Kết thúc phiên 12/3, VN-Index ghi nhận mức tăng 9,51 điểm (+0,77%), lên 1.245 điểm. Bất chấp xu hướng giằng co của thị trường, các cổ phiếu họ Viettel vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với VTP tăng 20%, VTK tăng 14,92%, CTR tăng 4,8% và VGI tăng 3,94%.
Đáng chú ý, từ cuối năm 2022 đến nay, nhóm này cũng đã ghi nhận một con "sóng hồi" mạnh và dần có sự bứt tốc trong 3 tháng đầu năm nay.
Kể từ giai đoạn đáy vào cuối tháng 11/2023, cổ phiếu của Viettel Post (VTP) đã tăng gấp 4 lần từ giá 19.500 đồng/cổ phiếu lên 78.400 đồng/cổ phiếu.
Cùng thời điểm, cổ phiếu của Viettel Construction (CTR) tăng hơn 3 lần lên 117.900 đồng/cổ phiếu, mã chứng khoán của công ty Tư vấn Dịch vụ Viettel (VTK) tăng 2,6 lần lên 49.300 đồng/cổ phiếu hay cổ phiếu của Viettel Global tăng 74%, giao dịch tại mức 39.600 đồng/cổ phiếu.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết: "Bên cạnh những câu chuyện riêng của các doanh nghiệp này, nhóm cổ phiếu như VTP, VTK, CTR hay VGI cũng đang được hưởng lợi nhờ các tin tức tích cực với triển vọng tốt từ thương hiệu Viettel".
Trong tuần trước, Viettel đã đấu giá thành công quyền sử dụng tần số 5G trong vòng 15 năm tới với mức giá hơn 7.500 đồng. Viettel cho biết băng tần sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng 4G hiện nay và dần chuyển đổi sang công nghệ 5G.
Hiện tại, các thiết bị 5G do Viettel nghiên cứu và sản xuất đều đã sẵn sàng để chạy triển khai trên băng tần 2500-2600 MHz.
Viettel dự kiến sẽ khai trương mạng 5G trên toàn quốc trong thời gian sớm nhất.
Không chỉ vậy, việc Viettel đang đẩy mạnh phát triển Internet vạn vật (IoT) trong các sản phẩm, ứng dụng của mình cũng giúp doanh nghiệp này dẫn đầu về công nghệ tại Việt Nam cũng như bắt kịp với xu thế phát triển công nghệ viễn thông của thế giới.
Hai "ngôi sao" hệ sinh thái Viettel
Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel đang là doanh nghiệp thu hút nhiều sự quan tâm nhất của giới đầu tư khi cổ phiếu VTP liên tục tím trần trong bối cảnh chuyển lên sàn HoSE.
Ngày 12/3, mã chứng khoán của Viettel Post đã chính thức chào sàn HoSE với mức tăng kịch biên độ 20% lên 78.400 đồng. Tổng khớp lệnh ở mức 684.000 đơn vị nhưng dư mua giá trần còn 2,55 triệu cổ phiếu. Ngay tại ngày giao dịch đầu tiên, vốn hóa Viettel Post đã tăng mạnh từ mức định giá 8.000 tỷ đồng lên 9.548 tỷ đồng.
Bên cạnh tin tức trên sàn chứng khoán, Viettel Post cũng đang là một doanh nghiệp tiềm năng trong cuộc đua logistics và chuyển đổi số.
Cụ thể, Viettel Post là đơn vị đầu tiên của Việt Nam hợp tác với chính quyền địa phương tại Trung quốc để hoàn thiện hạ tầng mạng lưới vận chuyển xuyên biên giới sau khi xây dựng 2 trung tâm logistics lớn ở Bằng Tường.
Doanh nghiệp cũng là đơn vị đầu tiên trong nước triển khai công nghệ robot AGV để tự động hóa khâu xử lý hàng.
Về tình hình kinh doanh, năm 2023, Viettel Post ghi nhận doanh thu 19.590 tỷ đồng, lợi nhuận ròng tăng 48% lên 380 tỷ đồng, mức lợi nhuận cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động.
Không chỉ VTP, Viettel Construction (CTR) cũng đạt được kết quả kỷ lục trong năm 2023 với doanh thu thuần 11.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 517 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,4% và 13,5% so với năm 2022.
Kết quả này giúp doanh nghiệp nối dài chuỗi tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận qua từng năm. Tính chung trong giai đoạn 2019-2023, CTR đã đạt tốc độ tăng trưởng kép 22% về doanh thu và 33,5% về lợi nhuận.
Trong năm 2024, Viettel Construction đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 12.653 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 671,4 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 10% và 4% so với thực hiện 2023.
Tránh "say sóng" cổ phiếu
Mặc dù sở hữu nhiều động lực tăng trưởng ấn tượng, song đối với nhóm cổ phiếu Viettel, chuyên gia cũng lưu ý một số khuyến nghị nhằm giúp các nhà đầu tư tránh "say sóng".
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, các mã chứng khoán nhà Viettel đang ở giai đoạn tăng trưởng nóng từ ảnh hưởng của tin tức và đường giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần tránh fomo (sợ bỏ lỡ) và tập trung vào mức định giá thị trường của cổ phiếu.
"Khi được giao dịch vượt 15-20% mức giá trị hợp lý, các cổ phiếu sẽ bị overvalued (định giá quá cao) và không còn hấp dẫn nữa. Đơn cử như VTP hay CTR, trong ngắn hạn, dư địa để tăng trưởng là không còn nhiều. Thời gian tới, các nhà đầu tư cần cẩn thận và tỉnh táo với áp lực chốt lời mạnh", ông Minh cho biết.
Vị chuyên gia cũng khuyến nghị, với các tài khoản có mức sinh lời trên 20% nên sớm cân đối danh mục đầu tư, tránh tăng tỷ lệ sở hữu tại thời điểm định giá cổ phiếu đang tăng trưởng nóng.
Đáng chú ý, đối với tài khoản Margin (ký quỹ), các nhà đầu tư cũng cần điều chỉnh hạ tỷ lệ nhằm tránh thua lỗ khi động thái bán ra xuất hiện.
Về dài hạn, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta vẫn kỳ vọng vào dư địa phát triển của nhóm cổ phiếu nhà Viettel, đặc biệt trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ, viễn thông lớn như VNPT hay Vinaphone chưa lên sàn chứng khoán.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận