Khung cảnh tang lễ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
Tang lễ của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh diễn ra tại Nhà tang lễ Thanh Nhàn ngày 15/6. Diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên gia đình tổ chức tang lễ đơn giản. Nhiều bạn bè trong giới văn chương đã tới tiễn biệt một nhà văn lớn của Việt Nam như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.... Mỗi người đều mang theo những nỗi niềm riêng, những tình cảm dành cho người quá cố.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định, Nguyễn Xuân Khánh là một trong những tài năng xuất sắc. Sự ra đi của ông là tổn thất không gì bù đắp được.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngậm ngùi viết sổ tang
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định, tinh anh Nguyễn Xuân Khánh sẽ còn mãi
“Bác là người rất đặc biệt, sống khiêm nhường và lặng lẽ. Tác phẩm của bác sẽ thay bác còn mãi với thời gian. Dù là nhà văn chịu nhiều thiệt thòi nhưng gần như lúc nào cũng chỉ bác thấy cười, nụ cười đầy độ lượng”, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ngậm ngùi khi nhắc đến người đàn anh, đàn chú trong nghề.
Đối với nhà văn Trần Thị Trường, Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn ở vị trí hàng đầu của văn chương Việt Nam trong những năm gần đây. Bắt đầu từ năm 2001 với tác phẩm “Hồ Quý Ly”, sau đó đến các tiểu thuyết “Mẫu Thượng Ngàn”, “Đội gạo lên chùa” hay “Chuyện ngõ mèo”. Bà đánh giá những cuốn sách này cho thấy một nhà văn bậc thầy, có tác phẩm giá trị trong văn chương Việt Nam.
Tác giả của “Lời cuối cho em” nhìn nhận, văn của Nguyễn Xuân Khánh mượt mà, sâu lắng. Ông có tri thức rộng nên nói một điều nhưng những người đọc có sự hiểu biết nhất định sẽ có thể thấy tới 5 điều.
“Đó là những giá trị cao quý của văn học Nguyễn Xuân Khánh. Ông có vốn văn hóa rất rộng nên có thể nói lên khát vọng đổi mới trong “Hồ Quý Ly”, khát vọng về một dân tộc trường tồn, nhân hòa yêu thương, phải thắng được những thói xấu trong đời”, nhà văn Trần Thị Trường nói.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán viết sổ tang tiễn biệt nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, nhà văn Hoàng Quốc Hải... cùng các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tới viếng
Còn trong mắt nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn lớn của Việt Nam vắt qua hai thế kỷ. Những tác phẩm ông để lại đều thuộc văn chương hàng đầu. Ông là tác giả hiếm hoi không phải thời nào cũng có được.
“Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn có bản lĩnh. Suốt cuộc đời ông là sự cống hiến, tận hiến cho văn chương nghệ thuật. Mục tiêu cống hiến của ông là văn hóa Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân Việt Nam. Những tác phẩm đều nói lên ý nguyện của ông.
Đáng nói, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết nhiều tiểu thuyết và có tác phẩm được tái bản nhiều lần như “Mẫu Thượng Ngàn”, “Đội gạo lên chùa”. Đối với nhà văn Hoàng Quốc Hải, đây là điều hiếm có bởi ngày nay, để khán giả chấp nhận dành hàng tuần đọc sách dài là điều không phải dễ dàng.
“Ngày nay, một tác phẩm ra đời, 3-5 năm sau không tái bản, coi như tác phẩm chết mà nhiều khi có tác phẩm chết trước khi ra đời. Nhưng tác phẩm của Xuân Khánh luôn trong lòng bạn đọc. Đó là hạnh phúc lớn nhất của nhà văn.
Hạnh phúc của nhà văn không phải là chiếm lĩnh được tài sản vất chất trên thế gian mà là chiếm được cảm tình của người đọc. Nhà văn có nhiều người đọc, tác phẩm luôn được tái bản thì nhà văn đó không bao giờ chết”, nhà văn Hoàng Quốc Hải tâm sự.
Video: Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đọc bài thơ vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933, tại Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông vừa là nhà văn, là nhà báo, từng ra mắt nhiều tác phẩm tiểu thuyết như "Miền hoang tưởng" (1990), "Hồ Quý Ly" (2000), "Trư cuồng" (2005)...
Ông được Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội trao nhiều giải thưởng như: Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000 cho Hồ Quý Ly, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001 cho Hồ Quý Ly, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006 cho Mẫu Thượng Ngàn, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời năm 2018 của Hội Nhà văn Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận