Đến lượt ngư dân Thanh Hóa điêu đứng vì tàu vỏ thép |
9 lần ra khơi, 6 lần quay về
Ông Lê Văn Lực (trú tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), là chủ của tàu số hiệu TH.91709.TS, công suất 811 CV do Công ty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương (có địa chỉ tại tỉnh Nam Định) đóng. Ngoài máy chính còn có 2 máy phát điện với tổng công suất 300kW. Sau 4 tháng đi vào hoạt động, tàu bị hư hỏng hệ thống cẩu tời, bục ti-ô dầu nhờn thủy lực, cháy chấn lưu, vỏ tàu hoen gỉ… “Tàu của tôi đi 9 chuyến thì có 6 chuyến phải quay về để làm hệ thống máy phát điện. Hai máy phát điện trên tàu là máy của Trung Quốc, toàn bị hư hỏng, trục trặc, lúc thì cháy cù, lúc chết kim đồng hồ rồi cháy hệ thống dàn điện. Khi xảy ra sự việc, tôi lại báo bên phía công ty để họ cho người vào sửa. Tiền sửa chữa công ty bỏ ra ít nhưng tiền của chúng tôi bỏ ra mới nhiều. Có những lúc mới ra đến nơi đánh cá máy hỏng lại quay về, bù lỗ có thời điểm cao nhất khoảng trên 150 triệu đồng”, ông Lực cho hay.
Tàu cá ra khơi 9 chuyến mà chưa thu về được đồng nào, mỗi quý gia đình tôi phải trả lãi ngân hàng gần 300 triệu đồng. Cả gia đình lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa vì nợ nần, tàu thì chưa thể ra khơi”.Chủ tàu Nguyễn Duy Muộn |
Cũng theo ông Lực, trên tàu của ông dao động có khoảng 9-10 lao động làm việc và mỗi tháng phải chi trả lương cứng là 9.000.000 đồng/người. Nên những lúc xảy ra sự cố hỏng hóc, gia đình ông lại phải “móc hầu bao” chi trả tiền dầu, thức ăn, lương… Bên cạnh đó, theo hợp đồng, tàu được sơn loại sơn của Anh sản xuất, nhưng sau đó phía công ty dùng sơn do... Hải Phòng sản xuất khiến hà nhanh bám, tàu nhanh rỉ sét.
Cùng chung cảnh ngộ trên, ông Lê Văn Còng - chủ tàu TH.91646.TS, ở xã Hoằng Trường có công suất 811CV do Công ty Đại Nguyên Dương đóng mới chạy được 8 chuyến nhưng chuyến nào cũng “dở chứng”. “Tàu tôi thường xuyên hư hỏng phần máy phát điện. Máy cứ nổ là nóng, chạy lâu là hỏng. Khi xưởng mua về xác định là máy Trung Quốc, chúng tôi có đề nghị thay máy khác nhưng phía công ty không thay”, ông Còng cho biết thêm.
Tương tự, tàu cá mang số hiệu TH.93979.TS công suất 829CV của ông Nguyễn Văn Nhung (ở Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), từ khi hạ thủy đến nay đã phải mất 3 lần quay vào bờ sửa chữa hệ thống máy phát điện và hệ thống tời.
Tàu mới, máy “bãi”?
Điêu đứng hơn cả là trường hợp của ông Nguyễn Duy Muộn (chủ tàu vỏ thép Muộn Cương 01, trú tại khu phố Vạn Lợi, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn). Tháng 8/2015, gia đình ông Muộn đóng tàu vỏ thép với tổng số vốn đầu tư hơn 17,7 tỷ đồng, công suất 829 CV (trong đó vốn vay ngân hàng 17 tỷ đồng, còn lại là số vốn từ gia đình) do Công ty CP Đại Dương (địa chỉ xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình) đóng.
Sau một năm, đến tháng 8/2016 chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu TH.93968.TS của gia đình ông Muộn chính thức được bàn giao hạ thủy. Thế nhưng, vừa ra khơi được 1 ngày cũng là lúc chiếc tàu vỏ thép có dấu hiệu trục trặc, chiếc tời thủy lực bị vỡ, phải đánh tàu về xưởng của công ty tại Thái Bình để sửa chữa.
Ra khơi chuyến thứ 2, chạy được 2 ngày, chiếc tàu tiền tỷ lại “dở chứng”, máy phát điện bị hỏng... Kể từ khi hạ thủy ra khơi 9 chuyến đều gặp toàn những sự cố ngoài mong muốn. Hiện nay, chiếc tàu vỏ thép của gia đình ông Muộn vẫn chưa thể ra khơi vì phải cập bến sửa chữa. “Hai máy phát điện công suất 350kW có dán nhãn hiệu bên ngoài do Nhật sản xuất. Thế nhưng có tới 4 lần hư hỏng nặng như nứt lốc, gãy trục. Sau này mới biết đây là máy bãi (máy cũ- PV). Đáng lẽ ra máy phát điện của tôi được bảo hành 1 năm nhưng do sơ suất nên để họ chỉ ghi 6 tháng. Giờ máy hư hỏng thì mình chịu thôi chứ biết làm sao”, ông Muộn nói.
Tàu liên tục hỏng, ngư dân không yên tâm bám biển
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục Phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, 18 tàu cá vỏ thép gặp trục trặc đã được đơn vị sản xuất hỗ trợ để sửa chữa, khắc phục để ra khơi khai thác, chỉ còn lại 4 tàu là đang nằm bờ khắc phục máy phát điện và hệ thống dàn điện. Các tàu này là của ông Nguyễn Duy Muộn ở TP Sầm Sơn; Trần Văn Thượng ở Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia; Lê Văn Còng và Lê Văn Lực ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa.
Xem thêm video:
Liên quan đến thông tin ngư dân cho rằng máy phát điện khi mua về là máy “bãi” dẫn tới hư hỏng, ông Cường cho rằng, để đánh giá được cần phải có một tổ thẩm định về các trang thiết bị máy móc.
“Về mặt quản lý Nhà nước, chúng tôi chỉ khảo sát, đánh giá thực trạng hư hỏng, trục trặc của các tàu ra làm sao. Còn thẩm định máy móc như thế nào thì đơn vị thẩm định căn cứ vào hợp đồng kinh tế giữa chủ tàu và cơ sở đóng sửa tàu thuyền”, ông Cường nói và cho biết, Sở NN&PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra thực tế, tiến hành làm việc với các địa phương và chủ tàu để nắm rõ tình hình hoạt động của các tàu vỏ thép. Sau đó gửi công văn cho các đơn vị đóng tàu, đề nghị phối hợp với chủ tàu để khắc phục sự cố xảy ra các tàu trở lại khai thác sớm nhất.
Ông Lê Văn Lực (trú tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), là chủ của tàu số hiệu TH.91709.TS cho biết, trước đây khi tàu gặp sự cố đều điện thoại thông báo với lãnh đạo Công ty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương nhưng hiện nay không liên lạc được nữa. Giờ chỉ có thể liên hệ qua một kế toán của công ty tên là Ân nhưng có lúc điện được, có lúc thì không. Theo chỉ dẫn của chủ tàu Lê Văn Lực, PV Báo Giao thông đã liên hệ theo số điện thoại 0912284xxx của ông Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương nhưng thuê bao không liên lạc được. Tiếp đến, PV có gọi theo số máy 0963665xxx của vị kế toán do ông Lực cung cấp nhưng vị này không bốc máy. “Điện cho giám đốc thì thấy đổ chuông nhưng không nghe máy. Do cù của máy phát điện đang được công ty bảo hành quấn lại và hứa là chiều nay (10/7 - PV) cho người vào lắp nhưng lúc trưa gọi cho kế toán thì người này lại hứa là sang chiều mai mới vào lắp cù được. Nếu ngày mai không lắp được thì tàu lại phải ở nhà nhiều ngày vì lỡ mất chuyến tàu đi”, ông Lực nói. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận