Hiện nay, các đơn hàng trong năm mới đã có, song không ít doanh nghiệp vẫn đang lo không đủ lao động để triển khai.
Xoay xở đủ mọi cách
Cuối năm 2021, tàu chở hàng rời 23.500 tấn - Trường Nguyên Ocean rời cầu tàu tại Nhà máy Đóng tàu Phà Rừng đi khai thác. Đây là tàu do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng thi công và bàn giao cho Công ty Trường Nguyên từ giữa tháng 12/2021.
Đây là một trong những con tàu “khủng” được đóng và hoàn thành trong khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tàu chở hàng rời 23.500 tấn Trường Nguyên Ocean do Công ty Đóng tàu Phà Rừng thi công rời cầu đi khai thác
Ông Vũ Hữu Chiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng cho biết, đầu năm 2021 tàu sửa chữa giảm mạnh, lĩnh vực đóng mới tiếp cận thị trường nước ngoài khó khăn do các đối tác không nhập cảnh được.
Người lao động ở các vùng lân cận nhà máy như Hải Dương, Quảng Ninh không đến làm việc được theo quy định phòng dịch nên thiếu hụt lao động.
Để duy trì việc làm, sản xuất, đơn vị phải tích cực tìm kiếm sản phẩm đóng mới thị trường trong nước như đóng sà lan vận tải 5.000 tấn, các sà lan cho các dự án điện gió, pông tông đặt cẩu trọng tải 10.000 tấn, sà lan đặt cẩu và chở hàng trên boong trọng tải 13.500 tấn, tàu 23.500 tấn chở hàng rời.
Trong số này có tàu chở hàng rời 23.500 tấn - Trường Nguyên Ocean vừa hoàn thành.
“Dù dịch bùng phát nhưng Phà Rừng không lo thiếu việc, duy chỉ có chi phí bị đội lên do phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Với nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, năm 2021 sản lượng và doanh thu của chúng tôi vượt khoảng 3 - 5% so với kế hoạch. Thu nhập người lao động được duy trì ổn định, bình quân khoảng 10 - 11 triệu đồng/tháng”, ông Chiến cho hay.
Tương tự, ở Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm, các chỉ tiêu cũng bất ngờ đạt và vượt kế hoạch. Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, năm 2021, dự kiến giá trị sản lượng vượt khoảng 10% kế hoạch, doanh thu vượt hơn năm 2020.
Lương bình quân người lao động đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng, trong khi bình quân năm 2020 được 9,5 triệu đồng.
“Đầu năm 2021 không ai nghĩ sẽ đạt được kết quả như vậy. Vì 3 tháng đầu năm gần như không có việc. May mà đến tháng 4, khi châu Âu tình hình tốt hơn, các đơn hàng đóng mới từ Hà Lan đưa sang nhiều, cùng đó là các đơn đặt hàng khác từ trong nước. Chúng tôi động viên người lao động tăng ca, làm thêm giờ để hoàn thành đúng tiến độ, bù lại sản lượng, doanh thu bị thiếu của quý 1”, ông Hải thông tin.
Trong khi đó, các đơn vị đóng tàu phía Nam chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng hơn song cũng vẫn duy trì được việc làm, thu nhập cho người lao động.
Ông Trần Tấn Châm, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn cho biết, các chi phí sản xuất 3 tại chỗ, phòng dịch đã khiến chi phí sản xuất tăng gấp 3 lần so với cách thức sản xuất bình thường trước đó.
Tuy nhiên, đơn vị vẫn cố gắng tối đa duy trì, không để dừng sản xuất, giữ chân người lao động.
Đơn hàng về nhiều, lo thiếu lao động
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó TGĐ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy cho biết, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng đến nay, dự kiến doanh thu, sản lượng toàn tổng công ty đạt khoảng 97 - 99% kế hoạch.
Theo ông Đạt, kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị đóng tàu. Bởi lẽ từ năm 2020, giá thép đã tăng khoảng 30%, đến năm 2021 lại tiếp tục tăng khoảng 10% khiến nhiều dự án đóng mới tàu của các chủ đầu tư trong nước dừng lại.
Covid-19 bùng phát mạnh khiến các hoạt động liên quan đến đóng mới, sửa chữa tàu đều bị ảnh hưởng. Bằng nhiều giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, nên về cơ bản, các đơn vị vẫn lo được việc làm cho người lao động. Hơn nữa, mảng sửa chữa năm nay tăng trưởng tốt hơn, bù đắp được phần nào cho mảng đóng mới.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy
“Sang năm 2022, chúng tôi xây dựng các giải pháp để giảm thiểu tác động của dịch, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Khi thị trường có nhu cầu, doanh nghiệp phải đáp ứng được ngay, vì thế vẫn phải nêu cao tinh thần chủ động, ứng phó linh hoạt”, ông Đạt nói.
Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất giữa tâm dịch nhưng theo ông Trần Tấn Châm, doanh nghiệp vừa lo kiếm việc làm, giờ lại còn lo thiếu hụt lao động.
“Chúng tôi đã ký đóng mới 3 tàu nhôm cho Singapore, mục tiêu bàn giao chiếc đầu tiên vào tháng 10/2022. Vì thế, cũng bớt nỗi lo không có công việc gối đầu. Nhưng lo nhất hiện nay là có đơn hàng mà không đủ lao động để thực hiện. Chúng tôi phải thuê thêm các thầu phụ với hơn 100 lao động để tập trung thi công. Nhưng đợt dịch vừa rồi, nhiều lao động về quê chưa trở lại”, ông Châm nói.
Ông Lê Văn Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Huyndai Việt Nam (HVS) cho biết, HVS không lo thiếu việc, đơn hàng công ty đã đủ việc làm cho hết năm 2023.
Trong đó, riêng năm 2022 sẽ thi công khoảng 14 tàu, tuy nhiên điều lo nhất là không đủ lao động triển khai đơn hàng.
Ông Toàn thông tin thêm, theo kế hoạch năm 2021, đơn vị phải thi công, bàn giao 12 tàu, thực tế chỉ bàn giao được 10 tàu, phải chuyển 2 chiếc sang năm 2022 do tiến độ bị chậm do dịch.
Vì vậy, doanh thu ước đạt 297 triệu USD, đạt 82,5% so với kế hoạch. Tuy vậy, thu nhập người lao động vẫn được bình quân khoảng 8,7 triệu đồng/người/tháng.
Vừa qua, HVS đã cam kết năm 2022 tăng lương cơ bản 2,1%, cùng đó là nhiều chế độ khuyến khích khác để giữ chân lao động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận