Xã hội

Covid-19 ngày 20/10: Thêm 3.646 ca mắc mới, 1.737 người khỏi bệnh

Dịch Covid-19 ngày 20/10: Hôm nay ghi nhận 3.646 ca nhiễm mới, trong đó 11 ca nhập cảnh và 3.635 trường hợp trong nước.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay

Tối 20/10, Bộ Y tế cho biết, trong ngày hôm nay ghi nhận 3.646 ca nhiễm mới với 11 ca nhập cảnh và 3.635 trường hợp trong nước (tăng 608 ca so với ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố, có 1.810 ca cộng đồng.

img

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 108.019 xét nghiệm cho 188.790 lượt người

Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh (1.347 ca), Bình Dương (492), Đồng Nai (305), An Giang (194), Sóc Trăng (100), Bạc Liêu (99), Gia Lai (93), Kiên Giang (87), Đắk Lắk (77), Long An (72), Tiền Giang (65), Tây Ninh (52), Phú Thọ (50), Bình Thuận (50), Cà Mau (46), Cần Thơ (44), Hà Giang (40), Khánh Hòa (39), Trà Vinh (38), Nghệ An (33), Thanh Hóa (25), Quảng Nam (24), Đồng Tháp (24), Hậu Giang (23), Quảng Trị (23), Hà Nam (19), Bến Tre (18), Quảng Ngãi (17), Bình Định (16), Vĩnh Long (14), Bắc Ninh (13), Bình Phước (13), Bà Rịa - Vũng Tàu (13), Kon Tum (12), Thừa Thiên Huế (11), Hà Nội (10), Đà Nẵng (8 ), Ninh Thuận (5), Đắk Nông (4), Quảng Bình (3), Nam Định (3), Lào Cai (3), Hải Dương (2), Yên Bái (2), Sơn La (2), Phú Yên (1), Hà Tĩnh (1), Vĩnh Phúc (1), Điện Biên (1), Tuyên Quang (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (+440 ca), Đắk Lắk (+77), An Giang (+60). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (-100), Đồng Nai (-66), Tây Ninh (-52).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 3.298 ca/ngày.

Trong ngày có thêm 1.737 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 796.583 trường hợp. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.879 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.824; Thở ô xy dòng cao HFNC: 468; Thở máy không xâm lấn: 90; Thở máy xâm lấn: 477; ECMO: 20.

Ngày 20/10 ghi nhận 72 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (43), Bình Dương (8 ), An Giang (7), Tiền Giang (4), Long An (3), Kiên Giang (2), Đắk Lắk (2), Đồng Tháp (1), Bạc Liêu (1), Đồng Nai (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 78 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.416 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 108.019 xét nghiệm cho 188.790 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 21.245.373 mẫu cho 58.342.779 lượt người.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 873.901 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.875 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 869.193 ca, trong đó có 793.766 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 02/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình.

Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (420.946), Bình Dương (226.845), Đồng Nai (59.691), Long An (33.929), Tiền Giang (15.249).

TP.HCM tiêm vét vaccine không cần giấy xác nhận

Ngày 20/10, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn khẩn gửi đến Thành phố Thủ Đức và các quận huyện về việc tăng cường tiêm vét vắc xin phòng COVID-19 cho người trong độ tuổi trưởng thành.

Theo đó, trong thời gian tới, tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên đang cư trú trên địa bàn thành phố chưa tiêm mũi 1 hoặc mũi 2 khi đã đến hạn, các địa phương cần truyền thông, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tất cả trường hợp này có thể dễ dàng tiếp cận điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Y tế địa phương phải đảm bảo để người dân được tiêm chủng đúng lịch, đủ liều và an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

img

Thành phố kêu gọi người dân chủ động đi chích vắc xin COVID-19 để an toàn trước đại dịch

Sở Y tế cũng yêu cầu các địa phương căn cứ danh sách người dân trên địa bàn đã tiêm mũi 1 trên hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, chủ động thực hiện mời người dân đã đến hạn tiêm mũi 2 đến điểm tiêm theo kế hoạch của địa phương. Khẩn trương rà soát lại danh sách người trên 18 tuổi đang cư trú trên địa bàn, thống kê báo cáo các số liệu về số người đã tiêm mũi 1, số người đã tiêm mũi 2, số người chưa tiêm mũi 2.

Đặc biệt, trong nhóm chưa tiêm mũi 2 sẽ làm rõ số lượng người đã đến hạn cũng như các lý do mà họ chưa được tiêm như: đã nhiễm COVID-19 nên phải hoãn tiêm, không còn ở nơi cư trú, đã tiêm nơi khác…

Trường hợp người dân không có giấy chứng nhận đã tiêm mũi 1 do thất lạc hoặc chưa được cấp thì địa phương hướng dẫn người dân có thể cung cấp các thông tin về việc đã tiêm vắc xin mũi 1 hoặc ký bản cam kết về việc đã tiêm mũi 1. Điểm tiêm phải có trách nhiệm cập nhật hoặc điều chỉnh lại thông tin trên Hệ thống và thực tiêm theo quy định.

Bên cạnh đó, người dân có thể đăng ký tiêm vắc xin qua đầu số 8066. Những người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1, tiếp tục đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 qua đầu số 8066 tổng đài 8066 theo cú pháp MUI1 HoTen NamSinh QuanHuyen để đăng ký tiêm vắc xin mũi 1.

Những người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2, đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 qua đầu số 8066 theo cú pháp MUI2 HoTen NamSinh QuanHuyen PhuongXa. Thời gian bắt đầu nhận tin nhắn từ 12 giờ, ngày 20/10/2021.

250 học sinh đầu tiên ở TP.HCM trở lại trường

Sáng 20/10, khoảng 250 học sinh trường tiểu học Thạnh An và trường THCS - THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM đã trở lại trường học trực tiếp. Đây là những học sinh đầu tiên trên địa bàn TP.HCM đi học tập trung sau dịch Covid-19.

Tại cổng trường, thầy cô đã đứng sẵn để chờ đón các em, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và dẫn lên phòng học.

Lãnh đạo trường tiểu học Thạnh An chia sẻ rất vui khi chào đón các em học sinh sau nhiều tháng nghỉ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

"Hôm nay, 100% học sinh của trường đi học, các em sẽ học đủ 2 buổi/ngày, không tổ chức bán trú. Học theo thời khóa biểu 5 ngày/tuần. Trong trường hợp xảy ra ca nghi nhiễm, lãnh đạo địa phương và nhà trường đều đã chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó", lãnh đạo trường nói.

Đà Nẵng công bố 2 ca dương tính di chuyển phức tạp

Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 có lịch trình di chuyển phức tạp.

Trước đó, trong kỳ báo cáo ngày 18/10, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Đà Nẵng cho biết, TP đã qua 14 ngày không có ca mắc trong cộng đồng.

img

Ngành y tế đã phong tỏa khu vực nhà 259 Lê Duẩn.

Ngay sau đó, Sở Y tế TP Đà Nẵng có thông tin chi tiết về lịch trình di chuyển của 2 trường hợp dương tính này

Hai trường hợp dương tính gồm bệnh nhân N.V.A (nam, SN 1973) và bệnh nhân N.V.H (nam, SN 1968).

Bệnh nhân N.V.A về từ TP.HCM trên chuyến bay VietJet 632 vào ngày 14/10, số ghế D8. Bệnh nhân làm nghề buôn bán bất động sản - đồ nội thất đã nghỉ hơn 4 tháng nay. Bệnh nhân đã được tiêm 2 mũi vaccine AstraZeneca phòng Covid-19 vào ngày 7/7 và 13/9.

Bệnh nhân N.V.H (phường Tân Chính, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Người này là F1 (sống cùng nhà với N.V.A, sinh năm 1976, về từ TP.HCM). Bệnh nhân đã được tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19 vào ngày 27/8.

Hai bệnh nhân cùng dự đám tang tại 259 Lê Duẩn (phường Tân Chính) và cùng đoàn đưa tang từ 259 Lê Duẩn đến nghĩa trang Hòa Sơn.

Ngoài ra, bệnh nhân N.V.A di chuyển trên chuyến bay Viet Jet 632 vào ngày 14/10 xuống sân bay Đà Nẵng có đi xe taxi hãng Daco từ sân bay Đà Nẵng về 259 Lê Duẩn.

Chiều cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đã ký công văn về thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người đến/về TP từ các địa phương khác. Theo đó, người từ địa phương cấp độ dịch 3,4 vào Đà Nẵng cần có giấy xét nghiệm âm tính...

Tỷ lệ tiêm vaccine chưa đạt 100%, TP.HCM gửi công văn khẩn

Ngành y tế TP.HCM đề nghị TP Thủ Đức và các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm tăng độ bao phủ vaccine cho người dân cư trú trên địa bàn.

img

Các trường hợp cần được rà soát và tiêm vét vaccine Covid-19 tại TP.HCM là toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên.

Theo công văn khẩn của Sở Y tế TP.HCM ban hành ngày 19/10, các trường hợp cần được rà soát và tiêm vét vaccine Covid-19 là toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên, bao gồm người chưa tiêm mũi 1 hoặc mũi 2 (khi đã đến hạn).

Ngành y tế thành phố đề nghị các địa phương truyền thông rộng rãi bằng nhiều hình thức để tất cả trường hợp này có thể dễ dàng tiếp cận các điểm tiêm, đảm bảo người dân được tiêm chủng đúng lịch, đủ liều và an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

TP Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ danh sách người trên địa bàn đã tiêm mũi 1 trên hệ thống tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, chủ động mời người dân đã đến hạn tiêm mũi 2 đến điểm tiêm theo kế hoạch của địa phương.

Cách đây 3 ngày, Sở Y tế TP.HCM đã gửi công văn đề nghị các quận, huyện báo cáo các số liệu về số người đã tiêm mũi 1, mũi 2, người chưa tiêm mũi 2. Ngành y tế đề nghị làm rõ nguyên nhân nhóm người chưa tiêm mũi 2 như đã mắc Covid-19 nên phải hoãn tiêm, không còn ở nơi cư trú, đã tiêm nơi khác…

Trường hợp người dân không có giấy chứng nhận đã tiêm mũi 1 do thất lạc hoặc chưa được cấp thì địa phương hướng dẫn để họ cung cấp các thông tin về việc đã tiêm vaccine mũi 1 hoặc ký bản cam kết về việc đã tiêm.

Điểm tiêm vaccine phải có trách nhiệm cập nhật hoặc điều chỉnh lại thông tin trên hệ thống và thực tiêm theo quy định.

Theo thông báo của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn nếu chưa tiêm mũi 1 và đang ở thành phố có thể gửi tin nhắn đăng ký cho tổng đài 8066.

Nội dung tin nhắn soạn theo cú pháp: MUI1 HoTen NamSinh QuanHuyen (ví dụ MUI1 NguyenVanA 1960 BinhChanh).

img

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Hà Nam phát hiện 31 ca dương tính thông qua sàng lọc tại cơ sở y tế

Chiều tối 19/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam công bố thêm 21 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế gắn mã bệnh.

Các ca F0 mới gồm 3 trường hợp được phát hiện thông qua sàng lọc y tế, còn lại ghi nhận ở khu vực đã phong tỏa và cách ly tại nhà.

Như vậy, kể từ ca bệnh BN687.470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, TP. Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều 19/9, đến 18h ngày 19/10, toàn tỉnh Hà Nam ghi nhận 780 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.

Trong số đó, có 31 ca dương tính thông qua sàng lọc tại cơ sở y tế; 54 ca cộng đồng, còn lại được phát hiện ở các khu cách ly, khu phong tỏa và tại nhà.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hà Nam, tình hình dịch bệnh trên địa bàn trong một tháng qua diễn biến của dịch bệnh phức tạp, khó lường, lây lan nhanh (cả 6/6 huyện, thị, thành phố), tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, gần 500 người trong số bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được điều trị khỏi bệnh và ra viện. Hiện, toàn tỉnh còn gần 800 F1 đang cách ly tập trung, trên 3.300 F1 cách ly tại nhà.

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, các địa phương đã triển khai việc giám sát, truy vết chặt chẽ, phát huy hiệu quả vai trò của 4.709 tổ Covid-19 cộng đồng.

Duy trì hoạt động của 270 chốt liên ngành, kiểm soát dịch tại các khu vực giám ranh, khu vực phong toả, giãn cách, khu cách ly tập trung. Riêng trong giai đoạn từ 19/9 toàn tỉnh thành lập 219 chốt kiểm soát dịch.

Cả nước có 870.255 ca nhiễm, còn 3.522 ca nặng

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 870.255 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.838 ca nhiễm).

img

Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 trong ngày 20/10.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 865.558 ca, trong đó có 792.029 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 02/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình.

Có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Đà Nẵng.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (419.599), Bình Dương (226.353), Đồng Nai (59.386), Long An (33.857), Tiền Giang (15.184).

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn, đến nay số bệnh nhân khỏi bệnh là 794.846 trường hợp.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.522 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 2.186; thở ô xy dòng cao HFNC: 447; thở máy không xâm lấn: 359; thở máy xâm lấn: 509; ECMO: 21.

Số bệnh nhân tử vong

Trong ngày 19/10 ghi nhận 75 ca tử vong tại TP.HCM (47), Bình Dương (11), Đồng Nai (5), Tiền Giang (3), Long An (2), An Giang (2), Bình Thuận (2), Cà Mau (1), Kiên Giang (1), Đồng Tháp (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 83 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.344 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình xét nghiệm và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 101.387 xét nghiệm cho 205.160 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 21.137.354 mẫu cho 58.153.989 lượt người.Đến nay, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 64.992.488 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 46.493.751 liều, tiêm mũi 2 là 18.498.737 liều.

img

Phục vụ các bệnh nhân F0 điều trị tại Khu điều trị dã chiến Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Văn Hướng/TTXVN.

Bình Dương vẫn còn 10.365 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, trong ngày 19/10, tỉnh này ghi nhận 500 ca mắc COVID-19 mới, tăng 13,9% so với ngày 18/10; trong đó số ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa đến 90%, qua sàng lọc cộng đồng chiếm 5,4% và một số sơ sở y tế, khu cách ly.

Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 226.353 ca mắc COVID-19; 2.307 người tử vong, số người khỏi bệnh đã xuất viện là 222.537 trường hợp. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn 10.365 bệnh nhân đang điều trị; trong đó 7.667 bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế và 2.698 trường hợp đang điều trị tại nhà.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, sau khi trở về trạng thái “bình thường mới”, các hoạt động kinh tế - xã hội mở cửa trở lại, khả năng số người tái mắc COVID-19 sẽ còn cao trong thời gian tới. Do đó, cần thiết lập kịch bản phù hợp, đặc biệt là việc xử lý các trường hợp F0 trong các khu công nghiệp để duy trì ổn định sản xuất, trên tinh thần "sống chung an toàn" với dịch bệnh.

Theo đánh giá chung, Bình Dương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh hiện nay là phục hồi sản xuất gắn với linh hoạt kiểm soát dịch bệnh để thích ứng trong điều kiện "bình thường mới". Theo đó, tỉnh yêu cầu từng cấp, ngành phải tập trung thực hiện tốt từng mục tiêu, các chính sách, kiểm soát dịch phục hồi sản xuất.

Cùng ngày, Bình Dương đã đưa thêm Trạm Y tế lưu động vào hoạt động tại Khu Công nghiệp Việt Hương 2, thị xã Bến Cát. Trạm y tế lưu động này sẽ sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp; quản lý theo dõi chăm sóc người mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh trong Khu Công nghiệp; thực hiện các xét nghiệm COVID-19; phối hợp triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 và khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc bệnh khác…

Đến nay, Khu Công nghiệp Việt Hương 2 có 43 dự án đang hoạt động với hơn 4.000 công nhân lao động đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.

img

Người cao tuổi được tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Ba tỉnh có ca mắc Covid-19 cao nhưng tỷ lệ tiêm vaccine thấp

An Giang, Đồng Tháp và Sóc Trăng thường xuyên nằm trong nhóm các tỉnh có số ca mắc Covid-19 cao mỗi ngày. Song tỷ lệ bao phủ vaccine ở những địa phương này còn thấp.

Trong những ngày gần đây, Việt Nam ghi nhận số người nhiễm nCoV trong nước và ca tử vong có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, nhìn chi tiết số liệu các tỉnh, đặc biệt một số địa phương tại khu vực phía Nam, số ca nhiễm vẫn ở mức cao trong thời gian gần đây.

Đặc biệt, ở những địa phương này, tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine Covid-19 cho người dân trên 18 tuổi không được cao.

An Giang (30,87%)

Trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, An Giang ghi nhận tổng cộng 7.707 người nhiễm nCoV. Một tuần gần đây, số trường hợp nhiễm mới tại địa phương này luôn duy trì ở mức trên 100 ca.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, An Giang cũng nằm trong nhóm 10 địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất với 562.035 liều vaccine (đạt 113,56%). Mặc dù vậy, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi được bao phủ mũi 1 vaccine chỉ đạt 30,87%, tiêm đủ liều là 10,11%.

Đồng Tháp (56,9%)

Trong một tuần trở lại đây, Đồng Tháp vẫn ghi nhận người mắc Covid-19 mỗi ngày, khoảng 38-97 trường hợp. Tuy con số đã thấp so với đợt trước đó, Đồng Tháp vẫn là một trong những tỉnh ghi nhận số ca mắc mỗi ngày cao hơn nhiều địa phương khác.

Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ cho Đồng Tháp 718.610 liều vaccine Covid-19. Trong đó, tỉnh này đã tiêm được 768.776 mũi vaccine, đạt tỷ lệ tiêm chủng là 106,98%. Tuy nhiên, hiện chỉ có 56,9% người trên 18 tuổi ở Đồng Tháp được tiêm 1 mũi vaccine, trong đó, tỷ lệ người được tiêm đủ liều là 8,18%.

Sóc Trăng (68,83%)

Từ đầu tháng 10 đến 13/10, tỉnh này chỉ có 2 ngày ghi nhận bệnh nhân Covid-19 là 4/10 với 118 ca và 9/10 với 192 ca. Tuy nhiên, đến 14/10, số ca ghi nhận tại địa phương này đột ngột tăng cao, với 1.059 trường hợp. Các ngày tiếp theo giảm dần nhưng số F0 vẫn ở mức cao: 15/10 (414), 16/10 (142), 17/10 (64), 18/10 (174). Tính đến ngày 18/10, Sóc Trăng có tổng cộng 3.337 bệnh nhân Covid-19 (ghi nhận trong đợt dịch thứ 4).

Đến nay, Sóc Trăng đã được Bộ Y tế phân bổ 533.240 liều vaccine. Trong đó, tỉnh này đã tiêm 635.544 liều, đạt tỷ lệ 119.19%. Con số này giúp Sóc Trăng nằm trong nhóm 10 địa phương có tỷ lệ tiêm cao nhất (tính theo số mũi tiêm/số vaccine phân bổ theo quyết định).

Tuy nhiên, theo thống kê trên Cổng thông tin Covid-19, mới có 68,83% người trên 18 tuổi ở Sóc Trăng được tiêm 1 mũi vaccine, trong khi đó, tỷ lệ người được tiêm đủ liều chỉ đạt 4,95%.

Ngoài ra, một số địa phương cũng ghi nhận ca mắc cao mỗi ngày nhưng tỷ lệ bao phủ vaccine còn thấp bao gồm: Tây Ninh (mũi 1: 73,24%, đủ liều: 39,05%); Tiền Giang (mũi 1: 55%, đủ liều: 13,99%); Kiên Giang (mũi 1: 58,08%, đủ liều: 7,14%); Cà Mau (mũi 1: 30,53%, đủ liều: 7,79%).

img

Người dân TP.HCM tụ tập đông đúc tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ chiều cuối tuần. Ảnh: Duy Hiệu.

Chủ tịch TP.HCM: Sớm cho ăn uống tại chỗ, bán vé số hoạt động trở lại

Chiều 19/10, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì buổi sơ kết tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp cho 3 tháng cuối năm.

Ông Mãi giao Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cùng Sở Y tế chuẩn bị kế hoạch tổng kết làn sóng dịch thứ 4 và sớm hoàn thiện phương án tổng thể về phòng, chống dịch. Ông yêu cầu các quận, huyện tổng kết trước, để có thực tiễn cho việc tổng kết cấp thành phố.

Đặc biệt, Chủ tịch Thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương: “Thời gian tới, tập trung nghiên cứu việc cho kinh doanh ăn uống tại chỗ, các hoạt động sinh kế khác, như bán vé số... tạo sinh kế cho người dân”.

Theo ông, nếu thực hiện được việc này, sẽ mở ra hàng triệu việc làm, tạo thu nhập cho hàng triệu người dân và giảm gánh nặng an sinh xã hội.

Về phục hồi kinh tế, người đứng đầu chính quyền Thành phố yêu cầu các sở, ngành... hết sức tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong đó, hỗ trợ về lao động để khôi phục sản xuất; về chính sách vốn và tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn hạn chế động lực phát triển.

Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn hỗ trợ các hộ kinh doanh khôi phục lại sinh kế làm ăn.

Ông cũng chỉ đạo các sở, ngành quan tâm về xúc tiến đầu tư. Khởi động, rà soát lại các dự án đầu tư mới trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, Chủ tịch Thành phố cũng yêu cầu đẩy mạnh các dự án đầu tư công để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến cuối năm đạt tỷ lệ 95%.

Tham gia ý kiến trong phục hồi kinh tế, Phó Chủ tịch TP Dương Anh Đức cho rằng, các dịch vụ liên quan du lịch, lưu trú rất quan trọng nên cần tính toán cho phép mở lại chuyến bay quốc tế. Ông Đức gợi ý bắt đầu với chuyến bay giải cứu và hướng đến những chuyến bay thương mại quốc tế.

img

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Sydney, bang New South Wales, Australia. Ảnh: THX/TTXVN.

Thế giới đã ghi nhận trên 242,9 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 5h30 ngày 20/10, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 242.909.637 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.924.181 ca tử vong. Số người bình phục tính đến nay là 219.373.108 ca.

Mỹ ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong nhất, hiện lần lượt là 45.909.637 ca và 746.529 ca. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (603.521 ca) và Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (34.105.890 ca).

Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với trên 78 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với trên 61,8 triệu ca. Con số này ở Bắc Mỹ là trên 55,1 triệu ca và Nam Mỹ là trên 21,6 triệu ca.

Tuy nhiên, xét theo số ca tử vong, châu Âu ghi nhận nhiều nhất (1.266.046 ca), tiếp đến là Nam Mỹ (1.164.621 ca), châu Á (1.151.440 ca) và Bắc Mỹ (1.122.370 ca). Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn. Số ca nhiễm tại đây hiện là 8,5 triệu ca và 216.245 ca tử vong. Các con số ở châu Đại Dương lần lượt là 280.194 ca và 3.444 ca.

Dịch đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu khi nhiều nước ghi nhận tình trạng tăng vọt số ca mắc và tử vong. Trong 24 giờ qua, trên toàn nước Nga ghi nhận 1.015 ca tử vong vì COVID-19, tăng so với mức 998 ca được ghi nhận 1 ngày trước đó và nâng tổng số ca tử vong lên 225.325 ca.

img

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Bucharest, Romania. Ảnh: AFP/TTXVN.

Tại Anh, sự lây lan dịch ở trẻ em tại vùng England là nguyên nhân khiến số ca mắc mới gia tăng gần đây trên toàn quốc, đồng thời khiến nhiều nhà khoa học quan ngại về tiến độ chậm trễ trong việc triển khai tiêm vaccine tại các trường học. Số ca mắc COVID-19 tại Anh nhìn chung hiện cao hơn nhiều so với các nước châu Âu khác và đang ngày một tăng lên.

Tại châu Á, Malaysia đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong kiểm soát đại dịch. Bộ Y tế đã ghi nhận 5.745 ca mắc mới trong ngày 19/10. Đây là ngày thứ hai liên tiếp, nước này khống chế được số ca mắc dưới mốc 6.000 ca - mức thấp nhất trong hơn 100 ngày qua.

Bộ Y tế Lào ngày 19/10 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 657 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 656 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 32.971 trường hợp.

Trong khi đó tại Philippines, Bộ Y tế cùng ngày thông báo có 4.496 ca mắc mới, nâng tổng số ca ghi nhận ở nước này lên 2.731.735 ca. Cũng theo bộ này, cùng ngày có thêm 211 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người tử vong của cả nước lên 40.972 người. Đây là những con số thấp nhất kể từ ngày 28/7 vừa qua.

Trung Quốc ngày 18/10 ghi nhận 9 ca lây nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng - mức trong ngày cao nhất kể từ cuối tháng 9 vừa qua. Một số thành phố ở nước này đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. Cụ thể, chính quyền thành phố Nhị Liên Hạo Đặc (Erenhot) ở Khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc, đã áp đặt phong tỏa nhẹ sau khi ghi nhận 2 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Theo đó, yêu cầu người dân trong thành phố không ra khỏi nhà trừ phi có việc cần thiết; cấm các phương tiện ra vào thành phố, ngoại trừ những trường hợp có giấy phép đi đường; đóng cửa các tụ điểm công cộng không gian kín như rạp chiếu phim, quán cafe internet, phòng tập thể dục và ngừng mọi hoạt động tại các địa điểm du lịch cũng như những nơi hoạt động tôn giáo.

img

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN.

Tại Australia, các biện pháp hạn chế tại thủ đô Canberra sẽ được nới lỏng hơn nữa sau khi thành phố này đạt mốc quan trọng trong chương trình tiêm chủng. Vùng lãnh thổ thủ đô Australia (ACT) là vùng đầu tiên ở nước này đạt được độ bao phủ tiêm chủng đầy đủ 80% dân số từ 12 tuổi trở lên.

Tại châu Mỹ, trong bối cảnh một số chương trình hỗ trợ dành cho các cá nhân và doanh nghiệp trong đại dịch sẽ kết thúc trong tuần này, Chính phủ Canada cho biết hầu hết các chương trình này vẫn có thể được gia hạn trong ngắn hạn mà không cần ban hành luật mới.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland khẳng định việc mở cửa trở lại nền kinh tế Canada đang diễn ra tốt đẹp và quốc gia Bắc Mỹ này đang ở một giai đoạn khác của đại dịch. Hiện bà đang tham khảo ý kiến các nhà kinh tế, các nhóm kinh doanh và các tổ chức lao động, Bộ Tài chính và Thủ tướng Justin Trudeau về các bước đi tiếp theo, song lưu ý rằng tình hình trong thời gian tới đây vẫn còn nhiều bất ổn.

Trong một diễn biến mới liên quan đến vaccine, các nguồn tin giấu tên cho biết Ấn Độ đã hoãn cam kết cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX, một ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ không "cắt ngắn giai đoạn" để cấp phép sử dụng vaccine Covaxin do Ấn Độ tự bào chế. Nguồn cung vaccine cho COVAX bị đình trệ có thể gây xáo trộn các nỗ lực tiêm phòng ở nhiều nước châu Phi, vốn dựa vào cơ chế này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.