Khó đáp ứng tiến độ nếu không có cơ chế đặc thù
Ban QLDA 85 vừa có văn bản gửi Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù triển khai dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Cơ chế đặc thù được đề xuất nhằm đảm bảo thời gian bàn giao mặt bằng, khởi công dự án - Ảnh minh họa
Nêu lý do đề xuất, Ban QLDA 85 cho biết, dự án cầu Đại Ngãi là công trình hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông.
Theo Quyết định số 878, thời gian thực hiện dự án yêu cầu từ năm 2022 đến hết năm 2026 được xây dựng trên cơ sở dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH được áp dụng cơ chế đặc thù về chỉ định thầu để rút ngắn thời gian thực hiện.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có mục tiêu xây dựng cầu Đại Ngãi 1, cầu Đại Ngãi 2 và đường dẫn. Tổng mức đầu tư dự án hơn 8.000 tỷ đồng.
Dự án có tổng chiều dài thiết kế toàn tuyến là 15,2km. Trong đó, phần cầu dài 3,42km, gồm: cầu Đại Ngãi 1 (2,56km), cầu Đại Ngãi 2 (0,86km); phần đường (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến) dài 11,78km.
Nếu dự án được áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 (đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp và các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB bằng và tái định cư) sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục dự kiến được khoảng 7 tháng.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo kế hoạch, dự án dự kiến phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 12/2022, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công gói thầu xây lắp đầu tiên trong quý 2/2023.
Nếu công tác thiết kế, cắm cọc GPMB triển khai theo quy định (trên cơ sở hồ sơ thiết kế kỹ thuật/bản vẽ thi công được duyệt) thì thời điểm triển khai thiết kế và cắm cọc GPMB để bàn giao cho địa phương dự kiến sớm nhất bắt đầu từ tháng 5/2023, dự kiến hoàn thành và bàn giao mặt bằng thi công đợt 1 sớm nhất quý 1/2024, không đáp ứng được yêu cầu tiến độ thực hiện dự án (khởi công gói thầu đầu tiên vào quý 2/2023).
“Trường hợp công tác thiết kế, cắm cọc GPMB được triển khai theo quy định tại Quyết định số 883 ngày 8/4/2013 của Bộ GTVT (trên cơ sở hồ sơ thiết kế cơ sở được duyệt), thời gian thực hiện công tác GPMB có thể rút ngắn được khoảng 5,5 tháng (thời điểm triển khai thiết kế và cắm cọc GPMB bắt đầu từ tháng 12/2022). Quá trình triển khai thuận lợi dự kiến có thể hoàn thành và bàn giao mặt bằng thi công đợt 1 sớm nhất cuối quý 2/2023”, Ban QLDA 85 phân tích.
Đối với vấn đề khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, theo đơn vị QLDA, thời gian qua, tình trạng khan hiếm và biến động giá vật liệu xây dựng tăng đột biến khi các dự án lớn đồng loạt thi công đã ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Chính phủ đã có các Nghị quyết số 60 và số 133 cho phép áp dụng các cơ chế về khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Tại một số dự án hạ tầng giao thông thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH cũng đã được Chính phủ ban hành Nghị quyết riêng cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù liên quan đến khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
"Dự án cầu Đại Ngãi được triển khai cùng thời điểm khi khu vực ĐBSCL đang và chuẩn bị triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn. Do đó, nguy cơ xảy ra khan hiếm vật liệu xây dựng (cát, đất, đá) là hiện hữu, có thể ảnh hưởng lớn đến giá thành, tiến độ triển khai dự án", đơn vị QLDA nhận định.
Trong bối cảnh triển khai cùng với nhiều dự án giao thông trọng điểm khác, dự án cầu Đại Ngãi cũng được kiến nghị áp dụng các cơ chế đặc thù liên quan đến mỏ vật liệu - Ảnh minh họa
Chỉ định thầu xây lắp, áp dụng cơ chế “mở” về mỏ vật liệu
Trên cơ sở phân tích, Ban QLDA 85 đề xuất áp dụng cơ chế chỉ định thầu đối với dự án cầu Đại Ngãi. Bộ trưởng Bộ GTVT và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp và các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư.
Riêng gói thầu xây lắp (không bao gồm gói thầu xây lắp phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, GPMB và tái định cư), việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).
Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, bên cạnh đề xuất được áp dụng cơ chế tại Nghị quyết số 60 và Nghị quyết số 133 của Chính phủ, Ban QLDA 85 cũng kiến nghị các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Tổ chức, cá nhân khai thác phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định.
Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho dự án, dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.
UBND cấp tỉnh chỉ cho phép nâng công suất khai thác sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà thầu thi công dự án. Nội dung giấy phép khai thác (điều chỉnh) phải xác định đơn vị sử dụng khoáng sản là nhà thầu thi công Dự án. Nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu có vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.
“Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác, trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản; thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định.
Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác liên quan", ban QLDA 85 đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận