"Ta về ta tắm ao ta"
Tính từ năm 2015 cho đến trước tháng 9/2025, sự nghiệp chuyên nghiệp của Công Phượng có 2 lần gắn với giải hạng Nhất. Năm 2016, anh từ HAGL sang Mito Hollyhock theo diện cho mượn 1 mùa. Mito Hollyhock vốn là CLB tại giải hạng Nhất của Nhật Bản. Nhưng so với V-League, giải đấu này vẫn có trình độ cao hơn.
Công Phượng trong buổi ra mắt CLB Bình Phước tại giải hạng Nhất.
Chân sút này đá 5 trận cho Mito Hollyhock với tổng thời lượng chỉ vỏn vẹn 80 phút rồi phải sớm trở về HAGL 1 năm sau đó.
Lần thứ 2 thi đấu ở giải hạng Nhất của Công Phượng chính là chơi cho Yokohama FC. Đội bóng này thực tế đã phải từ J-League 1 xuống chơi hạng thấp hơn vì màn trình diễn tệ hại mùa trước. Đáng nói, Công Phượng không được ra sân 1 phút nào trong hơn 1 năm khoác áo Yokohama.
Đan xen trong 2 lần thi đấu tại hạng Nhất ấy, Công Phượng còn có 1 lần xuất ngoại khác, nhưng đều tầm cỡ giải VĐQG. Cụ thể vào năm 2019, sau màn trình diễn ấn tượng tại Asian Cup cùng tuyển Việt Nam, Công Phượng lại xuất ngoại.
Lần này, anh thi đấu cho 2 CLB nước ngoài khác nhau. Nửa đầu năm ấy, chân sút này sang Hàn Quốc để chơi cho Incheon United. Sau 8 trận (352 phút) tại K-League 1, Công Phượng quyết định sang giải VĐQG Bỉ để đầu quân cho Sint Truidense.
Anh hy vọng có thể tìm kiếm cơ hội được chơi đúng sở trường tiền đạo. Bởi tại Incheon, trong những lần được tạo điều kiện thi đấu, Phượng đều phải đá ở vị trí tiền vệ không quen thuộc.
Nhưng quyết định này lại là sai lầm với chân sút người Nghệ An. Bởi tất cả những gì anh có chỉ là 1 trận đấu tại giải VĐQG Bỉ với thời lượng… 20 phút.
Đại diện châu Âu chỉ tạo điều kiện cho anh chơi một vài trận đấu ở giải dự bị hay các mặt trận không quan trọng. Mắc kẹt tại châu Âu, Công Phượng phải chờ CLB TP.HCM giải cứu, trước khi trở lại mái nhà xưa HAGL.
HAGL, TP.HCM, Sint Truidense, Incheon, Mito Hollyhock, Yokohama FC… là những CLB mà Công Phượng kinh qua sau 10 năm thi đấu chuyên nghiệp.
Và mới nhất, anh đến với CLB thứ 7 mang tên Bình Phước, sau khi "mất tích" tại giải hạng Nhất Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên, tiền đạo này xuống chơi ở một giải hạng Nhất của Việt Nam.
Từ chối đại gia ngân hàng
Chi tiết đầu tiên cần phải nói đến xoay quanh lựa chọn của Công Phượng đến từ yếu tố khách quan mà tiền đạo này không thể tự quyết. Đó là không có một đội bóng nào tại V-League quan tâm đến Công Phượng.
Tại CLB Bình Phước, Công Phượng sẽ tái ngộ đàn anh một thời ở ĐTQG - Anh Đức.
Một số đội bóng yên tâm về chất lượng nội binh ở hàng tiền đạo. Một số khác không nắm được tình hình thực sự của Công Phượng tại Yokohama FC.
Và phần còn lại, nếu có quan tâm đến Công Phượng cũng phải dè đặt trước một tin đồn về yêu cầu đãi ngộ từ chân sút sinh năm 1995. Đó là đề nghị 3 năm hợp đồng kèm lót tay 24 tỷ đồng được thanh toán 1 lần từ Công Phượng.
Thực tế, một đại gia ngành ngân hàng có quan tâm đến Công Phượng, trước khi cầu thủ này tuyên bố chia tay Yokohama FC sớm hơn 1 năm 4 tháng hợp đồng giao ước. Nhưng tỷ phú này không nhắm Công Phượng cho một đích đến V-League, nơi một số CLB có sự hậu thuẫn của ông.
Vị đại gia này muốn đưa Công Phượng xuống hạng Nhất, nơi một CLB trẻ măng khác cũng được ông chống lưng về cơ chế và tài chính suốt thời gian vừa rồi.
Tuy nhiên, chính vị đại gia này cũng lắc đầu trước đề nghị kể trên của Công Phượng. Ra giá kế tiếp từ phía tỷ phú này là 3 năm hợp đồng kèm theo mức lót tay 18 tỷ đồng. Nhưng chân sút sinh năm 1995 quyết định từ chối.
Vì sao chọn Bình Phước?
Cần nói thêm, Công Phượng có lý do để từ chối. Bởi anh đã nhận được tín hiệu tích cực đến từ một người Nhật Bản khác. Đó là ông Yusuke Adachi, nguyên Giám đốc kỹ thuật VFF và hiện là Giám đốc điều hành CLB Bình Phước.
Bằng tầm ảnh hưởng và mối quan hệ lớn ở Nhật Bản, ông Adachi đã tiếp cận Công Phượng và trở thành một trong số những cái tên thuyết phục tiền đạo này trở về Việt Nam.
Sự ra mặt của ông Adachi cùng một vài cái tên khác đã khiến Yokohama FC chấp nhận chia tay chân sút Việt Nam trước một năm hợp đồng.
Không phải trùng hợp khi mà chỉ nửa ngày sau khi Công Phượng và Yokohama FC tuyên bố đường ai nấy đi, những nhà báo uy tín ở Nhật Bản đã sớm khẳng định chân sút này sẽ trở về Việt Nam chơi bóng.
Tiếp nối câu chuyện giữa Công Phượng và ông Adachi. Cuộc trao đổi giữa cả hai vào ngày 20/9 trở thành mấu chốt cho việc ký hợp đồng một ngày sau đó.
Chuyên gia Nhật Bản thuyết phục Công Phượng bằng môi trường bóng đá, khi CLB định hướng xây dựng theo mô hình Nhật Bản, bao gồm hoạt động và xây dựng học viện đào tạo trẻ.
Ngoài Adachi, đội có nhiều vị trí do người Nhật đảm nhiệm như giám đốc vận hành, giám đốc học viện, trợ lý HLV, HLV thể lực, chuyên gia vật lý trị liệu.
Bên cạnh đó, Bình Phước có nhiều người quen với Công Phượng, từ HLV Nguyễn Anh Đức - cựu tiền đạo tuyển Việt Nam đến các cầu thủ Lê Thanh Bình, Hồ Tuấn Tài, Sầm Ngọc Đức hay một thành viên từng làm việc cùng tại Mito Hollyhock năm 2016.
Sợi dây liên kết giữa Công Phượng với Nhật Bản thực tế không đứt gãy. Nó tiếp tục diễn ra ngay cả khi chân sút này trở về Việt Nam. Bởi chính sự ra mặt của những nhân vật "máu mặt" đến từ Nhật Bản là động lực để Công Phượng ký một bản hợp đồng lớn.
Nên nhớ trong sự nghiệp, dù đã trải qua nhiều CLB khác nhau trong 10 năm qua, nhưng đây mới là lần đầu tiên, tiền đạo này ký bản hợp đồng ra tấm ra món.
Được biết, con số mà Công Phượng nhận được không dưới 6,5 tỷ đồng 1 năm. Đấy là chưa kể, nếu Công Phượng giúp Bình Phước lên chơi ở V-League, một điều khoản cho phép anh tăng số tiền lót tay cũng lập tức được thực thi.
Ngoài yếu tố kể trên, Bình Phước cũng hậu thuẫn rất nhiều trong dự định kinh doanh thương hiệu cà phê của Công Phượng.
Thêm một chi tiết cũng rất quan trọng để Công Phượng quyết định về Việt Nam. Đó là vợ con anh đồng ý trở về nước cùng chân sút này. Điều đó càng giúp cho tiền đạo sinh năm 1995 có thêm động lực để về Việt Nam chơi bóng, ngay cả khi đó chỉ là giải hạng Nhất Quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận