Dự án nhiều nhưng giao dịch ít
Cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Long Thành (Đồng Nai) trở thành đô thị sân bay, cửa ngõ quốc tế.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch chung đô thị Long Thành là toàn bộ địa giới hành chính huyện Long Thành với tổng diện tích tự nhiên 430,62km².
Dự báo, quy mô dân số đô thị Long Thành đến năm 2030 khoảng 340-370 nghìn người và đến năm 2045 khoảng từ 480-500 nghìn người.
Long Thành được hướng tới thành một trong những đô thị trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ và vùng động lực phía Nam.
Đây cũng là đô thị được kỳ vọng sẽ gắn kết với sân bay Long Thành, trở thành khu vực cửa ngõ của quốc gia với quốc tế.
Dù vậy, theo ghi nhận thời gian gần đây ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ - khu vực vùng lõi của đô thị sân bay, giao dịch bất động sản khá trầm lắng, chỉ ấm nhẹ so với trước Tết.
Các sản phẩm được mua bán chủ yếu là đất nền trong dân, diện tích trên dưới 100m2, giá dưới 1,2 tỷ đồng. Đất thuộc dự án dù được đầu tư bài bản, có tiện ích đầy đủ và hạ tầng giao thông hoàn chỉnh vẫn vắng người mua bán.
Cận kề sân bay Long Thành, trong vùng bán kính từ 2-15km, bốn năm trở lại đây có hàng loạt dự án bất động sản lớn được đầu tư xây dựng. Các trục đường có các dự án lớn là đường tỉnh 769, Long Đức, Tôn Đức Thắng…
Đa số các dự án này được xây dựng để đón đầu, ăn theo sân bay Long Thành, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Nhơn Trạch, Bến Lức - Long Thành… và các tuyến nội tỉnh.
Trong đó, nhiều dự án như: Gem Sky World, D2D Lộc An, STC Long Thành, Century City Long Thành… từng làm mưa làm gió, thu hút rất nhiều khách khắp nơi đến xem đất xem nhà, hiện cũng rất vắng. Ở các dự án này, nhiều hạng mục bị xuống cấp, nhiều căn nhà xây dang dở phần thô chưa hoàn thiện.
Ông Phạm Văn Mạnh, người kinh doanh bất động sản Đồng Nai cho rằng, thực tế hiện nay khác với dự đoán của giới kinh doanh bất động sản, sức mua rất yếu ngay cả khi các thông tin về quy hoạch đô thị sân bay rõ ràng, đường lớn mở liên tục.
Khoảng những năm 2018, 2019, 2020 - nhất là giai đoạn chuyển mình của dự án sân bay Long Thành, người đầu tư đất đai ở khu vực Long Thành, Nhơn Trạch rất nhiều, đủ ở các vùng miền.
Trước năm 2015, giá đất nông nghiệp ở khu vực quanh sân bay Long chỉ từ 200 triệu - 1 tỷ đồng/sào, tùy vị trí.
Sau các đợt sốt đất năm 2018, 2020, 2021, giá đất đội lên tầm 1 tỷ đến trên 5 tỷ đồng/sào. Riêng khu vực mặt tiền đường lớn, giá mỗi sào lên đến hàng chục tỷ đồng.
Còn đất nền trong dân tầm 800 triệu - 2 tỷ đồng, có những lô đất ở sâu vẫn còn giá từ 400 - 500 triệu đồng.
Cũng theo ông Mạnh, suốt 20 năm làm bất động sản, ông chưa từng chứng kiến khó khăn như hai năm nay, dù giá đã giảm 10-20% so với trước, nhiều lô đất cắt lỗ trăm triệu đến tiền tỷ, khách vẫn không chốt.
Kỳ vọng cuối 2024 khởi sắc
Bà Minh Loan (ở Đồng Nai) là người đang "ôm" nhiều bất động sản quanh dự án sân bay, cầu Cát Lái, các tuyến cao tốc.
Khi có thông tin quy hoạch đô thị Long Thành, bà và nhiều người kỳ vọng giá đất khởi sắc. Nhưng điều bà mong muốn vẫn chưa xảy ra.
Nhơn Trạch, Long Thành có vị trí đắc địa, nhiều lợi thế vì cận kề TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, hai địa phương có nền kinh tế lớn ở phía Nam. Phần lớn các đường cao tốc đều đi qua hai huyện này.
Bên cạnh đường bộ, nơi đây còn có tuyến đường sắt nhẹ và có thêm hệ thống giao thông đường thủy như sông: Đồng Nai, Lòng Tàu và Thị Vải với cụm cảng nước sâu như: Cát Lái, Phước An, Cái Mép - Thị Vải kề bên…
Đây cũng là vùng lõi trong khu vực vùng kinh tế động lực phía Nam, cửa ngõ giao thông đi miền Trung, miền Bắc, lên Tây Nguyên và về Tây Nam Bộ.
Giới bất động sản nhìn nhận, tình hình chung của thị trường nhà đất hiện nay chưa thật sự tốt, tuy nhiên trong tương lai, với việc quy hoạch đô thị sân bay, có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng thì Long Thành, Nhơn Trạch sẽ rất sôi động.
"Dự kiến quý III/2024, mọi thứ dần được cải thiện, nhưng muốn đột phá phải mất vài ba năm nữa", một nhà đầu tư nhận định.
Theo văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện, thành phố ở Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay, hồ sơ giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cơ hội cho các nhà đầu tư vẫn rất lớn
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đô thị Long Thành có quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 340.000-370.000 người và đến năm 2045 khoảng từ 480.000-500.000 người.
Mục tiêu đến trước năm 2030, Long Thành đạt tiêu chí đô thị loại III và sau năm 2030 hướng tới đô thị loại II.
"Đô thị Long Thành sẽ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hạ tầng xã hội đáp ứng đầy đủ tiện nghi cuộc sống của người dân.
Vì vậy, trong tương lai Long Thành sẽ là trung tâm liên kết, đầu mối giao thông, vận tải đa phương thức đối với quốc gia, cực phát triển trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Đồng Nai", ông Đức nói và cho rằng, tương lai, cơ hội dành cho các nhà đầu tư là rất lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận