Đề xuất chỉ định thầu lĩnh vực y tế trong tình trạng cấp bách
Sáng 24/5, tại phần thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết, tại Khoản 1, Điều 2 của dự thảo Luật, việc đấu thầu sẽ áp dụng đối với các hoạt động mua sắm có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu
Đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến quy định này như bệnh viện vay vốn thì các hoạt động liên quan đến vốn vay có phải đấu thầu không? Nếu bệnh viện sử dụng vốn để thuê thêm trụ sở, mua các thiết bị y tế chuyên dùng đặc thù như máy xạ trị gia tốc điều trị ung thư… thì có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu hay không?
Đại biểu Thu nhìn nhận, trong trường hợp này, nếu đấu thầu sẽ không phù hợp với đặc thù của ngành y tế, đặc biệt là khi đơn vị đang hoạt động tự chủ.
Bên cạnh đó, tại Điều 23 quy định về chỉ định thầu cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế.
Quy định này được hiểu là khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế chỉ được chị định thầu để mua, cấp cứu người bệnh.
Tuy nhiên, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) không có quy định nào về vấn đề này. Do vậy, đại biểu đề nghị thay thế cụm từ "cấp cứu người bệnh" thành "trong tình trạng khẩn cấp, cấp bách". Đồng thời, cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường cấp bách.
Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng, qua đại dịch Covid-19 đã cho thấy, năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vaccine, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, trở ngại do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng; các quy định về quản lý, đấu thầu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập.
Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập này, đại biểu Kiều đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung: "Khi có tình huống khẩn cấp, tổ chức được giao mua sắm có thể ứng trước hàng hóa để phục vụ đúng mục đích, yêu cầu cấp bách theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sau đó thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định".
Đề nghị giữ quy định đấu thầu tập trung thuốc hiếm
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí
Về việc đấu thầu mua sắm tập trung, trước ý kiến của một số đại biểu đề nghị bỏ quy định: "Trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít thì có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung", đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt lại câu hỏi nếu bỏ quy định này thì lấy đâu ra thuốc chữa cho bệnh nhân, nhất là với những bệnh hiếm, bệnh nhân ở xa.
Chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, đại biểu Trí cho biết, nhiều trường hợp thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân do đấu thầu quá ít khiến nhà cung cấp không bán.
Do đó, Bộ Y tế đã có một đơn vị đấu thầu tập trung để đấu thầu chung cho cả nước. Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị giữ quy định này trong luật.
Đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh
Lo ngại quản quá chặt hành vi chuyển nhượng thầu
Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) tham gia góp ý về hành vi chuyển nhượng thầu trong luật.
Theo đại biểu, khái niệm dịch vụ liên quan đến gói thầu có phạm vi rộng và nội hàm chưa rõ. Đối với lĩnh vực xây dựng giao thông có thể hiểu các đơn vị liên quan đến cung cấp vật tư vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm, cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng cũng là nhà thầu phụ, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc quản lý, thực hiện hợp đồng và gặp vướng mắc.
Từ đó, đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi quy định theo hướng các tổ chức cung cấp vật tư vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm, cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng công trình không phải là nhà thầu phụ.
Về hành vi chuyển nhượng thầu, đại biểu Minh nêu rõ, dự thảo Luật quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu, trong đó quy định rất chặt vì hành vi chuyển nhượng thầu. Tuy nhiên, việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện.
Do vậy, để việc thực hiện pháp luật đấu thầu được chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định về hành vi này theo hướng loại trừ đối với trường hợp nhà thầu thay thế (hoặc bổ sung) nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ dự thầu và việc sử dụng nhà thầu phụ vượt mức tối đa giá trị công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng khi có lý do xác đáng, cụ thể, trong một số trường hợp đặc biệt hợp lý và được chủ đầu tư chấp thuận.
Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) thì đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như "thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận", "cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu".
Đại biểu cho rằng, hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết do chưa có quy định cụ thể. Việc có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm sẽ giúp công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được thi hành công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận