56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” được các họa sĩ tái hiện chân thực, sống động và đầy cảm xúc trên 3.225m2 tường trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).
Được nhận định là một trong những tác phẩm hội họa lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh, tác phẩm Trận chiến Điện Biên Phủ được chia làm bốn trường đoạn: Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hùng tráng, Cuộc đối đầu lịch sử, Chiến thắng tạo nên một pho sử thi hoành tráng, sống động bằng tranh về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu theo một vòng tròn trong không gian 360 độ (tranh panorama), cao 20,5m, dài 132m, đường kính 42m, kết hợp nghệ thuật phù điêu và sắp đặt hiện vật.
Hơn 4.500 nhân vật và khung cảnh núi rừng Tây Bắc được tái hiện một cách chân thực và sống động qua bút pháp tài hoa của gần 100 họa sĩ.
Trong đó, chủ đạo là nhóm 8 họa sĩ của Công ty TNHH MTV Bảo tồn di sản văn hóa (Hà Nội) thực hiện, giám đốc công ty là ông Nguyễn Văn Mạc phụ trách chung.
Các giai đoạn của chiến dịch được thể hiện liên hoàn, đan xen, tạo cho người xem góc nhìn đầy sinh động.
"Kể từ khi bắt đầu vẽ cho tới khi hoàn thiện bức tranh mất khoảng 9 năm, số lượng họa sĩ lên tới gần 100 người.
Trong quá trình vẽ thì có rất nhiều khó khăn vì đây là một bức tranh khổ lớn mà ở Việt Nam chưa từng có.
Ngoài ra, để tái hiện một bức tranh lịch sử đầy cảm xúc như vậy, các họa sĩ cần thu thập rất nhiều tài liệu và nhân chứng để có thể thẩm thấu sự khốc liệt của chiến tranh và tái hiện một cách đầy chân thực”, họa sĩ Nguyễn Văn Mạc - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo tồn di sản văn hóa chia sẻ.
“Kiến trúc khu nhà này tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được xây dựng để vẽ tranh sau khi cử đại diện tham quan và khảo sát tại Nga thì bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ được lấy cảm hứng từ một bức tranh panorama khác cũng về đề tài chiến tranh tại Moscow (Liên bang Nga)”, họa sĩ Nguyễn Văn Mạc chia sẻ thêm.
Panorama là thể loại tranh toàn cảnh, thường sử dụng để vẽ phong cảnh hoặc tái hiện các trận đánh lớn trong lịch sử chiến tranh.
Theo họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, tính tới thời điểm hiện tại, đây là 1 trong 3 bức tranh lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh, và là bức tranh rộng nhất thế giới cùng đề tài.
Hiện trên thế giới còn 2 bức panorama nổi tiếng của F.Roubaud là “Trận chiến Borodino” được trưng bày tại Bảo tàng tranh panorama về trận đánh Borodino ở Moscow (Liên bang Nga). Bức “Sevastopol panorama” trưng bày tại Bảo tàng tranh panorama ở Sevastopol (Ukraine). Riêng ở Việt Nam, đây là bức tranh panorama đầu tiên tái hiện lịch sử chiến trường.
Bức tranh không chỉ giúp người xem cảm thụ nghệ thuật đơn thuần mà còn giúp người xem hiểu thêm những hy sinh gian khổ của người lính trên trận chiến Điện Biên Phủ 70 năm về trước. Đồng thời cũng sẽ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết: "Bức tranh được khai thác và đưa vào hoạt động du lịch từ năm 2022.
Trong năm 2022, bảo tàng đã thu hút 220.700 lượt khách, năm 2023 đón 155.686 lượt khách. Và chỉ riêng trong quý I/2024 đã có tới hơn 40.000 lượt khách tham quan bảo tảng".
Theo bà Nga, đây là một công trình có giá trị lưu giữ lịch sử và là điểm đến hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho du lịch lịch sử Điện Biên đặc biệt trong những tháng sắp diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Một số hình ảnh khác do PV Báo Giao thông ghi nhận:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận