50% nhà thầu dừng thi công
Dự án xây dựng tuyến đường tỉnh (ĐT) 857 đoạn quốc lộ 30 - ĐT845 được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt với tổng mức đầu tư 2.180 tỷ đồng. Công trình được khởi công tháng 7/2022 và dự kiến hoàn thành trong 18 tháng.
Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 45km. Trong đó, đoạn đi qua huyện Cao Lãnh dài khoảng 14km, Thanh Bình dài khoảng 21km và Tháp Mười dài khoảng 10km.
Ông Huỳnh Khánh Thành, đơn vị tư vấn, giám sát dự án xây dựng tuyến ĐT857 đoạn quốc lộ 30 - ĐT845 cho biết, dự án được chia thành 10 gói thầu xây lắp và được đánh dấu theo số thứ tự từ 13 đến 22.
Hiện tại, trên công trường, chỉ còn các gói 17, 18, 19, 20 và 22 đang thi công. Nhà thầu chủ yếu tập trung vào các phần việc liên quan đến hoàn thiện một số hạng mục của các cây cầu có trong gói thầu.
Các gói thầu khác, nhà thầu đã cho tạm ngưng thi công và riêng hai gói thầu số 13 và 15, nhà thầu cho công nhân dừng thi công từ sau tết Nguyên đán 2024 đến nay vẫn chưa tổ chức làm lại.
"Lý do một số nhà thầu cho công nhân dừng thi công là các phần việc liên quan trên công trường cơ bản thực hiện xong.
Do dự án đang chờ cát nên nhà thầu đã di chuyển máy móc, thiết bị đến thi công nơi khác. Đợi khi cát được phân bổ về công trường, nhà thầu tổ chức cho công nhân thi công lại", ông Thành cho biết thêm.
Ưu tiên bố trí cát thi công phần đường
Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Tháp (chủ đầu tư) cho biết, đến thời điểm này, dự án xây dựng tuyến ĐT857 đoạn quốc lộ 30 - ĐT845 đã triển khai ngoài hiện trường hơn 50% khối lượng công việc.
Số lượng công việc hoàn thành chủ yếu liên quan đến hạng mục cầu khi nhà thầu đã hoàn thành cơ bản 23/27 cây cầu. Dự án còn đang chờ 1,6 triệu m3 cát để nhà thầu triển khai thực hiện các hạng mục liên quan đến phần đường.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là không còn nguồn cát để cung ứng cho công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do các dự án nạo vét đã hết hạn khai thác và nhiều mỏ cát trên địa bàn tỉnh chưa được cấp giấy phép khai thác.
Trong khi đó, nguồn cát san lấp thương mại hiện nay khan hiếm và thậm chí là không có, vì phần lớn các tỉnh khai thác cát chỉ để phục vụ công trình xây dựng của địa phương.
Riêng nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia chủ yếu là cát xây dựng nên không dùng để san lấp mặt bằng và giá bán tại cửa khẩu Thường Phước cũng tương đối cao nên nhà thầu thi công không thể tự chủ động được nguồn cát để thi công công trình.
Ngoài việc khó khăn về nguồn cát san lấp, dự án còn vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các vị trí thi công cầu. Cụ thể, đoạn qua huyện Thanh Bình còn 1 trường hợp và đoạn qua huyện Tháp Mười còn 3 hộ dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa bàn giao mặt bằng.
"Hiện tại, chủ đầu tư đã kiến nghị các đơn vị liên quan đẩy nhanh các thủ tục giải quyết các trường hợp vướng GPMB để nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Đồng thời, chủ đầu tư cũng kiến nghị các đơn vị liên quan ưu tiên bố trí cát san lấp cho dự án để thi công phần đường trong thời gian sớm nhất", Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận