Các bác sĩ khẩn trương cấp cứu một nạn nhân bị TNGT - Ảnh minh họa |
Thông tư liên tịch số 26 quy định bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn với người bị TNGT nhằm xác định nguyên nhân gốc của các vụ tai nạn và làm cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền. Tuy nhiên, khi triển khai, do cách hiểu chưa đúng nên việc thực hiện chưa mang lại kết quả.
Báo động TNGT do rượu, bia
Trao đổi với Báo Giao thông, ThS. Nguyễn Tuấn Phong, Trung tâm Phân tích cơ sở dữ liệu ATGT (Viện Chiến lược và Phát triển GTVT) cho biết, tỷ lệ người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện dẫn đến các vụ TNGT đang rất báo động, khi chiếm khoảng 40%. Tỷ lệ này trong những ngày lễ, Tết thậm chí còn cao hơn nhiều, có khi chiếm đến 80% số vụ.
Bác sĩ Nguyễn Đức Chính, Phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, số trường hợp bị TNGT có nồng độ cồn tăng lên 379 trường hợp. Riêng trong tháng 6, đã có 93/1.100 trường hợp nạn nhân TNGT được đưa vào bệnh viên cấp cứu có nồng độ cồn trong máu cao, chiếm gần 10%. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết tình trạng uống rượu, bia khi lái xe.
"Việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu nạn nhân, người điều khiển phương tiện để có con số thống kê chính xác về thực trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, tìm giải pháp xử lý TNGT có nguyên nhân từ vi phạm nồng độ cồn sẽ quyết liệt hơn. Đồng thời, việc làm này cũng giúp có đầy đủ thông tin để tuyên truyền, giáo dục và xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này." Ông Khuất Việt Hùng |
“Hiện nay, không phải nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân nào cũng đồng ý thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu tại bệnh viện vì điều này còn liên quan đến vấn đề pháp lý, bồi thường bảo hiểm… Bên cạnh đó, Bệnh viện Việt - Đức là tuyến cuối nên có thể bệnh nhân nhập viện tại tuyến dưới, sau đó mới chuyển viện, lúc này nồng độ cồn đã giảm đi nhiều”, ông Chính nói.
Chỉ ra bất cập trong vấn đề này, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, khi phân tích nguyên nhân các vụ TNGT, chúng ta chưa chỉ ra được nguyên nhân sâu xa khiến lái xe mất kiểm soát dẫn đến đi sai phần đường, làn đường, vi phạm tốc độ... là do vi phạm nồng độ cồn. Việc kiểm tra nồng độ cồn trong máu của nạn nhân TNGT tại bệnh viện còn hời hợt, người vi phạm nồng độ cồn vào bệnh viện cấp cứu gần như không thống kê được.
Đáng báo động, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bến Tre, 6 tháng đầu năm khi kiểm tra 195/326 trường hợp nhập viện do TNGT thì cả 195 người này đều có nồng độ cồn trong máu. “Nếu không có số liệu chi tiết, cụ thể như vậy, mức độ quan tâm trong chỉ đạo, tuần tra kiểm soát sẽ không rõ ràng. Từ bài học của Bến Tre, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị các cơ sở y tế phải thực hiện việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của nạn nhân TNGT là người điều khiển phương tiện làm cơ sở dữ liệu để đưa ra các giải pháp”, ông Hùng cho biết.
Xét nghiệm nồng độ cồn không cần chỉ định của công an
Hiện, Thông tư liên tịch 26 giữa Bộ Y tế và Bộ Công an đã quy định rõ bốn trường hợp bắt buộc phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu khi đến cơ sở y tế. Cụ thể là các trường hợp: Người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn hoặc bị TNGT; người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan đến vụ TNGT; người điều khiển phương tiện giao thông có dấu hiệu sử dụng chất có cồn; và người điều khiển phương tiện giao thông bị TNGT.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Hạnh, Phó chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hải Dương, hiện việc xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện sau khi xảy ra TNGT chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của lực lượng CSGT.
Thực tế, trong quá trình thực hiện quy định tại Thông tư 26 hiệu quả không cao khi các cơ sở y tế chỉ tiến hành xét nghiệm khi có chỉ định, yêu cầu của lực lượng Công an.
Theo ông Khuất Việt Hùng, nguyên nhân thực trạng bệnh viện trốn xét nghiệm nồng độ cồn cho người bị TNGT theo Thông tư 26 có phần do công tác tập huấn, tuyên truyền đến người thực thi nhiệm vụ trong ngành Y tế chưa sâu sát.
“Việc chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn của bác sỹ đối với nạn nhân TNGT hoàn toàn trong thẩm quyền của ngành Y tế và không cần thiết phải xét nghiệm tất cả các nạn nhân mà chỉ xét nghiệm đối với nạn nhân là người điều khiển phương tiện. Ví dụ, một vụ TNGT xảy ra đối với xe khách, chỉ cần xét nghiệm đối với lái xe. Nạn nhân TNGT là người điều khiển phương tiện khi được đưa vào bệnh viện bắt buộc phải kiểm tra nồng độ cồn trong máu mà không cần đợi chỉ định của lực lượng CSGT”, ông Hùng giải thích thêm.
>>>Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận