
Cũng theo ông Sùa, tại các quốc gia phát triển, họ có thể làm những con đường rất tốt, kiểm soát tốt các giao cắt và cho phép những phương tiện di chuyển với tốc độ cao nhưng vẫn an toàn.
Xu hướng chung tại các nước phát triển hiện nay là giảm tốc độ giới hạn trong khu vực đô thị xuống 50km/h, đồng thời họ cũng thiết kế quy hoạch hành lang các tuyến đường trục tốt hơn, kiểm soát giao cắt xung đột tốt hơn để lưu thông ở tốc độ cao hơn mà vẫn an toàn.
Về nguyên tắc, tại những khu vực có nhiều người đi bộ và xung đột giao thông (trường học, bệnh viện, khu vực trung tâm thương mại...), có thể nghiên cứu giảm tốc độ 30km/h.
Tuy nhiên, trong điều kiện tại Việt Nam, có rất nhiều trường học dọc các tuyến quốc lộ hoặc các khu đông dân cư nằm rải rác ở rất nhiều nơi. Việc ban hành hướng dẫn cụ thể, hoàn thiện hành lang pháp lý về quy hoạch để giảm bớt việc cấp phép xây dựng, quản lý đấu nối dọc các tuyến quốc lộ là hết sức cần thiết.
Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh
Tuy nhiên, trong khu vực đô thị - nơi có nhiều người đi bộ, những phương tiện dễ bị tổn thương như xe máy, xe đạp thì tốc độ lại được quản lý rất chặt chẽ, thường không quá 50km/h.
Ông Sùa cho hay, nhiều quốc gia chọn tốc độ 50km/h cho phần lớn các đường đô thị bởi các kết quả thực nghiệm và tính toán đều cho thấy nếu va chạm ở tốc độ này, khả năng sống sót của người gặp tai nạn khá cao.
Trong khi nếu va chạm ở tốc độ cao hơn (từ 60km/h trở lên) rủi ro chấn thương nặng hoặc tử vong là rất lớn.
Với những khu vực đông dân cư, hoạt động thương mại du lịch sầm uất, nhiều đô thị trên thế giới không những hạn chế tốc độ xe cơ giới xuống mức rất thấp mà còn cấm luôn xe cơ giới để chuyển sang đi bộ, đi xe đạp như: Amsterdam (Hà Lan), Seoul (Hàn Quốc), Paris (Pháp), London (Anh), Bang Kok (Thái Lan).
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết thêm, hiện Việt Nam không có tốc độ giới hạn riêng khi đi qua các khu vực có mật độ người đi bộ cao như xung quanh các trường học, trung tâm thương mại, hay các khu đô thị.
Nói cách khác, tốc độ các phương tiện có thể chạy là giới hạn tốc độ được áp dụng chung cho khu vực đông dân cư (60km/h đối với đường đôi, đường 1 chiều có từ 2 làn xe trở lên).
TS. Hiếu cho biết, theo kinh nghiệm trên thế giới, tốc độ nên giới hạn ở mức 40km/h (tương đương 80% mức tốc độ giới hạn khi đi qua khu dân cư là 50km/h).
Còn theo TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cơ quan quản lý cần rà soát diện rộng tất cả các tuyến đường trên toàn quốc để xác định tốc độ giới hạn riêng cho từng đường.
Không chỉ dựa trên tiêu chí thiết kế mặt đường mà còn phải dựa trên các tiêu chí thực tế về không gian xung quanh tuyến đường như: Có gần trường học không, có đi qua khu dân cư đông đúc không và mật độ các phương tiện có lớn không…?
Từ đó, thực hiện cắm biển báo tốc độ hay biển cảnh báo giới hạn tốc độ các phương tiện trên từng tuyến đường một cách cụ thể để người dân dễ dàng nắm được và thực hiện.
“Không nên quy định một cách chung chung đoạn đường đôi hay đường 1 chiều có dải phân cách giữa như hiện nay vì không phản ánh được thực tế tình hình giao thông tại mỗi tuyến”, TS. Tạo cho biết.
Cục CSGT từng kiến nghị giảm tốc độ trong đô thị
Từ năm 2018, Cục CSGT cũng từng kiến nghị điều chỉnh tốc độ theo hướng giảm tốc độ tối đa cho phép trong đô thị nhằm phòng ngừa TNGT. Lý do được đưa ra bởi quy định tốc độ tối đa hiện nay cho phép trong khu vực đông dân cư đối với đường đôi có dải phân cách giữa, đường một chiều có 2 làn xe cơ giới trở lên là 60km/h.
Tuy nhiên, nhiều tuyến quốc lộ đi qua huyện, thị xã, thành phố chủ yếu đi vào khu đông dân cư, trường học nhiều nút giao đồng mức, mật độ tham gia giao thông đông. Do vậy, nếu lưu thông với tốc độ này rủi ro va chạm cao hơn và hậu quả khi có va chạm cũng sẽ lớn hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận