Người dân mong muốn GPMB một lần cho cả 2 giai đoạn
Tháng 7/2023, Bộ GTVT triển khai thi công Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống). Dự án sẽ có một cầu dành riêng cho đường sắt ở phía thượng lưu và một cầu dành riêng cho đường bộ ở phía hạ lưu để thay thế cầu Đuống hiện hữu. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.800 tỷ đồng.
Bộ GTVT cho biết, dự án này nhằm tăng cường năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía bắc TP Hà Nội; đồng thời đảm bảo ATGT và tránh ùn tắc, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của Thủ đô theo định hướng trong quy hoạch.
Dự án được Bộ GTVT đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch trung hạn 2021-2025. Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt (chủ đầu tư) và các nhà thầu đang thực hiện công tác thủ tục, huy động thiết bị để triển khai thi công cầu đường bộ Đuống cũng như phối hợp với UBND quận Long Biên và UBND huyện Gia Lâm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Theo Bộ GTVT, trên cơ sở quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ của dự án với quy mô xây dựng cầu đường bộ mới có bề rộng mặt cầu là 56m gồm cả hai đơn nguyên, tương đương 8 làn xe.
Tuy nhiên, với mục tiêu tách riêng cầu đường bộ và cầu đường sắt nên cần hoàn trả hạ tầng cầu đường bộ hiện có. Vì vậy, tại quyết định phê duyệt dự án, giai đoạn 1 chỉ đầu tư và thực hiện GPMB tương ứng một đơn nguyên; trong tương lai UBND TP Hà Nội sẽ GPMB và đầu tư đơn nguyên còn lại.
"Việc phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn dẫn đến một số hộ dân sẽ phải GPMB hai lần, đặc biệt một số hộ dân bị GPMB ba lần khi thực hiện cả các dự án của địa phương, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân bị thu hồi đất. Một số hộ dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được cấp phép xây dựng nhà ở theo quy định.
Vấn đề này không nhận được sự đồng thuận của người dân, các địa phương sẽ rất khó khăn trong công tác GPMB giai đoạn 1 của dự án.
Đến nay, theo thông tin phản ánh của chính quyền địa phương, qua đối thoại, tiếp xúc cử tri, nhân dân đều kiến nghị GPMB một lần cho cả hai giai đoạn. Nội dung này cũng đã được các địa phương kiến nghị chủ đầu tư, UBND TP Hà Nội", Bộ GTVT cho hay.
Đề nghị Hà Nội thống nhất chủ trương
Về công tác tái định cư trên địa bàn huyện Gia Lâm, Bộ GTVT cho biết, theo Quyết định số 10/2017 của UBND TP Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội, các hộ gia đình bị thu hồi đất ở được bồi thường bằng đất.
Tuy nhiên, sau khi rà soát quỹ đất tái định cư tại khu vực Bắc Đuống, UBND huyện Gia Lâm đề nghị Ban QLDA đường sắt phối hợp nghiên cứu, báo cáo UBND TP Hà Nội lập dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ GPMB, giao đất tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất. Nguyên nhân do hu tái định cư xã Yên Thường không còn diện tích giao đất ở tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo đề nghị của Ban QLDA đường sắt, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Gia Lâm kiểm tra, rà soát về công tác bố trí quỹ nhà, quỹ đất tái định cư phục vụ dự án. Trên cơ sở ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, tháng 6/2023 UBND huyện Gia Lâm đã chủ trì họp về việc xây dựng phương án tái định cư đối với các hộ dân bị thu hồi đất thuộc dự án.
Theo đó, UBND huyện Gia Lâm đề nghị Ban QLDA đường sắt báo cáo Bộ GTVT xem xét bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án. Tuy nhiên, việc xây dựng dự án tái định cư (với thời gian dự kiến thực hiện khoảng 3 năm) sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ GPMB và tiến độ thực hiện dự án cầu Đuống.
Từ đây, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai công tác GPMB theo quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật dự án đầu tư được duyệt, tránh ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
Để tạo thuận lợi cho việc đầu tư dự án giai đoạn mở rộng theo quy hoạch, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân bị GPMB của giai đoạn 2, đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu, thống nhất chủ trương GPMB một lần cho cả hai giai đoạn.
Bố trí nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội thực hiện GPMB giai đoạn 2 của dự án cầu đường bộ Đuống (bao gồm cả phạm vi khu vực đảo tam giác trên địa bàn quận Long Biên) theo nguyên tắc lồng ghép với nguồn vốn ngân sách Trung ương đã bố trí cho Bộ GTVT thực hiện giai đoạn 1 của dự án. Trên cơ sở ý kiến của UBND TP Hà Nội về nguồn vốn, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND TP Hà Nội bố trí quỹ nhà, đất tái định cư có sẵn của thành phố ở các địa bàn khác phục vụ công tác tái định cư cho dự án qua địa bàn huyện Gia Lâm để đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận