Đề xuất nhiều mặt hàng được giảm thuế VAT
Tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 20/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2022, Quốc hội đã đề ra giải pháp giảm thuế VAT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất VAT 10% từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.
Năm 2024 tới đây, Chính phủ đề xuất tiếp tục xem xét giảm thuế VAT 2% và xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.
"Việc tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết", Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản... Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Chính phủ cũng đề xuất sau ngày 30/6/2024, giữa 2 kỳ họp Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng giảm thuế VAT nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Về tác động của chính sách này, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 4,175 nghìn tỷ/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Xem xét mở rộng, kéo dài thời gian giảm thuế
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách này để đồng hành cùng Chính phủ trong các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Về giảm thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng, đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách.
Về hiệu lực thi hành, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, trong trường hợp Chính phủ đến thời điểm giữa năm 2024 mới xác định rõ nhu cầu cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT cho nửa cuối năm 2024 thì đề nghị thực hiện theo các quy trình thủ tục ban hành văn bản pháp luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7.
Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị cần cân nhắc áp dụng chung một mức giảm thuế cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ có mối quan hệ với nhau. Theo ông Thanh, việc phân biệt đối tượng giảm thuế VAT làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sự bất bình đẳng trong thị trường.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị làm rõ ý nghĩa việc giảm thuế VAT ảnh hưởng đến người dân như thế nào.
"Giảm thuế VAT người dân cũng có thể bị ảnh hưởng một cách gián tiếp vì nguồn thu ngân sách không đảm bảo thì kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng bị tác động", đại biểu Huân nói và đề nghị áp dụng chính sách này dài hạn hơn thay vì chỉ 6 tháng đầu năm 2024.
Giải trình cuối phiên họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc giảm thuế VAT chỉ là một trong nhiều biện pháp và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cùng với đó sẽ áp dụng các biện pháp kích cầu khác để thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Trước đề nghị của đại biểu về việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT thay vì chỉ 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng cho biết, sẽ báo cáo Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của chính sách này và báo cáo Quốc hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận