Huy động vốn từ 3 mô hình nhà đầu tư
Với vai trò là nhà đầu tư đề xuất dự án đường bộ cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng hằm tạo ra hành lang kinh tế xuyên Á, tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, mới đây (9/1), Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức Hội nghị nhà đầu tư, nhà thầu quan tâm dự án.
"Dù chưa chính thức được chọn là nhà đầu tư dự án nhưng đây là dịp để Đèo Cả được lắng nghe đánh giá, nguyện vọng của các doanh nghiệp giao thông đã đồng hành với Tập đoàn trong nhiều năm qua để có sự chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng tham gia dự án", ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả khẳng định ngay đầu hội nghị.
Tin tưởng về tính khả thi của dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, ông Hoàng cho biết, theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án đã có được khoảng 50% vốn ngân sách Nhà nước tham gia.
Điểm kết thúc của tuyến cao tốc này cũng khôn phải là đường cụt mà là "cánh cửa" giao thương lớn, đáp ứng khả năng biến dòng người thành dòng tiền.
"Cũng cần phải nói thêm, hiện tại, thị trường bất động sản còn rất khó khăn. Đầu tư hạ tầng giao thông sẽ là lối thoát duy nhất tạo động lực cho dòng tiền lưu thông, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng", lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, theo phương án được phê duyệt, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án Hữu Nghị - Chi Lăng khoảng 11.029 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia 5.500 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu khoảng 1.106 tỷ đồng; Vốn huy động khoảng 4.423 tỷ đồng.
"Đảm bảo tính khả thi nếu được lựa chọn với vai trò nhà đầu tư, nguồn vốn chủ sở hữu sẽ được huy động từ Đèo Cả và các nhà đầu tư: Kiên định, bắc cầu, tiềm năng.
Nguồn vốn huy động dự kiến sẽ đến từ vốn tín dụng và vốn hợp tác kinh doanh giữa Đèo Cả và nhà đầu tư kiên định", ông Vĩnh thông tin.
Chia sẻ rõ hơn về các mô hình nhà đầu tư, theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, nhà đầu tư kiên định sẽ tham gia ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án; Trực tiếp tham gia đầu tư vào dự án và được hưởng các quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định; Được ưu tiên lựa chọn phạm vi thi công, đăng ký khối lượng thi công phù hợp với phạm vị tham gia và năng lực công ty.
Nhà đầu tư bắc cầu tham gia từ giai đoạn thực hiện dự án; Đầu tư vào dự án thông qua nhà đầu tư Đèo Cả (ủy thác đầu tư thông qua hợp đồng BCC) và được hưởng các quyền lợi theo thỏa thuận hợp đồng; Được nhận khối lượng tương ứng với tỷ lệ tham gia đầu tư vào dự án (không quá 1.000 tỷ đồng).
Nhà đầu tư tiềm năng tham gia từ giai đoạn thực hiện dự án; được xem xét tham gia đầu tư vào các dự án trong tương lai và được giao khối lượng thi công phù hợp với năng lực (không quá 500 tỷ đồng).
Chia đều trách nhiệm trong thực hiện dự án
Nhiều năm gắn bó với Tập đoàn Đèo Cả, ông Dương Ngọc Quang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội nhớ lại thời điểm Đèo Cả nghiên cứu triển khai 4 hầm đường bộ xuyên núi: Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2.
"Tổng mức đầu tư của 4 tuyến hầm khi ấy khoảng 21.000 tỷ đồng nhưng "nâng lên đặt xuống" mãi, các bên tham gia đầu tư mới dồn được khoảng 2.000 tỷ đồng.
Luật PPP thời điểm đó cũng chưa có. Cái khó ló cái khôn, Đèo Cả đã sáng tạo ra hình thức huy động vốn 3P với P1 là ngân sách Nhà nước, P2 là vốn chủ sở hữu và P3 là vốn vay ngân hàng.
Dự án cuối cùng được thực hiện thành công. Phải khẳng định mô hình 3P thời điểm đó đã phát huy hiệu quả, song cũng có một số tồn tại như: lợi ích và trách nhiệm giữa các bên còn rời rạc, không được kết nối một cách máu thịt; Các bên chỉ trông đợi vào Đèo Cả (vừa là nhà đầu tư, vừa là nhà thầu thi công), dự án thi công, khai thác hiệu quả thì có lãi và ngược lại, phải chấp nhận thua thiệt", ông Quang nói.
Từ mô hình sơ khai đó, lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Hà Nội đánh giá, mô hình 3P Tập đoàn Đèo Cả đưa ra tại dự án Hữu Nghị - Chi Lăng đã có sự tiến hóa.
"Ở mô hình này, Đèo Cả đã chia nhỏ Đèo Cả ra, kêu gọi các nhà thầu đồng hành với nhau một cách minh bạch.
Trong đó, cả 3 loại hình nhà đầu tư dù đi từ đầu hay tham gia trong quá trình triển khai dự án đều phải đầu tư vốn và tham gia tổ chức thi công. Nói một cách khác, mô hình này là sự chia đều trách nhiệm và lợi ích", ông Quang chia sẻ.
Khẳng định Công ty CP Xây dựng công trình 568 sẵn sàng tham gia dự án với vai trò nhà đầu tư kiên định, ông Nguyễn Bá Khương, Chủ tịch HĐQT Công ty này cho biết, hiện đơn vị đã chuẩn bị thiết bị, nguồn vốn để nhập cuộc với cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, đảm bảo đáp ứng, thậm chí là vượt tiến độ được giao nếu liên danh nhà đầu tư do Đèo Cả đứng đầu được lựa chọn là nhà đầu tư dự án.
Với nguồn lực, trang thiết bị, mỏ vật liệu sẵn có và đồng hành cùng Đèo Cả với vai trò nhà đầu tư tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, ông Phí Ngọc Anh, Phó TGĐ Công ty CP Lizen bày tỏ mong muốn tiếp tục đồng hành, tham gia đầu tư dự án Hữu Nghị - Chi Lăng tối thiểu 15% và đảm nhận thi công một đoạn tuyến giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.
Đánh giá cao về tiềm năng của tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, đại diện ngân hàng Tienphong Bank cũng khẳng định sẵn sàng cùng Đèo Cả và các nhà đầu tư thực hiện dự án, đảm bảo nguồn vốn cho dự án được giải ngân nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư thế nào?
Theo phương án được phê duyệt, phạm vi dự án Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ có tổng chiều dài gần 60km.
Trong đó, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài hơn 43km.
Điểm đầu tại Km1+800 (lý trình QL1) kết nối với đường vào cửa khẩu Hữu Nghị, thuộc địa phận thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Điểm cuối tại Km44+749,67 (lý trình tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn) thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.
Giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m.
Phạm vi dự án cũng sẽ đầu tư tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam với chiều dài hơn 16km, gồm 2 đoạn.
Cụ thể, đoạn tuyến số 1 có chiều dài hơn 14,5km. Điểm đầu Km0+000 giao với tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (lý trình khoảng Km7+700). Điểm cuối Km14+353 tại nút giao giữa QL.4A và đường vào cửa khẩu Tân Thanh; chiều dài khoảng 14,56km.
Đoạn tuyến số 2 có chiều dài gần 2km. Điểm đầu Km0+000 (tại nút giao IC.07 Km7+500 giữa tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam với đường đi vào khu cửa khẩu Cốc Nam). Điểm cuối Km1+875 tại nút giao giữa QL.4A và đường đi vào khu cửa khẩu Cốc Nam.
Giai đoạn phân kỳ, tuyến kết nối được đầu tư quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 14,5m. Giai đoạn hoàn chỉnh, quy mô tuyến nối được nâng lên 4 làn xe, bề rộng nền đường 22m.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận