Thị trường luôn trong trạng thái căng thẳng
Sự bất định từ những lời đe dọa áp thuế và các chính sách thương mại thay đổi liên tục của Tổng thống Donald Trump bắt đầu tạo ra hiệu ứng tiêu cực trên nhiều ngành công nghiệp, khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu từ cơ bản đến du lịch.

Hôm thứ ba, ông Trump tuyên bố sẽ tăng gấp đôi mức thuế dự kiến áp lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu từ Canada lên 50%.
Những động thái thuế quan không nhất quán của tổng thống đối với các đối tác thương mại lớn đã khiến thị trường luôn trong trạng thái căng thẳng, đồng thời thúc đẩy các công ty cảnh báo rằng họ có thể phải tăng giá, điều có thể làm gia tăng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế. Nhà Trắng đã tung thêm một "phát súng" khác vào thứ ba, khi ông Trump tuyên bố sẽ tăng gấp đôi mức thuế dự kiến áp lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu từ Canada lên 50%.
Mặc dù ông Trump từng nói rằng các chính sách có thể gây ra "nỗi đau ngắn hạn", nhưng những lo ngại của nhà đầu tư về hậu quả kinh tế của chúng đã tăng mạnh trong 2 ngày qua. Những lo lắng đó đã dẫn đến một đợt bán tháo trên thị trường, xóa sạch gần 5 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường từ đỉnh cao của chỉ số S&P 500 hồi tháng trước, khi Phố Wall còn đang hoan nghênh phần lớn chương trình nghị sự của ông Trump.
"Một thị trường đang đi lên đã bị Nhà Trắng phá vỡ. Sự biến động này một phần là do thị trường không chắc chắn về mục tiêu của chính quyền… tại sao chúng ta lại nhắm vào Canada, chính xác là vì điều gì?", Patrick Kaser, Giám đốc đầu tư tại Brandywine Global bộc bạch.
Ngay cả khi thị trường chao đảo, phần lớn các giám đốc điều hành (CEO) vẫn kiềm chế không công khai chỉ trích chính sách thương mại của ông Trump, thay vào đó họ viện dẫn "sự không chắc chắn" là nguyên nhân khiến niềm tin suy giảm. Một số cố vấn kinh tế của Trump đã thay phiên nhau hạ thấp mối quan tâm của thị trường và nhấn mạnh đến nhu cầu định hướng lại nền kinh tế theo hướng sản xuất trong nước, ngay cả khi điều này gây ra thiệt hại trong ngắn hạn.
"Chính quyền nói rằng đây chỉ là một biến động nhỏ hay đại loại thế. Có thể họ sẵn sàng lao tới và cố gắng chứng minh rằng thị trường đã sai. Nhưng điều đó mang lại nhiều rủi ro… đó là phán đoán của một nhóm nhỏ chống lại phán đoán của hàng triệu người", Byron Callan, Giám đốc điều hành tại Capital Alpha Partners cho biết.
Phát biểu sau khi thị trường đóng cửa vào thứ hai, CEO của Delta Air Lines, Ed Bastian, cảnh báo những lo ngại kinh tế giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp đang làm tổn hại đến du lịch nội địa, dù không trực tiếp đề cập đến thuế quan. Ông lưu ý một số lĩnh vực đang cho thấy sự suy yếu, bao gồm ô tô, công nghệ, truyền thông, hàng không vũ trụ cũng như quốc phòng.
Một số hãng hàng không khác cũng cảnh báo về sự suy giảm trong chi tiêu tại Mỹ vào thứ ba, khiến cổ phiếu của các công ty này, cùng với các nhà điều hành du thuyền và gã khổng lồ giải trí Walt Disney Co, giảm xuống. Cổ phiếu của Apple, công ty giá trị nhất thế giới, đã chạm mức thấp nhất trong 5 tháng.
Ông Trump đã có cuộc gặp khoảng 100 CEO vào cuối ngày thứ ba, bao gồm các lãnh đạo của JPMorgan Chase, Walmart và General Motors tại một cuộc họp thường kỳ của Business Roundtable ở Washington. Vị tổng thống Đảng Cộng hòa này trước đó đã gặp các giám đốc điều hành công ty công nghệ tại Nhà Trắng vào thứ hai.
Thuế quan mới nhất của ông Trump
Vòng thuế quan mới nhất của ông Trump - mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu - có hiệu lực từ hôm nay (12/3). Chúng sẽ áp dụng cho hàng triệu tấn thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và các quốc gia khác vốn trước đây được nhập vào Mỹ miễn thuế theo các ngoại lệ trước đó.

CEO của Delta Air Line, Ed Bastian cảnh báo bất ổn kinh tế ảnh hưởng đến tiêu dùng và du lịch.
Ông Trump cam kết các mức thuế này sẽ được áp dụng "không có ngoại lệ hay miễn trừ" để hỗ trợ các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn của Mỹ. Ông nói rằng động thái mới nhất nhằm vào Canada là do tỉnh Ontario đã áp mức phụ phí 25% lên điện xuất khẩu sang Mỹ. Ontario đã tạm dừng kế hoạch đó vào chiều thứ ba.
Trong một bài đăng trên Truth Social, ông Trump cũng đe dọa sẽ "tăng đáng kể" thuế quan đối với ô tô nhập vào Mỹ từ ngày 2/4 "nếu các mức thuế lâu đời, quá đáng khác không được Canada dỡ bỏ tương tự".
Trước các biện pháp này, một loạt khảo sát gần đây về doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ cho thấy tâm lý đang xấu đi, điều này nếu kéo dài có thể cản trở đầu tư và chi tiêu hộ gia đình.
Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia - một nhóm vận động hành lang tại Washington có các thành viên ủng hộ mạnh mẽ ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2024 - báo cáo rằng tâm lý doanh nghiệp nhỏ đã suy yếu trong tháng thứ ba liên tiếp, xóa tan sự lạc quan từ chiến thắng bầu cử của tỷ phú này.
"Chỉ riêng rủi ro từ những thay đổi chính sách nghiêm trọng được phản ánh qua sự bất định này đã đủ để tác động đến kinh tế, ngay cả khi chưa có bất kỳ thay đổi chính sách thực tế nào," Rogier Quaedvlieg, chuyên gia kinh tế cấp cao về Mỹ của ABN Amro nói.
Các doanh nghiệp Mỹ nói chung đã chào đón chiến thắng trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái của ông Trump với sự lạc quan, được thúc đẩy bởi những cam kết về giảm quy định và cắt giảm thuế. Tuy nhiên, họ đã dành thời gian đầu năm 2025 để nói về thuế quan, khi hơn 900 công ty trong số 1.500 công ty lớn nhất đã thảo luận về chủ đề này kể từ ngày 1/1 theo dữ liệu của LSEG.
Đồng thời, các thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội vẫn chưa thống nhất được kế hoạch cho phép họ cắt giảm thuế và thay vào đó đang tập trung trong tuần này để tránh việc chính phủ phải đóng cửa khi nguồn tài trợ hết hạn vào nửa đêm thứ sáu.
CEO của Henkel (Đức), Carsten Knobel cho biết, ông nhận thấy "sự miễn cưỡng" tại Mỹ ở cả phân khúc tiêu dùng và công nghiệp, viện dẫn các chính sách của Nhà Trắng.
"Trò chơi cuối cùng là gì? Điều gì đang thực sự được cố gắng đạt được với những thuế quan này? Nó chưa được giải thích cho chúng tôi. Làm sao bạn có thể lập mô hình dự đoán khi bạn không biết mục tiêu là gì?", Robert Pavlik, Giám đốc đầu tư cấp cao tại Dakota Wealth than thở.
(Nguồn Reuters)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận