Giá xăng có cơ hội giảm 1.100 đồng/lít
Chiều nay (3/3), Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Tại buổi họp báo, phóng viên đã có những câu hỏi liên quan đến về nguồn cung, giá xăng dầu trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải
Trả lời những câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua giá xăng dầu tăng mạnh do sự tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
"Giá xăng dầu tăng mạnh, hôm qua trên thế giới dầu thô đã tăng thêm 10 đô la/thùng. Dự báo trong hôm nay có thể tiếp tục tăng", ông Hải nói.
Trước câu hỏi, khoảng thời gian điều chỉnh giá xăng dầu trong nước có thực hiện sớm hơn bình thường hay không, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, trước đây Nghị định 83 quy định 15 ngày điều chỉnh một lần, nhưng tại Nghị định 95 (bắt đầu thực hiện từ 2/1/2022) thì quy định 10 ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần.
"Tuy nhiên, trong Nghị định 95 cũng quy định, trong trường hợp xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân thì liên Bộ Công thương và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định có điều chỉnh hay không và điều chỉnh như thế nào", ông Hải nói.
Ông Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng 2 ngày/lần, tổ công tác điều hành giá xăng dầu ngồi bàn với nhau để xem có cần thiết báo cáo để trình lên Chính phủ việc điều chỉnh khác với quy định 10 ngày/lần hay không.
Liên quan đến dự thảo đề án Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã khẩn trương báo cáo với Thủ tướng xin sự chỉ đạo.
"Đến hôm nay, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan liên quan để xin ý kiến với hồ sơ dự thảo", ông Chi nói.
Thông tin về những điểm chính của dự thảo này, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu mỡ nhờn, dự kiến thực hiện từ khi có hiệu lực đến ngày 31/12/2022.
"Các mặt hàng đề xuất giảm như: Xăng (trừ ethanol) sẽ giảm từ 4 nghìn đồng/lít xuống 3 nghìn đồng/lít; dầu diesel, dầu ma rút, dầu nhờn giảm từ 2,5 nghìn đồng/lít xuống 1,5 nghìn đồng/lít; dầu hỏa giảm từ 1 nghìn đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 2 nghìn đồng/lít xuống 1,5 nghìn/kg; nhiên liệu bay thì vẫn được giữ vì đã được giảm theo Nghị quyết số 13 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội" ông Chi nói và cho biết từ 1/1/2023 sẽ quay về thực hiện Nghị quyết số 579 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các gói kích thích kinh tế được triển khai như thế nào?
Chiều nay (3/3), tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương đã trả lời về những câu hỏi liên quan đến tình hình triển khai gói kích thích kinh tế.
Ông Phương cho biết, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã có Báo cáo tình hình công tác của bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Kết quả cho thấy, so với yêu cầu, tiến độ của Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ thì cơ bản các bộ, ngành, địa phương đáp ứng được yêu cầu về tiến độ. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong việc tổng hợp công tác triển khai.
"Bộ Tài chính đã rất chủ động dự thảo và trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn về các chính sách liên quan đến điều chỉnh thuế, phí và lệ phí để có thể triển khai được ngay trong những tháng đầu năm 2022", ông Phương nói.
Về các giải pháp liên quan đến nguồn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng rất chủ động trong việc phối hợp với các bộ, trong đó có Bộ Kế hoạch và đầu tư, để soạn thảo các văn bản, nhất là các nghị định về hướng dẫn đối với các nguyên tắc, tiêu chí, cũng như là các đối tượng để được hỗ trợ từ nguồn tín dụng ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, khó khăn chủ yếu tập trung ở phần về đầu tư công, do liên quan đến nhiều dự án cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án. Tiến độ cũng như công tác tổng hợp các dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội hiện nay có chậm hơn một chút do các bộ, ngành, địa phương có tiến độ thực hiện rất khác nhau, thường có sự chờ đợi lẫn nhau.
"Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã có ý kiến đối với Chính phủ về việc chỉ đạo trong thời gian tới theo hướng cho các bộ, ngành, địa phương nào xong trước thì tổng hợp, trình Thủ tướng các dự án đầu tư công; bộ, ngành nào hoàn thiện sau thì trình sau" Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nói.
Trên cơ sở đó, sau khi có ý kiến của Chính phủ, có Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ có dự kiến tiến độ triển khai trong thời gian sắp tới.
Theo ông Phương, riêng trong năm 2022, giai đoạn đầu ngay sau khi ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022, công tác chuẩn bị hồ sơ cơ bản hoàn thành trong tháng 2 và tháng 3, trên cơ sở đó một số chính sách đang trình các cấp có thẩm quyền cấp cao.
Ví dụ như đối với đầu tư công, chúng ta còn phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch cụ thể cũng như phương án phân bổ dự toán năm 2022 tăng thêm đối với các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước khi Thủ tướng Chính phủ triển khai công tác cụ thể. Do vậy, cơ bản đến tháng 4 và tháng 5 có thể triển khai được gói đầu tư.
"Về lưu ý với các bộ, ngành, địa phương, tôi cho rằng đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP rất chi tiết với các khoản mục cụ thể cũng như là các nhiệm vụ cụ thể giao cho từng bộ, ngành, địa phương có liên quan gắn với tiến độ, thời gian cũng như là các hình thức triển khai thực hiện, do vậy Bộ Kế hoạch và đầu tư rất mong muốn các bộ, ngành, địa phương giám sát các nhiệm vụ được phân công theo Nghị quyết 11 để triển khai thực hiện khẩn trương, hiệu quả, có như vậy thì hiệu quả của Chương trình được phát huy cao nhất có thể", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận