Sau một thời gian nỗ lực lập lại trật tự, đường Trần Quốc Toản đã có vỉa hè thông thoáng, tạo bước phát triển cho du lịch Đà Lạt |
Lâu nay, chợ đêm, những tuyến phố đi bộ đã trở thành “đặc sản” của Đà Lạt, cũng là nơi cho cả nghìn hộ dân mưu sinh. Trước thực trạng gần đây, nhiều tuyến phố đi bộ đã bị lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, Ban ATGT tỉnh đã lên kế hoạch đòi lại vỉa hè, lòng đường cho du khách, người tham gia giao thông.
Nỗi lo mất chợ đêm, phố đi bộ
Dọc các con đường vào chợ Đà Lạt, cứ khoảng 17h hàng ngày, các ki-ốt hàng ăn uống, lưu niệm, đồ len, đặc sản thôn quê… bắt đầu nhộn nhịp mua bán. Chợ đêm Đà Lạt còn được người dân “ví von” với cái tên “chợ la”, bởi những người bán hàng đắt khách đến nỗi luôn miệng nói mà không cần nhìn mặt mọi người: “35, 45, 50 nghìn”… Du khách lên Đà Lạt không chuẩn bị kịp đồ lạnh, chỉ cần ghé “chợ la” là có thể mua một chiếc áo khoác chỉ với giá 35 nghìn đồng. Một chiếc áo len đẹp có giá chừng 200 nghìn đồng. Những đặc sản thôn quê (như khoai lang, khoai tây, ớt chuông, dâu, bắp cải…) rất đắt hàng. Các hàng ăn nằm san sát nhau, đèn thắp sáng rực rỡ, đủ món ốc nóng, ốc nướng, bún bò giò heo, bánh xèo… mời mọc khách.
Tuy nhiên, từ năm 2015, do khách du lịch đến ngày càng đông, nhiều con đường và khu phố của Đà Lạt vỉa hè đang bị “bức tử” nghiêm trọng như: Đường ngang trước Đà Lạt Center, lề đường trước thương xá La Tulipe, chợ Cầu thang, chợ Lầu, chợ Chi Lăng, chợ Phan Chu Trinh, khu chợ Ngô Quyền… vỉa hè bị chiếm dụng hoàn toàn làm chỗ bày bán hàng hóa, làm nơi kê bàn ghế ngồi cho du khách. Du khách buộc phải “xuống đường”, khiến các phương tiện tham gia giao thông khác phải né tránh. Nguy cơ TNGT rình rập, mỹ quan đường phố bị ảnh hưởng, hình ảnh Đà Lạt thơ mộng, yên bình trong mắt du khách bị giảm sút.
Lập lại trật tự hè phố
Đầu năm 2016, Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức cao điểm lập lại trật tự ATGT hè phố cho người đi bộ, cùng với các đơn vị có liên quan đã nhanh chóng giúp vỉa hè, đường phố Đà Lạt dần được cải thiện và xứng đáng với biệt danh vốn có của Đà Lạt “Thành phố mộng mơ”.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng cho biết, tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố tại Đà Lạt diễn ra thường xuyên và phức tạp. Vừa qua, Ban ATGT cùng lực lượng chức năng đã ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, hè phố, hành lang ATGT.
"Về lâu dài, Ban ATGT tỉnh sẽ đề nghị với UBND tỉnh thống nhất chỉ đạo các ban, ngành, UBND TP Đà Lạt phối hợp triển khai điều chỉnh, quy hoạch lại các nút giao thông, các bãi đỗ xe, chợ ăn uống, chợ bán hàng may mặc, chợ đồ cũ, các khu chợ nhỏ tại địa bàn xã, phường." Ông Nguyễn Hữu Thắng |
“Đầu tiên, Ban ATGT thành phố cùng chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền đến từng hộ dân kinh doanh, sinh sống ở mặt đường vận động người dân tự giác chấp hành các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Đây không chỉ là việc chấp hành pháp luật, mà còn là hành động cùng góp phần xây dựng thành phố du lịch văn minh, an toàn, hấp dẫn du khách”, ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng, song hành với tuyên truyền, lực lượng chức năng gồm TTGT, công an địa phương đã tổ chức cưỡng chế xử phạt các cá nhân và tập thể chiếm dụng lòng lề đường, hè phố làm nơi kinh doanh buôn bán. Tất cả các vỉa hè trên các tuyến phố được giải phóng triệt để. “Lực lượng chức năng đồng loạt tổ chức kiểm tra nhắc nhở. Nếu hộ buôn bán nào cố tình tiếp tục lấn chiếm vỉa hè để buôn bán sẽ bị tịch thu các phương tiện lấn chiếm. Đối với những con đường trên chợ đêm, vì trước kia các tiểu thương đã được chính quyền cho phép kinh doanh trên hè phố, nên lực lượng chức năng tích cực tuần tra, hướng dẫn họ bố trí lại cách bày bán gian hàng ngăn nắp, đẹp mắt để thu hút du khách, nhưng vẫn đảm bảo giao thông cho người đi bộ”, ông Thắng cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận