Cổ phiếu Taseco Land liên tục tăng giá
Chốt phiên giao dịch 2/4, cổ phiếu TAL của Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco đạt 27.900 đồng/CP, tăng 2,2% so với mức tham chiếu. Nếu tính từ đầu năm đến nay, TAL đã tăng gần 35%. Mức tăng trưởng ấn tượng so với đà tăng chỉ hơn 4% của VN-Index.
Đây là "quả ngọt" với các cổ đông TAL sau khi cổ phiếu này đã lình xình đi ngang trong gần như cả năm 2024.
Theo các chuyên gia, sức bật của cổ phiếu TAL được hỗ trợ phần lớn nhờ kết quả kinh doanh năm 2024 tăng trưởng tốt. Cụ thể, TAL trong năm 2024 ghi nhận doanh thu chỉ đạt 1.684 tỷ đồng, giảm mạnh 47,9% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, lãi ròng công ty lại tăng mạnh 43,5% đạt 678,4 tỷ đồng.
Kết quả lợi nhuận tăng đột biến của TAL nhờ vào việc thoái vốn các công ty con. TAL ghi nhận khoản lãi 787 tỷ đồng từ hoạt động này.

Đà tăng của cổ phiếu Taseco Land. Ảnh: Tradingview.
Báo cáo tài chính quý IV/2024 chỉ ra TAL vào giữa tháng 12/2024 đã bán hết 99,9% vốn tại Công ty Cổ phần Tầm nhìn Hồ Tây (chủ sở hữu dự án thành phần trên lô đất B3-CC2-A). Đồng thời, công ty vào vào cuối tháng 7/2024 cũng bán thành công 99,9% vốn Công ty Cổ phần Đầu tư TAH (chủ sở hữu lô đất B2-CC4).
Song song với hoạt động này, Taseco Land cũng không còn ghi nhận chi phí xây dựng dở dang cơ bản tại 2 dự án này.
Bên cạnh đó, một chất xúc tác khác với cổ phiếu TAL đến từ thông tin chào bán thành công hơn 14,8 triệu cổ phiếu ra công chúng trong tháng 2/2025.
Công ty cho biết toàn bộ nguồn vốn thu về (148,5 tỷ đồng) sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trờ Đồng Văn III, phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, bao gồm 118,8 tỷ đồng chi phí xây dựng và 29,7 tỷ đồng chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác.
Theo tìm hiểu, Taseco Land thành lập vào năm 2006, tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản An Bình, với 3 cổ đông cá nhân góp vốn ban đầu là các ông bà Vũ Ngọc Thiện, Trần Thị Hồng Anh, và Trần Thị Kim Anh. Đến tháng 3/2017, Taseco Group (thời điểm đó vẫn mang tên là Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Thăng Long) trở thành cổ đông lớn và nắm chi phối 99,98% vốn Taseco Land.
Trải qua nhiều lần tăng vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ/cho cổ đông hiện hữu…, vốn điều lệ Taseco Land tại thời điểm 31/12/2024 đạt 2.970 tỷ đồng.
Cổ đông lớn nhất vẫn là Taseco Group với tỷ lệ sở hữu gần 72,5%. Taseco Land có thể hiểu là đơn vị chuyên trách mảng bất động sản cho Taseco Group khi nắm vốn ở loạt các công ty con/công ty liên kết trong lĩnh vực địa ốc.
Dòng tiền kinh doanh âm
Dù kết quả lợi nhuận Taseco Land tăng trưởng, song dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty này lại liên tục âm từ báo cáo tài chính năm 2022 (âm 219 tỷ đồng), 2023 (âm 1.312 tỷ đồng) và năm 2024 (âm 1.795 tỷ đồng).
Năm 2023, dòng tiền công ty âm do đẩy mạnh thực hiện Dự án số 4 thuộc khu đô thị mới trung tâm TP Thanh Hóa (chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tăng từ 88 tỷ đồng lên 1.754 tỷ đồng), dự án khu nhà ở thuộc khu tái định cư xã Hải Yến tại xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa (tăng từ 46,5 tỷ đồng lên 612,3 tỷ đồng)…
Để giải quyết vấn đề này, Taseco Land đã đẩy mạnh việc vay nợ từ năm 2023. Theo đó, tổng nợ phải trả Taseco Land tại ngày 31/12/2023 tăng 46,5% so với đầu năm, lên 5.949 tỷ đồng. Chủ yếu do vay dài hạn tăng mạnh từ 226,4 tỷ đồng lên 2.136,6 tỷ đồng.

Dù kết quả lợi nhuận Taseco Land tăng trưởng, song dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty này lại liên tục âm từ năm 2022.
Còn sang đến năm 2024, dòng tiền kinh doanh âm chủ yếu do Taseco Land giảm các khoản phải trả (âm 1.210 tỷ đồng), chủ yếu phải trả ngắn hạn khác giảm từ 1.105,8 tỷ đồng xuống 309,3 tỷ đồng; và lãi từ hoạt động đầu tư (âm 922 tỷ đồng).
Theo các chuyên gia, việc dòng tiền kinh doanh âm liên tục không phải điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ là điều đáng báo động. Bởi, việc thiếu hụt dòng tiền là rủi ro khiến doanh nghiệp gặp rủi ro không thể thanh toán nợ, kết quả kinh doanh suy giảm và có thể rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Với trường hợp Taseco Land, để xử lý việc dòng tiền kinh doanh âm, công ty đã bù đắp từ dòng tiền đầu tư và tài chính. Dù vậy, nguồn vốn sẽ là vấn đề đặt ra với tham vọng của Taseco Land trong việc mở rộng đầu tư ở nhiều dự án địa ốc khác.
Tháng 3/2025, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Taseco Land là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án xây dựng khu đô thị mới Mê Linh tại xã Mê Linh và xã Văn Khê, huyện Mê Linh (TP Hà Nội).
Dự án có diện tích là khoảng 40,6ha, tổng mức đầu tư hơn 3.208 tỷ đồng (sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án gần 2.905 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 303 tỷ đồng). Tiến độ thực hiện dự án dự kiến trong khoảng 4 năm.
Taseco Land cũng là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu 2 thuộc Khu đô thị (TP Bắc Giang) quy mô khoảng 40,9ha; là liên danh duy nhất với Công ty TNHH Ngọc Toàn Royal Island đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị cao cấp Quán Hàu (tỉnh Quảng Bình), quy mô 17ha; liên danh với Công ty TNHH Đầu tư Địa Trung Hải đăng ký thực hiện dự án KĐT mới Lương Ninh (tỉnh Quảng Bình), tổng diện tích đất sử dụng đất khoảng 350.800m2.
Đáng chú ý, vào tháng 4/2024, HĐQT Taseco Land phê duyệt việc tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án tại phường Phúc Đồng, Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội… Tại thời điểm cuối năm 2024, hàng tồn kho công ty xuất hiện khoảng 892 tỷ đồng từ dự án "Khu nhà ở cao tầng Long Biên, Việt Hưng". Nhiều khả năng công ty đã trúng đấu giá dự án.
Không những thế, tồn kho Taseco Land còn phát sinh thêm số dư tại dự án Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu (318,4 tỷ đồng), dự án Khu đô thị mới phía Nam trung tâm hành chính thị xã Duy Tiên - Hà Nam (41,6 tỷ đồng).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận