Vô số đặc sản vùng miền được dân công sở rao bán trên mạng. |
Mỗi cơ quan, một cái chợ
Còn chưa đầy 1 tháng nữa là Tết, không khí sắm sanh thêm “xôm” bởi nhiều chị em đã đẩy mạnh việc rao hàng Tết trên trang cá nhân và các diễn đàn. Chị Nguyễn Hồng M. (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Buôn bán trong cơ quan, mọi người biết nhau nên cũng đỡ lo cảnh “treo đầu dê, bán thịt chó”, không mất phí ship hàng lại dễ đổi hàng. Như vậy, mua bán cũng thấy vui vẻ hơn”. Cũng như các đồng nghiệp khác, dịp lễ Tết này chị M. cũng bon chen bán thêm ít hoa quả khô nhập khẩu từ mối quen của gia đình.
Cũng vì lý do trên mà ở nhiều cơ quan, tập đoàn có lượng nhân viên lớn, thậm chí còn mở hẳn một diễn đàn riêng chuyên dành cho anh chị em trong công ty rao hàng, buôn bán nội bộ. Trên diễn đàn Chợ cóc H. (của một trường ĐH), đủ các mặt hàng từ đồ ăn uống, thực phẩm được quảng cáo đặc sản quê, “nuôi sạch, trồng sạch” như: Cam canh, bưởi Diễn, miến, mộc nhĩ, nấm rừng… đến mỹ phẩm, rượu, bánh “cắp nách” từ nước ngoài… được rao bán. Như chia sẻ của chị Ngô D., quê Bắc Giang có cả vườn cam canh trồng theo tiêu chuẩn Bio, đảm bảo sạch, ngon “nên chả tội gì không bán, vì giờ đồ sạch hiếm”.
Xem thêm video:
Hai năm nay, chị Ngô D. bán đều và lượng khách “đồng nghiệp” tương đối ổn định. Vào dịp lễ, Tết lại càng đắt hàng vì mọi người ngoài mua để ăn còn mang biếu. Có ngày, chị D. mang vác dăm bảy chục cân hoa quả đến cơ quan để bán cho đồng nghiệp. Theo lời chị D. buôn bán hoa quả còn nhẹ nhàng, sạch sẽ chứ nhiều chị còn bán đồ ăn, hải sản… thì mùi là điều không tránh khỏi.
Cũng tham gia bán online 2 năm nay, chị Nguyễn Thùy L., nhân viên một công ty chuyên về xuất nhập khẩu cho biết: “Cứ trước Tết 1 tháng là mình rao bán rượu vang Pháp vì có mối quen được giá tốt. Vẫn biết là cuối năm cơ quan bận việc nhưng cũng phải thu xếp bán hàng thêm. Như năm trước, tranh thủ cũng bán được đôi ba trăm cả chai cả thùng rượu. Lãi bèo cũng được gần 2 chục triệu đồng. Tết có thêm đồng ra, đồng vào cũng dễ chịu hơn”. Năm nay ngoài rượu, L. còn mạnh dạn đặt vài gốc bưởi giao bán trước Tết. “Mới rao trên facebook mà bạn bè đã tới tấp đặt hàng. Hy vọng lại có cái Tết ấm”, chị L. vui vẻ cho biết.
Còn Phạm Thanh H. (nhân viên một ngân hàng) chia sẻ: “Túc tắc mỗi tháng cũng bán được hai chục hộp chân gà chua ngọt. Gần Tết, lượng hàng đặt từ giờ đến 28 Âm lịch cũng xấp xỉ 100 hộp mà chưa biết xử lý sao đây vì cuối năm việc cơ quan bận tối mắt”.
Có cấm được nhân viên công sở buôn bán online trong giờ làm việc?
Chị Thùy L. chia sẻ, cơ quan chị chỉ quản lý nhân viên trên hiệu quả công việc nên khi biết chị bán thêm hàng online, sếp cũng chỉ nhắc nhở khéo. Thế nhưng, chị L. cho biết: “Năm trước chỉ vì túi bụi với nhận đặt hàng online mà mình suýt xử lý chậm vận đơn xuất khẩu hàng của khách. May mà không bị phạt, chứ tiền lãi bán hàng cũng không đủ nộp phạt”.
Còn với Thanh H., ngân hàng chị làm gần như cấm tuyệt đối nhân viên sử dụng điện thoại trong giờ làm việc hơn nữa chỉ có duy nhất mạng nội bộ. Vì vậy, H. chỉ dám tranh thủ check hàng đặt mỗi khi dời vị trí của mình trong chốc lát. “Xác định chỉ làm thêm nên công việc cơ quan vẫn phải đặt lên hàng đầu”, chị H. cho hay.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Ngay trong Luật Cán bộ công chức đã có quy định cụ thể giờ làm việc 8 tiếng hành chính. Trong đó cấm cán bộ, công chức tranh thủ thời gian của cơ quan để làm thêm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại việc người lao động “ăn cắp” thời gian hành chính để buôn bán, làm thêm, kể cả việc bán hàng online. Như vậy là vi phạm, nếu bị phát hiện cần xử lý nghiêm, thậm chí kỷ luật lao động”.
Ông Phúc cũng cho hay, về nguyên tắc cần cấm buôn bán online trong giờ làm việc bởi việc tận dụng thời gian công sở ít nhiều cũng ảnh hưởng tới chất lượng công việc. Vì thế, các doanh nghiệp, đơn vị phải chủ động kiểm soát, xử lý, kỷ luật với những vi phạm này. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường giáo dục cán bộ công chức để họ có trách nhiệm, ý thức đầy đủ về công vụ được giao.
Một số quy định được đưa ra trong Bộ Quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức ở Hà Nội: Cán bộ công chức đi làm việc phải mặc áo có ống tay, cổ áo, nếu mặc váy thì phải dài đến đầu gối, không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp... Không nói tục, không tụ tập làm việc riêng trong hoặc ngoài cơ quan; không nấu nướng thực phẩm trong phòng làm việc; không hút thuốc; không sử dụng đồ uống có cồn; không hát karaoke trong giờ làm việc; không đeo tai nghe, bật nhạc, nghe nhạc, xem tivi, nghe đài, chơi điện tử trong giờ hành chính…. |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận