Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Nâng mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều qua 5/3, TS. Tô Văn Hòa - Trưởng khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội cho biết, mức phạt cao nhất Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất là tịch thu phương tiện đã dựa trên những mối quan ngại rõ ràng, được phân tích cụ thể dựa trên tình hình TNGT năm vừa rồi.
Điều khiển xe sau khi uống rượu bia và có nồng độ cồn cao trong máu là một vi phạm rất nặng, không những gây hại trực tiếp đến tính mạng người lái xe, mà còn gây nguy hại cho cả xã hội, bởi thế không chỉ ở VN mà các nước đều quan tâm. “Chế tài đối vi phạm này ở các quốc gia phát triển đều được coi trọng, có quốc gia còn có mức chế tài về mặt hình sự, có thể phạt tù bên cạnh phạt tiền. Vì thế, tôi không lấy làm ngạc nhiên khi Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra mức xử phạt dự kiến cao như vậy”, TS. Hòa nói và cho biết, Hiến pháp sửa đổi năm 2013, việc bảo hộ tài sản cá nhân, của nhà đầu tư, doanh nghiệp rất được đề cao, nhưng điều đó không có nghĩa là loại trừ khả năng pháp luật có những biện pháp chế tài liên quan đến tịch thu tài sản đối với các tài sản vi phạm mà không kể tới giá trị của nó thế nào.
Liên quan đến câu hỏi, để thực thi được điều này cần chế tài gì đi kèm, khi triển khai sẽ gặp khó khăn, thuận lợi gì?, TS. Tô Văn Hòa cho rằng, việc xử lý vi phạm hành chính căn cứ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó quy định các cấp, các cơ quan có thẩm quyền về hành chính có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chế tài, trong đó có biện pháp chế tài tịch thu tang vật vi phạm.
Vì thế, trong hệ thống pháp luật của VN thiết kế theo cách, việc tịch thu do cơ quan thẩm quyền ra quyết định, còn nếu có khiếu nại về hành chính sẽ chiếu theo thủ tục tố tụng hành chính, lúc này tòa án sẽ xem xét tính hợp pháp của quyết định đó. Có thể nói về mặt tịch thu phương tiện dưới dạng tang vật, lúc tịch thu không cần có quyết định của tòa án. Vì tòa án chỉ là đơn vị phân xử việc tịch thu ấy có hợp pháp hay không theo đơn khiếu kiện của người bị xử phạt.
“Có thể nói, bước đầu đề xuất này đã có sự đồng thuận của xã hội, vì thực trạng uống rượu bia khi lái xe gây TNGT là rất nhức nhối. Về thách thức, phải cân nhắc Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định về thẩm quyền, đó là không phải cấp có thẩm quyền nào cũng có quyền tịch thu tang vật có giá trị cao. Có quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật ở cấp thấp hơn như trưởng phòng, CSGT tịch thu phương tiện bằng giá trị của mức phạt tiền, không được tịch thu phương tiện có giá trị cao hơn”, TS. Hòa phân tích.
Về vấn đề phương tiện vi phạm đến mức độ nào sẽ bị tịch thu, TS. Hòa nói: “Để bảo đảm tính nhân văn phải kết hợp nhiều yếu tố. Mức phạt đưa ra không phải để phạt, mục tiêu là qua việc phạt ngăn chặn để người ta không tái vi phạm. Để quy định được chế tài phù hợp cần có công tác tuyên truyền nữa, để họ biết khi vi phạm thì sẽ bị xử lý thế nào, từ đó không vi phạm chứ không tuyên truyền theo kiểu dạy dỗ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận