Bất động sản

Cú hích để bất động sản Lâm Đồng phá “băng”

28/09/2023, 06:18

Mặc dù giao dịch bất động sản chưa tăng đột biến, nhưng nhiều nhà đầu tư đang âm thầm làm thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đón "làn gió mới" ở Lâm Đồng.

Đua nhau mua đất xây khu sinh thái

Mới đây, một căn nhà có diện tích sàn 285m², 1 trệt, 3 lầu ở con hẻm nhỏ đường Hoàng Văn Thụ, phường 5, TP Đà Lạt vừa giao dịch thành công với giá 20 tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư nhận định, hai năm trước, căn nhà này chỉ có giá trị khoảng 12 tỷ đồng. Điều này cho thấy tình trạng bất động sản đóng băng ở Lâm Đồng đang ấm dần lên.

photo-1695662245968

Trung tâm Đà Lạt quỹ đất hạn hẹp, nhiều nhà đầu tư bất động sản chọn những huyện giáp ranh để đầu tư du lịch sinh thái.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, trong tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tổng cộng 1.412 giao dịch. Trong đó, chiếm phần lớn là đất nền trong khu dân cư hiện hữu, với 1.395 giao dịch. 

So với tháng 6/2023, lượng giao dịch đất nền tại Lâm Đồng trong tháng 7/2023 tăng 92 giao dịch, tháng 8 tăng 356 giao dịch. Đối với phân khúc nhà ở riêng lẻ, trong tháng 8, cả tỉnh Lâm Đồng có 148 giao dịch, chủ yếu trong khu dân cư hiện hữu, với 145 giao dịch.

Trong khi đó, tổng số giao dịch bất động sản trong quý II/2023 của đất nền, nhà ở riêng lẻ, chung cư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 5.495 giao dịch. Nếu so với quý I/2023 thì số lượng giao dịch nhà đất tại tỉnh Lâm Đồng trong quý II/2023 có dấu hiệu phục hồi, tăng trở lại (tăng 1.954 giao dịch). 

Đối với bất động sản ở Lâm Đồng, nhiều nhà đầu tư không còn tập trung vào TP Đà Lạt mà âm thầm đầu tư cho các khu sinh thái ở một số huyện lân cận như Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương và đặc biệt là huyện Lâm Hà, địa bàn giáp ranh Đà Lạt, nối bởi con đường đèo Tà Nung thơ mộng.

Anh Hoàng Đức Quyết, một chuyên gia bất động sản tại Lâm Đồng đã bỏ ra hơn 3 tỷ đồng để xây dựng khu du lịch Farmstay dược liệu tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà. 

Đây là mô hình farmstay chuyên trồng các loại cây dược liệu như: Gừng, sâm, ba kích... Khách du lịch ghé thăm farmstay dược liệu sẽ được trải nghiệm việc trồng trọt, chăm sóc và trải nghiệm hiệu quả của các cây dược liệu.

"Từ đây lên Đà Lạt theo đường đèo Tà Nung chỉ 20km. Đường đèo Tà Nung đẹp. Khách đi du lịch Đà Lạt thích trải nghiệm sẽ vào trang trại để trải nghiệm những điều mới lạ", anh tính toán.

Ngoài ra, từ TP.HCM hay Hà Nội hoặc các tỉnh xa, có thể đi máy bay tới sân bay Liên Khương, đi đường 27 chừng 25-30km cũng đã tới Lâm Hà. Giao thông thuận lợi và khí hậu cao nguyên là điều vùng đất này thu hút sự chú ý của nhà đầu tư và du khách.

Chỉ một đoạn khoảng 15km đường tỉnh lộ 725 qua đèo Tà Nung, khu vực giáp ranh giữa TP Đà Lạt và huyện Lâm Hà, có đến 15 nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, như biệt thự Giao Hưởng Xanh, Trang trại nuôi dế, Em Tà Nung coffee farm…

Tại khu vực này, bất động sản tuy ít giao dịch so với năm 2022 nhưng giá không hề giảm. Mỗi một mét vuông đất bình quân từ 100-300 triệu đồng.

Đón làn gió mới

photo-1695662247373

Một địa điểm du lịch sinh thái giáp ranh Đà Lạt.

Từ đầu tháng 8/2023, ngay sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023, tại nhiều địa phương, người dân đi nộp hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhiều hơn.

Bà Nguyễn Hồng Ph, trú tại đường Nguyễn Cư Trinh, TP.HCM cho biết: "Đọc được quyết định của UBND tỉnh cho huyện Lâm Hà được tiếp tục nhận hồ sơ giải quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tôi mừng lắm. Tức tốc lái xe lên Lâm Đồng để nộp hồ sơ sớm nhất có thể".

Bà Ph cho biết thêm, bà nộp hồ sơ từ tháng 8/2022, đến tháng 10/2022 hồ sơ bị trả lại vì không đủ điều kiện, phải bổ sung thêm giấy tờ hợp lệ. Nhưng khi bổ sung đủ giấy tờ thì đầu năm 2023 bà nhận được thông tin huyện Lâm Hà cũng như toàn tỉnh Lâm Đồng tạm ngưng việc chuyển đổi mục đích bất động sản.

Ông Nguyễn Tài Phương, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Lâm Hà, cho biết: "Từ ngày 1/8, UBND tỉnh có quyết định cho Lâm Hà được thực hiện nhận hồ sơ xin xét chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai. Ngay lập tức UBND huyện Lâm Hà thông báo để người dân đến phòng một cửa nộp hồ sơ và được hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, không ngờ người dân nắm bắt thông tin nhanh và đến làm thủ tục đông như vậy".

Cũng theo ông Tài Phương, trong năm 2023, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Lâm Hà đã tiếp nhận và giải quyết gần 4 nghìn hồ sơ chuyển đổi, sang tên bất động sản. 

Chỉ riêng tháng 8 và 15 ngày tháng 9/2023, huyện Lâm Hà nhận gần 800 bộ hồ sơ xin cấp sổ đỏ và nhận hơn 2.300 bộ hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, tăng gấp 5 lần so với tháng 6 và tháng 7/2023.

Anh Nguyễn Văn Tân, một chuyên gia kinh doanh bất động sản tại Lâm Đồng nhận định, việc UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép các huyện tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau nhiều tháng tạm dừng đã tạo động lực mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, nó sẽ tác động lớn, là cú hích cho thị trường bất động sản tại Lâm Đồng.

Theo ông Tân, trước kia, có những hộ dân giao dịch mua bán đất, vì không chuyển đổi được mục đích sử dụng nên đã tạm gác lại. Nay được chuyển đổi, cộng với việc ngân hàng giảm lãi suất, việc giao dịch bất động sản chắc chắn sẽ sôi động thời gian tới.

Ông Trương Hữu Hiệp, nguyên Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng, cho biết, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương giúp rút ngắn thời gian đường bộ đi từ TP Đà Lạt đến TP.HCM, thay vì 6 giờ hiện nay chỉ còn 3 giờ. Đoạn Bảo Lộc - TP.HCM thay vì 4 giờ chỉ còn 2 giờ.

"Cao tốc góp phần vận chuyển nông sản Lâm Đồng tiêu thụ nhanh, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, giảm chi phí logistics; Tác động thay đổi cơ cấu kinh tế. Ngành du lịch, dịch vụ sẽ tăng trong tương lai. Đặc biệt, thị trường bất động sản được dự đoán sẽ khởi sắc mạnh mẽ", ông Hiệp nói.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.