Tăng trưởng 2 con số
Kết thúc quý IV/2023, Tổng công ty Vận tải dầu khí (PV Trans) tiếp tục báo lãi với doanh thu ghi nhận đạt mức hơn 975 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế năm 2023, doanh thu ghi nhận đạt hơn 3.249 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2023 của PV Trans đạt hơn 735,6 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2022. Kết quả có được ngoài việc do gia tăng lợi nhuận tài chính, công ty còn gia tăng hiệu quả khai thác đội tàu.
Công ty CP Vận tải xăng dầu Vitaco cũng có một năm kinh doanh với kết quả khả quan. Tuy không đạt mục tiêu về kế hoạch doanh thu, song doanh nghiệp vẫn có kết quả kinh doanh tích cực.
Lũy kế cả năm 2023, Vitaco ghi nhận doanh thu giảm 9% so với năm 2022, đạt 1.076 tỷ đồng. Dù vậy, lãi sau thuế vẫn tăng nhẹ 3,7% , đạt trên 76 tỷ đồng và vượt 8% so với kế hoạch.
Tương tự, Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương cũng có một năm có lãi khi doanh thu cả năm 2023 đạt trên 1.661 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022, là mức doanh thu cao nhất từ trước tới nay của doanh nghiệp.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập của doanh nghiệp trong quý IV/2023 đạt 26,9 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả năm, PV Trans Pacific thu về lợi nhuận sau thuế hơn 183 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2022.
Lý giải của doanh nghiệp, lợi nhuận của Quý IV/2023 tăng so với cùng kỳ do đội tàu của Pacific tiếp tục khai thác trên thị trường quốc tế với giá cước tốt. Công ty cũng tăng doanh thu hoạt động tài chính.
Cũng được hưởng lợi từ thị trường tàu dầu là Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco). Năm qua, thị trường tàu container suy giảm, song Vosco vẫn có tàu dầu "gánh vác".
Báo cáo tài chính tổng hợp Quý IV/2023 cho thấy, doanh thu trong quý đạt 1.062 tỷ đồng, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của công ty trong quý đạt 103.8 tỷ đồng, cao gấp 5,9 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế năm 2023, Vosco đạt hơn 3.159 tỷ đồng doanh thu tài chính tổng hợp, tăng 31% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm hơn 68% so với năm 2022, cán mốc 151,3 tỷ đồng.
Đại diện Vosco cho biết thời gian qua, công ty thường xuyên theo dõi thị trường, đánh giá và tận dụng sự tăng trưởng của thị trường tàu dầu sản phẩm để ký được hợp đồng với mức cước tương đối cao cho các tàu dầu.
Với đặc thù quay vòng nhanh nên doanh thu của tàu dầu thường khá lớn. Ba tàu dầu hoạt động hiệu quả, đã góp phần cải thiện kết quả kinh doanh chung của doanh nghiệp.
Nhiều tín hiệu tích cực ngay những ngày đầu năm mới
Năm qua, thị trường liên tục biến động do ảnh hưởng bởi các chính sách vĩ mô, niềm tin người tiêu dùng, chiến tranh Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn và xung đột địa chính trị đã tác động đến thị trường dẫn đến giá dầu thô biến động liên tục.
Tuy nhiên theo các doanh nghiệp, thời điểm cuối năm 2023, giá cước của vận tải tàu dầu có dấu hiệu chững lại nhưng đến đầu năm 2024, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ đang khiến giá cước vận tải và thuê tàu dầu đều đang nhích dần.
Dữ liệu từ Clarksons Securities, giá cước vận chuyển tàu dầu sản phẩm đã tăng vọt sau sự kiện tại Biển Đỏ.
Một tàu chở dầu cỡ lớn LR2 thường có khả năng chở khoảng 75.000 tấn dầu thô, có mức cước tăng 33% so với một tuần trước đó, lên 74.200 USD/ngày. Các tàu chở dầu tầm trung (MR) thường có thể chở từ 30.000-40.000 tấn xăng hoặc dầu khí, có mức cước tăng 34% lên 42.500 USD/ngày.
Ông Hoàng Đức Chính, Giám đốc PV Trans Pacific thông tin, hiện nay có khoảng 20% lượng hàng hóa dầu khí đi qua khu vực Biển Đỏ và kênh đào Suez.
Với những diễn biến căng thẳng của tình hình địa chính trị, các hãng tàu lớn đã chuyển sang đi vòng qua mũi Hảo Vọng tại Nam Phi.
Theo phân tích của công ty phân tích hàng hóa Kpler, việc nhiều tàu chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng tại Nam Phi có thể khiến hành trình của tàu kéo dài thêm khoảng 20-45 ngày cho hành trình có thể làm tăng tỷ lệ vận chuyển của tàu chở dầu và khiến việc vận chuyển hàng hóa bị chậm trễ. Tổng thời gian quay vòng của tàu dầu cũng bị kéo dài, có thể lên tới 90 ngày.
Giá cước vận tải tàu dầu đã tăng và giá tàu cũng tăng khoảng 20% so với trước đó. Trong đó, giá cước các kích cỡ tàu lớn như Aframax tăng khoảng 20%, tàu VLCC tăng khoảng 15% và tàu MR khoảng 10%. Đối với việc thuê tàu, mức giá hiện khoảng 80.000 - 85.000 USD/ngày với tàu VLCC.
Việc tăng giá cước cũng khiến giá tàu tăng dần. Theo ông Chính, một con tàu năm trước có trị giá khoảng 24 triệu USD thì hiện nay đã tăng lên 25 triệu USD.
"Giá cước tăng giúp doanh nghiệp có lợi thế trong kinh doanh, nhưng cũng gặp khó khăn trong việc đầu tư", lãnh đạo PV Trans Pacific chia sẻ và cho biết thêm tới nay, thị trường tàu dầu vẫn trong bối cảnh cầu lớn hơn cung.
Năm 2024, các chuyên gia dự báo thị trường tàu dầu vẫn tiếp tục có diễn biến khả quan. Cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn tác động, làm thiếu nguồn cung tàu dầu. Phải tới năm 2026, khi nhiều tàu đóng mới được tung ra thị trường, thị trường tàu dầu mới có thể thay đổi.
Trước những diễn biến tích cực của thị trường vận tải tàu dầu, nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam cũng đã và và đang có xu hướng tiếp tục đầu tư thêm tàu mới.
Cuối năm 2023, PV Trans tiếp nhận thêm 3 tàu mới gồm 1 tàu chở hàng rời loại Supramax và 2 tàu chở dầu sản phẩm kích cỡ trung bình MR, nâng đội tàu của doanh nghiệp lên 51 tàu với đa dạng chủng loại từ tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu dầu hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời.
Mới đây, Vosco vừa nhận bàn giao tàu dầu/hóa chất có trọng tải 13.068 DWT đóng năm 2007 tại Hàn Quốc. Tàu có phạm vi hoạt động không hạn chế, được Vosco thuê lại để quản lý và khai thác theo hình thức thuê tàu trần dài hạn.
Trong kế hoạch đến năm 2025, PV Trans Pacific cũng dự kiến đầu tư thêm nhiều tàu ở các kích cỡ MR, Aframax, VLGC, VLCC.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận