Xuất khẩu của ngành dệt may được dự báo sẽ tăng gấp đôi khi Việt Nam ký kết TPP và hiệp định Việt Nam - EU |
Trong hội thảo về hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập vừa được tổ chức cách đây mấy ngày ới sự tham dự của đại diện hàng trăm doanh nghiệp, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí đã thực hiện một khảo sát trực tiếp. Ông Hiếu khi đó đã hỏi các lãnh đạo các doanh nghiệp có mặt ở hội trường rằng bao nhiêu doanh nghiệp có mặt ở đây đã chuẩn bị tích cực cho chiến lược kinh doanh để hội nhập? Tại thời điểm đó, chỉ có vài cánh tay giơ lên, theo tính toán của công Hiếu thì chỉ chiếm 2-3%. “Quá ít”, ông Hiếu cảm thán.
Với câu hỏi thứ hai, có bao nhiêu doanh nghiệp chưa chuẩn bị chiến lược để hội nhập? Khoảng 10% số cánh tay trong hội trường giơ lên. Còn với câu hỏi có bao nhiêu doanh nghiệp không quan tâm tới vấn đề hội nhập thì cũng có tới 2 cánh tay giơ lên. Còn lại là những doanh nghiệp chưa có suy nghĩ nào về việc hội nhập. Kết quả khảo sát tại chỗ này khiến ông Hiếu không khỏi suy tư.
“Nhiều người nghĩ rằng hội nhập là vấn đề của chính phủ và của anh Trương Đình Tuyển khi đàm phán. Không phải vậy. Vấn đề hội nhập nó ảnh hưởng tới tất cả chúng ta, tới từng người, ngay cả tôi”, ông Hiếu nói.
Chuyên gia này lấy ví dụ: “Khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, các chuyên viên, cán bộ ngân hàng sẽ vào Việt Nam làm việc thì chính tôi cũng phải cạnh tranh với những người đó. Điều này có nghĩa là không ai trong chúng ta được miễn trừ trong quá trình hội nhập”.
Ông Nguyễn Trí Hiếu khuyên các doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược kinh doanh tổng thể, phải làm dự báo tài chính, chiến lược kinh doanh cho hội nhập, phải tìm nguồn vốn, phải thích ứng… “Doanh nghiệp phải chuẩn bị cho mình tầm nhìn 10-20 năm đi về đâu. Sau đó là định nghĩa mục tiêu chiến lược, thị phần nội địa và thị phần quốc tế là bao nhiêu, trong tương lai thị phần này tăng trưởng bao nhiêu, doanh nghiệp làm gì để tăng chất lượng dịch vụ và gia tăng giá trị cho cổ đông, đóng góp cho cộng đồng xã hội tại địa bàn hoạt động?”, ông Hiếu nêu vấn đề.
“Khi tôi tiếp xúc thì chỉ có một số chỉ có kế hoạch cho 1 năm hay 2 năm”, ông Hiếu nói và cho rằng, ít nhất, doanh nghiệp phải có kế hoạch và dự báo tài chính cho 3-5 năm trên cơ sở lãi suất, thị phần tăng trưởng, vốn đầu tư, khách hàng, dự báo luân chuyển sản phẩm và dòng tiền. Bởi khi hội nhập, Việt Nam có lợi thế là tâm điểm của khu vực nhưng lợi thế này cũng sẽ mang lại cả sự cạnh tranh hết sức gay gắt.
Hay chỉ đơn giản là hiện lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam có rất ít người thông thạo cả kỹ năng nói và viết tiếng Anh. “Khi ra nước ngoài, rủi ro tăng gấp bội, nhất là rủi ro về thanh toán”, ông Hiếu nói nên nếu ngay cả công cụ giao tiếp doanh nghiệp cũng không thành thạo sẽ sẽ vô cùng khó khăn.
Ông Trương Đình Tuyển cho biết thêm, hoàn cảnh hội nhập hiện nay rất khác so với thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Quá trình hội nhập hiện nay của Việt Nam chịu tác động mạnh hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu, trong việc cắt giảm các dòng thuế và quan trọng hơn là tác động lớn tới các ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. “Cơ hội cho doanh nghiệp lớn hơn so với thời điểm gia nhập WTO nhưng doanh nghiệp có tận dụng được hay không?”, ông Tuyển đặt câu hỏi.
Trấn an các doanh nghiệp, Phó viện trưởng viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nói: “Khi hội nhập, các doanh nghiệp cũng đừng quá sợ hãi”. Bởi theo ông Thành, đơn cử như khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì các doanh nghiệp dệt may, da giày, nông – thủy sản được hưởng lợi nhiều nhất xét về xuất khẩu.
Trong đó, riêng xuất khẩu dệt may của Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi và sẽ tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Theo báo cáo tầm nhìn đến 2035 của Việt Nam đã nhấn mạnh tới 4 lĩnh vực Việt Nam có lợi thế và tiềm năng là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin và phát triển kinh tế cụm ngành theo chuỗi sản xuất. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải biết tận dụng những lợi thế này để không chỉ tồn tại mà còn phát triển khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận