Giới hạn tốc độ khu vực cổng trường
Pano thông báo khu vực trường học và nhắc nhở lái xe giảm tốc độ được lắp đặt trên đường trước đoạn qua cổng trường học ở TP Pleiku, Gia Lai
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Phạm Hoài Nam (trú tại Hà Nội) kể, cách đây 1 tuần, anh có dịp vào thăm người thân ở Gia Lai và cảm thấy hết sức bất ngờ khi điều khiển ô tô qua trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng trên đường Lê Duẩn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.
“Khoảng 6h40 sáng, tôi lái xe trên đường Lê Duẩn, ngạc nhiên khi thấy hai bên đường liên tục có pano thông báo “Khu vực cổng trường”, tiếp đến là biển giới hạn tốc độ 40km/h và biển báo “Đi chậm”. Chủ động giảm tốc độ, đi thêm khoảng 30m, tôi thấy ngay phía trước là trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng và các em học sinh đang tíu tít dắt nhau qua vạch kẻ sang đường dành cho người đi bộ”, anh Nam nhớ lại.
Theo anh Nam, việc cảnh báo khu vực trường học với biển giới hạn tốc độ rất cần thiết và ý nghĩa giúp người tham gia giao thông nhận biết để chủ động giảm tốc độ, bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường và tan học.
Chị Nguyễn Hoài Thu (trú tại TP Pleiku, phụ huynh học sinh) cho biết, trước đây, vào giờ tan trường, khu vực cổng Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng thường xảy ra tình trạng phụ huynh đỗ xe lấn chiếm lòng, lề đường. Chưa kể, trường nằm trên đường Lê Duẩn cũng là trục QL19, nơi lưu lượng xe qua lại rất lớn nên tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.
“Từ khi dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” triển khai, hạ tầng giao thông trước cổng trường đã được cải tạo, các biển báo giao thông được lắp đặt, lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát. Nhờ đó ý thức chấp hành của người dân tăng cao, phụ huynh và học sinh rất yên tâm”, chị Thu chia sẻ.
Theo ông Võ Ngọc Quảng, Phó chánh Văn phòng Ban ATGT Gia Lai, cách trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng chưa đến 10km, trường Tiểu học Phan Đăng Lưu nằm trên đường Tôn Đức Thắng, nơi có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, đặc biệt là xe tải, cũng được quan tâm để cải thiện hệ thống đảm bảo ATGT khu vực trường học.
Ngay phía trước cổng trường hiện đã sơn kẻ vạch sang đường, cách đó khoảng 5m dòng chữ “Đi chậm” được vẽ rõ nét trên mặt đường ở cả hai phía nhằm nhắc nhở các tài xế giảm tốc độ. Đặc biệt, tại đây còn được kẻ vẽ khu vực dành cho phụ huynh đậu, đỗ xe chờ đón con và hệ thống rào chắn phân định vị trí học sinh đứng đợi cha, mẹ.
Lãnh đạo trường Tiểu học Phan Đăng Lưu cho biết, trước đây, cổng trường dốc và hẹp, lại nằm gần khúc cua nên bị hạn chế về tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất lớn. Tuy nhiên, khi được chọn là nơi triển khai mô hình “Trường học an toàn”, khu vực trước cổng trường như được “thay áo mới”, thông thoáng, văn minh, an toàn.
Nâng nhận thức, sửa hành vi
Gờ giảm tốc, sơn chữ nhắc nhở "Đi chậm" giúp đảm bảo ATGT phía trước khu vực cổng trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng, TP Pleiku, Gia Lai
Theo ông Võ Ngọc Quảng, dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” do Ban ATGT tỉnh phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á - AIP triển khai đến nay đang bước vào giai đoạn 2 mở rộng.
Trước đó, từ tháng 4/2018 - 6/2020, giai đoạn 1 của dự án được triển khai tại Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng và Phan Đăng Lưu.
Tại đây, cơ quan chức năng đã cải tạo hạ tầng đường bộ khu vực trường học, lắp đặt vạch sang đường, gờ giảm tốc, sơn chữ “Đi chậm” trên mặt đường, áp dụng tốc độ quy định tối đa qua khu vực trường học, lắp đặt biển báo quy định tốc độ mới…
UBND tỉnh sau đó đã ban hành quy định chung về đặt biển báo tốc độ tối đa cho phép qua khu vực trường học trên địa bàn TP Pleiku vào các khung giờ cao điểm.
Trong đó, tốc độ tối đa cho phép ở khu vực trường học có đường đôi, có dải phân cách là 40km/h, khu vực đường hai chiều, không có dải phân cách là 30km/h, giảm 20km/h so với trước đây, giúp lái xe giảm tốc độ, xử lý các tình huống đảm bảo an toàn khi qua trường học.
Giai đoạn 2 của dự án triển khai từ tháng 7/2020 - 3/2022 tại 29 trường tiểu học ở TP Pleiku và Trường Tiểu học Ia Nhin (huyện Chư Păh) nhằm nâng cao ý thức của học sinh và cộng đồng về ATGT, xây dựng định nghĩa “Khu vực trường học an toàn” cho TP Pleiku.
Từ tháng 5/2022 đến hết tháng 12/2022 tiếp tục triển khai giai đoạn 2 mở rộng, trang bị cho giáo viên các kỹ năng cần thiết để áp dụng Tài liệu điện tử ATGT vào giảng dạy cho học sinh tiểu học.
Đồng thời, đẩy mạnh các kỹ năng sống liên quan đến an toàn đường bộ cho thanh, thiếu niên trên địa bàn TP Pleiku, khuyến khích trẻ em và các gia đình đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường.
Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, thực tế chứng minh được TP Pleiku có thể trở thành một thành phố kiểu mẫu về khu vực trường học an toàn ở nước ta, cũng như một mô hình có thể nhân rộng không chỉ trên toàn quốc mà còn ở Đông Nam Á. “Do đó, mô hình cần được nhân rộng trên toàn quốc thời gian tới”, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia nói.
UBND tỉnh Gia Lai và UBND TP Peliku vừa nhận Giải thưởng quốc tế Tầm nhìn không thương vong cho thanh, thiếu niên 2022 do Quỹ Phòng chống thương vong châu Á - AIP trao tại Hà Nội. Giải thưởng này nhằm công nhận việc thực thi các giải pháp ATGT đường bộ tiêu biểu làm hình mẫu cho các thành phố khác thực hiện theo. Đồng thời là bước đi táo bạo để giảm thiểu tử vong do TNGT ở trẻ em và thanh, thiếu niên trong cộng đồng.
Theo Quỹ AIP, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.900 trẻ em tử vong do TNGT, là nguyên nhân đứng thứ 2 gây ra tử vong ở trẻ em. Để hạn chế tai nạn cho trẻ em, AIP phối hợp triển khai thí điểm dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” tại 6 tỉnh trên cả nước, trong đó có Gia Lai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận