Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời cử tri TP Cần Thơ liên quan đến định hướng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, phát huy đồng bộ với hệ thống cảng biển Cần Thơ đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hàng loạt công trình giao thông lớn từ đường bộ, đường thủy, hàng hải được Bộ GTVT tập trung đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả kết nối giữa khu vực ĐBSCL với các cảng biển lớn của phía Nam, mở đường cho hàng hóa XNK khu vực - Ảnh minh họa
Bộ GTVT cho biết, nhằm góp phần phát triển đồng bộ hiệu quả hệ thống cảng biển Cần Thơ, nâng cao năng lực kết nối giữa vùng ĐBSCL nói chung với khu vực TP.HCM, thời gian qua, Bộ GTVT đã hoàn thành đầu tư dự án: Nâng cấp tuyến QL91 kết nối Cần Thơ với An Giang, tuyến QL91B qua ô thành phố, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và cầu Vàm Cống trên tuyến N2 kết nối Cần Thơ với Kiên Giang.
Cùng đó là các dự án: Giai đoạn 1 dự án ĐTXD Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu; dự án nâng cấp hai tuyến đường thủy phía Nam gồm: hành lang đường thủy từ TP.HCM - Cà Mau và TP.HCM - Kiên Lương; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (dự án WB5) đầu tư Hành lang đường thủy số 2 - Hành lang phía Bắc xuyên Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên; Hành lang đường thủy số 3 - Hành lang duyên hải phía Nam đạt cấp III và Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo đạt cấp II.
Thực hiện các quy hoạch chuyên ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Cục quản lý chuyên ngành khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch nêu trên.
Về đường bộ, Bộ GTVT tiếp tục quyết liệt chỉ đạo triển khai thi công tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, mục tiêu thông toàn bộ tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ vào năm 2023.
Hiện tại, Bộ GTVT đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong đó có đoạn Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng để triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Về hàng hải, Bộ đã đã bố trí 937 tỷ đồng năm 2022 để thực hiện Giai đoạn 2 dự án Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu nhằm phát huy hiệu quả đồng bộ toàn dự án.
Về đường thủy nội địa, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến bố trí vốn giai đoạn 2021-2025 hơn 1.900 tỷ đồng để thực hiện dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - Giai đoạn 1 (Khu vực phía Nam). Hiện, dự án đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Phát triển các hành lang vận tải thủy và logistics khu vực phía Nam sử dụng vốn vay WB.
“Các dự án nêu trên được thực hiện sẽ nâng cao khả năng kết nối đường bộ, đặc biệt là phát huy thế mạnh vận tải đường thủy nội địa của vùng ĐBSCL, tăng cường khả năng kết nối nội vùng, giữa khu vực ĐBSCL đến khu bến Cái Mép - Thị Vải và các bến cảng khu vực TP.HCM, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng và liên vùng”, Bộ GTVT khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận