Thời sự

Dân bầu chủ tịch thành phố được không?

29/05/2020, 06:08

Ông Vũ Trọng Kim cho rằng, việc để dân trực tiếp bầu chủ tịch thì có thể hạn chế được sai phạm “chờ 10 năm mới được khui ra”.

img
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim đề xuất để người dân Đà Nẵng được trực tiếp bầu Chủ tịch UBND thành phố theo chế độ phổ thông đầu phiếu

Phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng ngày 23/5, ĐBQH Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương) đã đề xuất thí điểm việc dân được trực tiếp bầu chủ tịch UBND thành phố.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Trọng Kim cho rằng, việc để dân trực tiếp bầu chủ tịch thì có thể hạn chế được sai phạm “chờ 10 năm mới được khui ra”.

Hạn chế được chạy chức, chạy quyền

Cơ sở nào để ông đề xuất dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND thành phố?

Khi đề xuất dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND thành phố, tôi dựa trên ba cơ sở, thứ nhất là cơ sở lý thuyết, thứ hai là cơ sở pháp lý, thứ ba là những thực tiễn.

Người dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND thành phố là sáng kiến rất hay, tôi nghĩ nếu có sự tổ chức lãnh đạo sát sao thì sẽ thành công và đem lại hiệu quả.
Chúng ta vừa thí điểm bầu Bí thư cấp ủy ở Đắk Lắk đã thành công rồi, nếu được thì có thể bầu luôn lãnh đạo TP ở Đà Nẵng.
Việc này thể hiện tính dân chủ rất cao. Nếu bỏ HĐND phường thì chúng ta phải làm sao để người dân được thực hiện quyền dân chủ trực tiếp.
Theo tôi, không chỉ là chủ tịch UBND mà các đảng viên có thể trực tiếp bầu bí thư, chủ tịch HĐND.
Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tiễn còn cả một quá trình, không phải tự nhiên mà tổ chức ngay được. Vấn đề này thậm chí phải báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng ban Dân nguyện)


Ngoài ba cơ sở trên còn một căn cứ quan trọng nữa đó chính là tư tưởng Hồ Chí Minh. Cụ thể là bài báo “Dân vận” Người viết năm 1949.

Bài báo đã toát lên tư tưởng sáng ngời đường lối chọn nhân tài vào bộ máy chính quyền. Trong đó Bác nêu ra bốn vấn đề cốt tử.

Vấn đề thứ nhất Bác nói đến là “nước ta là nước dân chủ”, thứ hai là dân vận là gì, thứ ba là ai phụ trách dân vận, thứ tư là dân vận phải thế nào? Tư tưởng của Bác rất rõ ràng, nhất quán.

Theo tôi, người đứng đầu chính quyền nên để dân trực tiếp chọn và cử ra. Còn từ cấp phó trở xuống thì cấp trưởng sẽ giới thiệu cấp phó để giúp việc cho mình.

Sinh thời Bác Hồ đã từng vận động nhân dân nơi nào có người tài thì giới thiệu cho Bác. Ý nguyện của nhân dân phù hợp với ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cứ thế mà làm.

Theo ông, so với quy định hiện hành, việc để dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND đem lại những lợi ích gì?

Nếu làm việc này thì nhân dân được trực tiếp bầu ra chủ tịch UBND, trong quá trình làm việc nếu những người này không đáp ứng yêu cầu công việc, làm không tốt thì phải sẵn sàng nhường vị trí cho người khác, chứ không có chuyện đã lên không xuống, đã vào không ra.

Hơn nữa, nếu người được dân trực tiếp bầu đó mắc khuyết điểm thì việc giám sát, phát hiện sẽ rất nhanh chóng. Từ đó chính người dân sẽ đánh giá được năng lực thật sự, chứ không phải có những sai phạm phải chờ đến 10 năm mới được khui ra như thời gian vừa qua.

Nói cách khác, nếu thực hiện cách làm này sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh, người được bầu lên phải chịu sự giám sát trực tiếp của người dân, phải có năng lực thực sự, phẩm chất đạo đức tốt thì mới có thể tồn tại được vị trí của mình. Nếu anh không làm tốt, thì người dân sẵn sàng thay thế anh bằng những người khác ưu tú hơn.

Điểm ưu việt tiếp nữa là nếu để người dân bầu trực tiếp sẽ phần nào có thể hạn chế được tình trạng chạy chức, chạy quyền, vận động không trong sáng. Lúc đó buộc anh phải có những chương trình hành động mang lại lợi ích cho người dân để người dân tin tưởng mà bầu anh vào vị trí đó.

Người được bầu phải có chương trình hành động

img
Theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, chính quyền thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND (Trong ảnh: Một góc TP Đà Nẵng). Ảnh: TL

Như ông nói thì nếu để người dân bầu trực tiếp sẽ mang lại nhiều lợi ích, song cơ sở pháp lý để thực hiện sẽ như thế nào, quy trình ra sao?

Bây giờ phải chấp thuận ý tưởng đã rồi mới thiết kế nội dung, thiết kế quy trình. Hiện tại chưa có dự thảo hay đề án thì nói quy trình thì sớm quá.

Tuy nhiên, quy trình trong việc dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND thành phố thì cũng không khó để nghĩ ra. Có thể làm bằng cách Đảng giới thiệu nhân sự, sau đó những người này phải đề ra chương trình hành động, hứa trước dân và được dân bầu trực tiếp.

Còn về cơ sở pháp lý, chúng ta đã thực hiện đâu mà đòi hỏi cơ sở pháp lý. Cái gì cũng đòi hỏi cơ sở pháp lý thì lấy đâu ra sáng kiến. Sáng kiến phải nằm ngoài pháp lý chứ. Tư tưởng Bác Hồ là cơ sở tuyệt vời rồi.

Phải làm sao có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực, tạo cho chủ tịch thành phố có nhiều quyền hạn nhưng phải kiểm soát được.

Tất nhiên, chúng ta nằm trong hệ thống chính trị thì có Đảng bộ rồi đến Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, để tạo điều kiện, có sức mạnh thì tôi cho là phải bầu trực tiếp.
ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre)


Việc để dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND thành phố có “vênh” gì so với các quy định tổ chức cán bộ hiện nay? Nếu để thực hiện được đề xuất này, theo ông, có cần điều chỉnh các quy định pháp luật hiện hành như thế nào?

Ở một số nơi đã bầu bí thư trực tiếp rồi, đó cũng là cơ sở, tiền đề để thực hiện việc này. Đại hội bầu ra bí thư chứ không phải ban chấp hành bầu.

Trước đây, đã có đề xuất thí điểm dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã nhưng chưa thực hiện được. Theo ông, vì sao chúng ta chưa thực hiện được đề xuất đó?

Quả thực đến nay chưa có tổng kết nên tôi cũng không dám bàn về việc này.

Thực tế hiện nay đến cấp chủ tịch xã, phường còn chưa bầu trực tiếp được, thì liệu dân có trực tiếp bầu được chủ tịch thành phố, thưa ông?

Khi đề xuất được chấp nhận thì phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì mới thực hiện. Còn nếu không thì không ai dám thực hiện cả. Cơ quan có thẩm quyền đưa ra văn bản thì mới làm được chứ. Còn đề xuất này chưa được chấp thuận thì chưa thể làm được.

Cảm ơn ông!

Không tổ chức HĐND cấp quận, phường

Sáng 23/5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Tại dự thảo, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường).

Theo mô hình này thì chính quyền thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường.

Qua đó, cơ cấu tổ chức cũng được thí điểm đổi mới: UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, UBND quận, phường chỉ gồm chủ tịch, các phó chủ tịch UBND và công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, phường. Mô hình này quy định UBND cấp trên bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cách chức chủ tịch, các phó chủ tịch UBND cấp dưới.

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, đa số ý kiến tại Uỷ ban Pháp luật tán thành thí điểm mô hình chính quyền đô thị như trên.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cũng có ý kiến còn băn khoăn, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường và các cơ quan tư pháp quận.

Mở rộng dân chủ

Theo ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, đề xuất để dân bầu trực tiếp chủ tịch thành phố cũng là cách mở rộng dân chủ.

Tuy vậy, ý tưởng này không mới, bởi khi còn giữ chức Chủ tịch UBND thành phố, cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cũng từng đề xuất. Nếu đề xuất này được Quốc hội chấp nhận, cử tri cùng lúc sẽ bầu HĐND và bầu chủ tịch UBND.

Theo ông Tiếng, nếu được Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Đà Nẵng sẽ giảm được một số công chức do không còn tổ chức HĐND ở các quận và các phường, từ đó tiết kiệm được một khoản tiền thuế mà người dân đóng góp vào ngân sách thành phố.

“Điều thuận lợi chủ yếu là mô hình chính quyền đô thị sắp thí điểm cho phép chính quyền Đà Nẵng quản lý thành phố một cách “đô thị” hơn, phù hợp với đặc điểm phân cấp quản lý của một đô thị đòi hỏi phải tập trung và thống nhất trên cả địa bàn”, ông Tiếng nói.

Còn ông Lê Tự Cường, Chủ nhiệm CLB Thái Phiên, nguyên Trưởng Ban Dân vận Đà Nẵng lại tỏ ra e ngại khi cho rằng, dân không thể hiểu, biết một cách cụ thể về cán bộ mà mình sẽ bầu làm lãnh đạo, từ đó sẽ xảy ra những câu chuyện không hay.

“Những vị lãnh đạo sai phạm bị xử lý trong thời gian qua cho thấy họ sai phạm sau khi đã có chức. Khi đã có chức, lòng tham mới phát sinh nhưng tổ chức quản lý lỏng lẻo nên họ có cơ hội để thực hiện dẫn đến sai phạm. Vì vậy, công tác hậu quản mới là mấu chốt”, ông Cường khẳng định.

Vĩnh Nhân

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.