Giá cước vận tải, thuê tàu liên tục giảm
Dữ liệu từ chuyên trang phân tích dữ liệu hàng hải quốc tế Drewry cho thấy, chỉ số container thế giới tổng hợp giảm tuần thứ 38 liên tiếp kể từ năm 2021.
Cụ thể, chỉ số tổng hợp mới nhất là 2.591 USD/container 40 feet. So với mức đỉnh 10.377 USD đạt được vào tháng 9/2021, giảm gần 4 lần. So với mức trung bình 5 năm gần đây là 3.764 USD thì mức giá hiện nay vẫn thấp hơn rất nhiều.
Giá cho thuê định hạn tàu biển liên tục lao dốc
Thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Theo thông tin của Báo Giao thông, giá cước vận tải quốc tế hiện đã giảm khoảng 60% so với thời kỳ đạt đỉnh và cước vận tải biển trong nước cũng giảm 30 - 40%.
Thị trường thuê tàu định hạn cũng không khá khẩm hơn. Khảo sát cho thấy, giá thuê tàu có sức chở 1.700 Teus thời điểm đạt đỉnh có thể lên tới 45.000 USD/ngày, nhưng hiện đã giảm còn khoảng 15.000 USD. Với tàu cỡ 1.100 Teus, mức giá cũng giảm từ 32.000 USD xuống còn khoảng 12.000 USD/ngày.
Phó giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) Đặng Hồng Trường thông tin, giá thuê tàu trọng tải hơn 50.000 DWT trước đây được khoảng hơn 24.000 USD/ngày, nhưng hiện chỉ còn dưới 10.000 USD. Tàu có trọng tải khoảng hơn 10.000 DWT cũng có giá thuê còn khoảng 4.000 USD/ngày.
Theo ông Trường, tàu container có mức giá giảm mạnh hơn thị trường tàu dầu và LNG. Thời điểm thị trường tăng nhiệt, nhiều chủ tàu container cho tàu đi thuê định hạn ở nước ngoài chứ không tự khai thác.
Hiện tại, thị trường đi xuống, không ít tàu bị trả về dẫn tới tình trạng dư tàu ở Việt Nam. Việc dư nguồn cung dẫn tới tình trạng các tàu hầu như không có hàng để xếp được hết dung tích của tàu.
Trong khi đó, ông Trịnh Trung Úy, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận (Vietthuan Transport) khẳng định, các ngân hàng hiện đang siết chặt việc cho vay và lãi suất cao.
Điều đó làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, từ bất động sản, điện, than... Từ đây, kéo theo chuỗi tác động đến các mặt hàng khác, trong đó có vận tải biển.
Doanh nghiệp “sập nguồn”
Ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông phân tích, thời điểm cuối quý III hàng năm là lúc thị trường sôi động nhất.
Lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu lớn để chuẩn bị cho mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch. Song năm nay, mọi thứ đều ảm đạm.
Thị trường Mỹ và châu Âu có nhu cầu giảm mạnh, kéo theo thị trường Việt Nam. Thay vì tính toán sao cho tàu chạy nhanh và có thể chạy được nhiều chuyến, các chủ tàu Việt Nam giờ đây phải tính lại làm thế nào để chạy tàu hiệu quả.
Trong nội địa, lượng hàng hóa ít khiến các tàu chỉ lấp đầy được khoảng 60% công suất khai thác. Tuy nhiên, số tuyến vẫn duy trì đều đặn khoảng 20 chuyến/tuần cho đầu Hải Phòng - TP.HCM.
Lý giải về điều này, ông Tiến cho hay, các doanh nghiệp buộc phải duy trì và chấp nhận thêm thời gian tàu nằm chờ hàng ở cảng bởi nếu không, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khi không thể khai thác mà vẫn phải bỏ chi phí bảo dưỡng.
“Các doanh nghiệp đang cố duy trì hoạt động thông qua việc cắt giảm chi phí tối đa, cố gắng neo giá cước và siết chi phí nhiên liệu, chạy tàu ở chế độ tiết kiệm. Các hãng tàu cũng phải tính toán khai thác thêm những tuyến khác để bù đắp. Đồng thời, với các tàu hoạt động kém hiệu quả có lẽ phải cân nhắc đến việc thanh lý”, ông Tiến nói và cho biết thêm, giá nhiên liệu đang chiếm khoảng 60 - 70% chi phí hoạt động của tàu, trong khi thông thường chỉ chiếm khoảng 35 - 40%, dẫn tới giảm lợi nhuận của doanh nghiệp trên mỗi chuyến tàu.
Đây cũng là nỗi lo của lãnh đạo Viet Thuan Transport. Cụ thể, ông Trịnh Trung Úy thông tin, ngoài việc chi phí nhiên liệu lấn át trong chi phí hoạt động của tàu, doanh nghiệp còn gặp khó về tình hình khan hiếm nhiên liệu.
Thời gian qua, thị trường gặp khủng hoảng nhiên liệu khiến một số doanh nghiệp nội địa có tàu dùng dầu DO cũng hoang mang theo. Nhiều đơn vị phải chờ mới có nhiêu liệu để chạy tàu. Có những con tàu đơn vị thuê một ngày chạy chỉ đủ tiền nhiên liệu, không có tiền lương nhân công, khấu hao hay lãi vay.
“Sập nguồn” là từ mà ông Úy dùng để than thở về hiện trạng của thị trường vận tải biển. Theo vị này, cách đây 3 tháng, tàu trọng tải khoảng 70.000 DWT của doanh nghiệp có giá cho thuê định hạn khoảng 27.000 USD/ngày, nhưng giờ chỉ còn khoảng 6.000 USD/ngày, không đủ tiền dầu và chi phí khấu hao. Hiện đội tàu của Viet Thuan Transport chỉ đang khai thác khoảng 50% công suất. “Trước đây, chúng tôi có thể vận tải được 3 triệu tấn than/tháng nhưng bây giờ, cùng lắm chỉ được khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn. Khó khăn đủ đường”, ông Úy nói.
Phó tổng giám đốc Vosco Đặng Hồng Trường cũng cho hay, các đơn hàng của doanh nghiệp FDI giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc. Nhu cầu của thị trường giảm, lượng hàng ít nên doanh nghiệp vận tải biển cũng ít cơ hội lựa chọn đơn hàng.
Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh khẳng định, diễn biến xấu của thị trường dự báo sẽ có thể tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm và sang tới đầu năm sau.
Hiện nay, không có nhiều cơ hội để vận tải biển Việt Nam “lật ngược thế cờ” ở cuối quý IV, nhất là khi đây là loại hình dịch vụ phụ thuộc.
Ông Minh cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, cân nhắc các phương án kinh doanh và cố gắng áp dụng những biện pháp hiệu quả nhất để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận