Xe khách tuyến cố định trong thảm cảnh “đói khách” vì vấn nạn xe trá hình, xe dù |
Hàng chục nhà xe tuyến cố định Đà Nẵng - Huế vừa gửi đơn cầu cứu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cùng cơ quan chức năng, kiến nghị vấn nạn xe dù, xe trá hình, ngang nhiên bắt khách lẻ, phá tuyến cố định, gây mất trật tự vận tải.
Xe xuất bến với 100%... ghế trống
Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày qua, hàng loạt xe khách tuyến cố định Đà Nẵng - Huế xuất bến trong cảnh “đói khách”. 11h30 ngày áp Tết Dương lịch, xe khách Đà Nẵng - Huế BKS 43B-005.84 xuất bến, chạy ra đường Tôn Đức Thắng chỉ có vỏn vẹn 2 khách/28 ghế. Tài xế cho xe chạy đến trước trường ĐH Bách Khoa cũng không có thêm khách nào lên xe. Đến đoạn gần hầm Hải Vân, xe này may mắn có thêm 3 - 4 khách. Hết hành trình ra đến Bến xe Huế, xe 43B-005.84 chỉ bắt thêm được khoảng 5 khách, nâng tổng số khách lên hơn chục người, nhưng chủ yếu xuống dọc đường. “Hơn năm trước, đây là tuyến ổn định nhất, giờ rất vắng khách”, tài xế Nguyễn Văn Thanh ngán ngẩm.
Theo các nhà xe, những chuyến tài sớm, “giờ xấu” hay ngày thường ít khách đã đành, nhưng ngay cả những ngày cuối tuần, cao điểm, lượng khách giảm bất thường. Anh Quảng, một chủ xe khách Đà Nẵng - Huế cho biết: “Hôm nào may lắm được khoảng 5 - 7 khách đi từ bến. Ra cổng chẳng xe nào dám dừng bắt khách, sợ vi phạm. Vài tháng trở lại đây, xe chạy đạt 50% số khách cũng rất hiếm”.
Ông Lê Viết Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cho hay, hiện bến xe có khoảng 80 đầu xe tuyến Đà Nẵng - Huế đăng kí hoạt động hai chiều (từ Đà Nẵng đi Huế và ngược lại). Mỗi ngày từ bến xe Đà Nẵng có 28 lượt xe xuất bến. Nhưng phần lớn các xe xuất bến đều rất ít khách. Lượng khách đến bến giảm bất thường. Chuyến tốt giờ chỉ đạt từ 50% - 60% ghế. Thậm chí, không ít xe xuất bến với 100%... ghế trống.
Theo ông Hồ Văn Tùng, Giám đốc HTX vận tải Hải Vân (đơn vị có nhiều đầu xe khai thác tuyến cố định Đà Nẵng - Huế nhất), tình trạng này khiến các xe hoạt động rất khó khăn. Nhiều xe chạy lỗ nhưng phải duy trì để đảm bảo tuyến cố định. Chúng tôi họp các nhà xe, yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo thời gian hành trình… nhưng lượng khách không cải thiện, do áp lực từ các xe dù, xe chạy núp bóng tour tuyến, du lịch trá hình.
“Vừa rồi, họ (các nhà xe) bức bách quá nên viết đơn tập thể cầu cứu lên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, lãnh đạo thành phố cùng cơ quan chức năng để kiến nghị. Xe dù, trá hình ngày càng phát sinh, hoạt động phổ biến…”, ông Tùng nói.
“Điểm nóng" xe trá hình
Thực tế vấn nạn xe trá hình là “điểm nóng” trên tuyến vận tải hành khách Đà Nẵng - Huế (Báo Giao thông có nhiều tuyến bài phản ánh). Cơ quan chức năng hai địa phương đã kiểm tra, xử phạt nhưng các đoàn xe này vẫn tự tung, tự tác nhận “khách lẻ”.
Sáng 24/12, trong vai một hành khách có nhu cầu đi tuyến Huế gấp, PV gọi điện thoại vào số 05116 5050… của Chi nhánh Công ty TNHH HAV Travel tại Đà Nẵng (xe VIP du lịch) để đặt vé. Nhân viên công ty này thoải mái nhận khách lẻ và cho biết chỉ còn vé chuyến đầu tiên bắt đầu chạy vào 14h , giá 180 nghìn đồng/lượt, “đưa đón tận nhà…”.
“Mật phục” rồi bất ngờ rút về PV Báo Giao thông đã liên hệ Đại tá Phan Thanh Sương, Trưởng phòng CSTT Đà Nẵng để tìm hiểu về công tác xử lý xe trá hình, xe dù và được ông Sương hẹn tham gia đoàn liên ngành cùng TTGT và CSGT trực tiếp kiểm tra vào 7h sáng 25/12. Đúng hẹn, PV có mặt cùng đoàn liên ngành gần trước địa chỉ Công ty TNHH HAV Travel chi nhánh Đà Nẵng (445 Hải Phòng). Phát hiện chiếc xe VIP 8 chỗ BKS 75B-010.91 đỗ lại, đoàn liên ngành ập vào kiểm tra. Trên xe VIP lúc này không có khách, tài xế viện lý do dừng lại công ty để lấy bánh và nước. Theo ông Sương, chỉ khi bắt quả tang các xe này đón khách sai quy định hoặc trên xe có khách mới có thể tiến hành kiểm tra xử phạt. Sau chừng gần tiếng đồng hồ “mật phục” khu vực này, đoàn liên ngành bất ngờ rút về. PV cung cấp thông tin về các “bến cóc” trên đường Đống Đa, 3/2… để đoàn liên ngành kiểm tra, nhưng vài cán bộ chỉ ậm ờ. Cuộc kiểm tra chóng vánh và không có kết quả. Những ngày sau, PV liên hệ lại với lãnh đạo Phòng CSGT Đà Nẵng xin kết quả xử lý nhưng không có câu trả lời. |
Khi xin địa chỉ công ty để đến lên xe trực tiếp, nhân viên này hướng dẫn chúng tôi tới 445 Hải Phòng để đón xe. Gần giờ hành trình, phía nhà xe điện lại hối thúc khách đặt vé lên “bến”. Đúng giờ, các xe này chạy ra phía đường Hải Phòng, qua Ông Ích Khiêm rồi ra đường Nguyễn Tất Thành chạy lên phía hầm Hải Vân. Tất cả ghế xe đều kín khách.
Khu vực Bảo tàng Chăm (đầu đường 2/9) trở thành bãi đáp của loại xe tracking. Xe chạy open tour nhưng không ngần ngại bán vé khách lẻ, với mức 70 - 80 nghìn đồng/vé. Tương tự, không khó để đặt vé, đón các xe núp bóng hợp đồng du lịch, tour tuyến trên đường Đống Đa, 3/2.
Theo đơn cầu cứu của các nhà xe tuyến cố định Đà Nẵng - Huế, trên tuyến còn có ít nhất 14 xe chạy dù, hoạt động công khai, phá tuyến cố định. Trong khi các loại xe trá hình, xe dù, hầu hết đều “kín ghế” thì các xe cố định đối mặt thảm cảnh “đói khách”.
“Mỗi chuyến chạy đi chạy về chúng tôi phải nộp 235 nghìn đồng tiền phí xuất bến ở hai đầu. Nhà xe chấp hành đúng quy định của pháp luật về kinh doanh công bằng, lành mạnh, các xe kia ngang nhiên phạm luật, giành khách của chúng tôi”, ông Quảng, một nhà xe tuyến cố định Đà Nẵng - Huế nói.
Theo ông Lê Viết Hoàng, tình trạng trên gây mất công bằng và bất bình cho nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính. Cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh TTGT Đà Nẵng cho biết, các xe trá hình mới xuất hiện vài tháng trở lại đây. Chúng tôi cũng đã xử phạt nhiều lần nhưng các chủ xe vẫn ngoan cố.
Lãnh đạo Phòng CSTT Đà Nẵng cho hay, trước đây các xe này cũng đã từng bị lập biên bản xử phạt. Sắp tới, khi nắm được thông tin sai phạm, đơn vị sẽ phối hợp với TTGT để xử lí triệt để.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận