Ảnh minh họa. |
Đến một đường ngang do địa phương đứng ra tổ chức người cảnh giới, cả đoàn công tác đều mừng vì điểm cảnh giới được làm quy củ, có giờ giấc đàng hoàng. Người cảnh giới được địa phương trả lương hàng tháng và được tập huấn an toàn đường sắt. Nhưng điều quan trọng là từ khi có người cảnh giới, đường ngang dân sinh qua đây đã bớt đi nhiều mối nguy tai nạn đường sắt, không còn cảnh chen lấn tranh thủ vượt đường ngang mỗi khi có tàu qua.
Hai người cảnh giới đều là cựu chiến binh hồ hởi khoe với đoàn công tác về lịch tàu khách đã được cập nhật liên tục. Điều đáng lo còn lại là giờ tàu hàng không theo lịch. Thế nên hai bác cựu chiến binh kiến nghị đoàn công tác trang bị cho điện thoại của ngành Đường sắt nối với ga để được thông báo giờ tàu hàng. Về phần mình sẽ tự lắp đặt cho đường ngang thêm một barie để chắn dòng xe trên đường bộ.
Sau khi thảo luận kỹ, ông trưởng đoàn công tác đồng ý cho kéo đường điện thoại từ nhà ga cách đấy khoảng 2km đến trạm chắn này để kịp thông báo giờ tàu. Nhưng còn việc lắp đặt thêm barie ở đường ngang thì tuyệt nhiên không được phép. Hai bác cựu chiến binh lấy làm lạ lắm vì cái barie định làm bằng tre cũng không đắt tiền. Với lại khi có barie sẽ chắn dòng xe trên đường bộ thuận tiện và dễ dàng hơn chứ, sao lại không được phép?
Lúc này ông trưởng đoàn mới từ từ giải thích, hai bác chỉ cảnh giới được ban ngày nên có thể hạ cần chắn barie và báo cho phương tiện biết là có tàu. Nhưng còn ban đêm khi không có người gác, người qua đường theo thói quen khi thấy barie không được đóng xuống lại cứ tưởng không có tàu, mà đúng lúc đấy tàu băng qua thì nguy hiểm lắm. Thế nên cái barie vô hình trung lại là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Ý tưởng của các bác rất tốt nhưng không phù hợp với đặc thù đường ngang này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận