Xã hội

Đại biểu Quốc hội: Nên giảm thuế VAT xuống tiếp, thay vì mức 2%

24/05/2023, 09:34

Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đề xuất tăng mức giảm thuế giá trị gia tăng lên 3 - 5% thay vì mức 2%.

Đề xuất tăng mức giảm thuế

Dự kiến, tại phiên họp chiều 24/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022.

img

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng cần tăng mức giảm thuế VAT lên từ 3 - 5% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Về vấn đề này, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, trước mắt có thể giảm 2% thuế VAT, nhưng thời gian tới, cần tiếp tục giảm thêm loại thuế này để kích cầu tiêu dùng, kích cầu nội địa.

Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh để kích cầu nội địa, ngoài việc giảm thuế VAT cần tăng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phù hợp với người Việt Nam.

"Tôi cho rằng, cần tập trung hướng vào thị trường nội địa 100 triệu dân, vì thị trường nước ngoài đang chao đảo", ông Ngân nói.

Vừa qua, Bộ Tài chính và Chính phủ đã đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đến hết năm 2023 đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến không đồng tình và thống nhất không mở rộng phạm vi giảm thuế VAT, chỉ giảm theo phạm vi áp dụng chính sách giảm thuế VAT như đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết, hiện nay, nền kinh tế đã tiệm cận suy thoái, nếu tiếp tục gia tăng hoặc đơn giản chỉ giữ nguyên việc thu thuế VAT sẽ tỉ lệ nghịch với những khó khăn mà doanh nghiệp và người dân đang gặp phải.

Ông Vân lấy ví dụ sức vác của một người chỉ được 20kg là kiệt sức, nếu bớt đi 2kg, gánh nặng trên vai họ sẽ giảm và có thể đi thêm được 10 bước nữa. Nếu tiếp tục giảm xuống 15kg, họ có thể tiến xa hơn được 20 bước, gấp đôi giá trị tạo ra so với 10 bước.

"Tôi cho rằng, thay vì chỉ dừng lại ở mức giảm 2% thuế VAT, việc giảm thuế xuống tiếp 3 - 5% sẽ hỗ trợ rất lớn cho người dân và doanh nghiệp bởi sẽ giúp chi phí giá thành hàng hoá thấp, góp phần thúc đẩy mua bán, tăng doanh số", ông Vân đề xuất.

Vị đại biểu đoàn Cà Mau cũng cho rằng, hiện thị trường rất cần những chính sách kích cầu để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nếu doanh số bán hàng của doanh nghiệp tăng lên thì thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng, thu nhập cá nhân cũng tăng lên, từ đó cũng thu được thêm thuế cho ngân sách Nhà nước.

img

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm

Không nên giảm thuế đồng đều cho các mặt hàng khác nhau

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, không nên giảm thuế một cách đồng đều các mặt hàng mà cần cân nhắc để cân đối tiêu dùng.

Vừa qua, Chính phủ yêu cầu giảm thuế VAT tất cả các mặt hàng từ 10% xuống còn 8% nhưng Nghị quyết 43 đã cân nhắc, một số lĩnh vực vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, tăng trưởng lớn như dịch vụ y tế, thuốc men, thương mại online…

"Hay như ngành ngân hàng, vừa rồi một loạt ngân hàng báo lãi lớn và thực tế là như vậy, thế thì việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là vô lý. Còn chứng khoán, bất động sản dù còn khó khăn, song việc giảm thuế VAT cũng chưa thuyết phục", ông Lâm nói thêm.

Đồng tình về hạn chế của việc chỉ cho phép giảm thuế VAT 2% đối với một số ngành nghề, lĩnh vực thay vì toàn bộ, ông Lâm cho rằng, có thể khiến điều hành chính sách mang tính giật cục, ngay cả doanh nghiệp phải điều chỉnh nay 10, mai 8 là quá khó khăn, cơ quan quản lý cũng thấy khá phức tạp.

"Chúng ta cần đảm bảo ổn định, cân đối lớn của vĩ mô, không có thu thì sao có chi, bổ sung khám chữa bệnh cho nhân dân, không đầu tư sao có tăng trưởng. Cần giải quyết hài hoà các yếu tố", ông Lâm nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.