Ngày cuối năm, chúng tôi được mời dự gặp mặt tổng kết và dùng bữa cơm thân mật tất niên của một đơn vị tại Quảng Ninh.
Giống như các buổi liên hoan, trên bàn tiệc được bày trí nhiều món ăn cổ truyền của ngày Tết như bánh chưng xanh, dưa hành, giò chả...Tất cả đều đẹp mắt và hấp dẫn. Nhưng “đối tượng” được chú ý nhất của buổi tiệc lại chính là hàng chục chai bia, rượu được đặt sẵn trên bàn, thậm chí ở một góc nhà ăn, hàng chục thùng bia, can rượu đã được chất đầy để chờ phục vụ các thực khách.
Ngồi tại bàn tiệc, cô nhân viên phục vụ “bàn giao” cho mỗi người một chén rượu “mắt trâu” cùng với chiếc cốc lớn, bên cạnh là những lon bia, chai rượu đã mở nắp sẵn. Có lẽ, đó là 2 loại nước uống duy nhất buộc chúng tôi phải lựa chọn nếu muốn “tham chiến cuộc nhậu” trong buổi gặp mặt.
Khi những chén rượu đầy, cốc bia tràn bọt trắng đã được rót ra chuẩn bị khai tiệc, anh bạn bên cạnh tôi ghé tai nói nhỏ: “Anh đang đau dạ dày, không uống được rượu bia”. Cùng lúc, người bên kia đối diện cũng thốt lên: “Uống thế này thì làm sao về được. Đi xe ra khỏi cổng là mất ngay mấy triệu rồi. Giờ CSGT phạt nồng độ cồn ghê lắm”.
Như đụng vào nỗi niềm, những người trong bàn tiệc bắt đầu bàn tán chuyện rượu bia. Họ nói với nhau về Luật phòng chống tác hại rượu bia và mức phạt mới của Nghị định 100 về quy định xử phạt người điều khiển phương tiện nếu trong hơi thở có nồng độ cồn. Có những người còn dẫn chứng câu chuyện của chính mình khi cách đây vài hôm bị CSGT xử phạt 2 triệu đồng vì điều khiển xe máy có 0,23 mg/lít khí thở.
“Một ông anh vừa phải bán xe để chữa chạy thuốc thang cho người bị đâm khi anh ta say xỉn gây tai nạn. Sợ thật”, một thực khách ngồi trong bàn tiệc nói.
Khi chúng tôi đang mải “buôn chuyện” nồng độ cồn thì khi tiếng “ly đâu, ly đâu” được người dẫn chương trình hô lớn. Dường như có sự hiểu nhau, chúng tôi gọi cô nhân viên phục vụ đưa cho những chai nước khoáng, nước ngọt để thay thế rượu bia. Và để rộng bàn ăn, chúng tôi cũng yêu cầu thu dọn hàng chục chai bia, rượu đã mở sẵn nắp ra khỏi bàn.
Thật bất ngờ, những bàn tiệc xung quanh cũng lần lượt được cung cấp nước uống giải khát. Có lẽ, họ cũng đã nói với nhau về tác hại rượu bia và “nỗi sợ” xử phạt tiền triệu khi bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn. Lúc này, buổi tiệc mới bắt đầu.
Một vị lãnh đạo đơn vị cầm chén rượu đến bàn tiệc để chúc Tết, 6 người chúng tôi cùng đứng dậy và đưa cốc nước ngọt lên cụng ly. Thấy lạ, vị lãnh đạo hỏi: “Các anh dùng món này à?”. Đáp lời, chúng tôi cười: “Bọn em lái xe anh ạ”. Đồng tình ý kiến, vị lãnh đạo nói lớn: “Đã lái xe thì không uống rượu bia”. Trước khi vị này rời khỏi bàn để sang mâm khác, một thực khách nói vui: “Chúng em tự chạy xe nên không uống, nhưng bác có lái xe riêng thì cứ uống thoải mái và say cũng được ạ”.
Bữa tiệc kết thúc sớm hơn dự định. Ai nấy ra về cũng thấy thoải mái và không bị mệt mỏi. Anh bạn tôi so sánh: “Năm nay ăn uống nhanh gọn, lành mạnh. Không còn thấy chén chú, chén anh nữa cũng đỡ mệt. Nhưng cũng ít vui hơn vì không “zô” nhiều”.
Việc hạn chế uống rượu bia trong mỗi bữa tiệc sẽ làm nhiều người cảm thấy bớt vui nhưng có lẽ đó lại là tín hiệu mừng vì nhận thức về tác hại của bia rượu của mỗi người đã được nâng lên. Chắc chắn họ sẽ tìm thấy sự an toàn trên đường về nhà, tìm thấy niềm vui ở công việc và tìm thấy hạnh phúc bên bạn bè và người thân trong những buổi đi chơi lành mạnh.
“Ngồi bàn tiệc đừng ra vẻ anh hùng, vì rượu đã làm cho lắm người gục ngã”, đó là câu nói của một người bạn trước khi chúng tôi rời buổi tiệc liên hoan tất niên để về với gia đình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận