Đường bộ

Đồng bào các dân tộc sắp hưởng lợi nhờ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ

23/12/2022, 11:56

Cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ đang được rốt ráo đầu tư, tạo động lực phát triển cho các đồng bào dân tộc trên địa bàn 2 tỉnh có dự án đi qua.

Nghiên cứu đầu tư quy mô cao tốc hoàn chỉnh

Theo nguồn tin của PV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) vừa có văn bản báo cáo phương án điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

img

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang được nghiên cứu đầu tư quy mô hoàn chỉnh - Ảnh minh họa.

Bộ KH-ĐT cho biết, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ ngày 3/9/2022, Thủ tướng Chính phủ dã chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng đầu tư hoàn chỉnh quy mô cao tốc 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h; Giao UBND các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang làm chủ quản đầu tư đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh.

Dự án đang trong quá trình thực hiện và UBND tỉnh Tuyên Quang là cơ quan chủ trì quản lý dự án nên cần thiết phải thực hiện một số công tác liên quan đến tạm dừng thực hiện dự án trên hiện trường, tiến hành các thủ tục liên quan với 10 bước thực hiện. Tổng thời gian dự án cần dừng thi công khoảng 19 tháng.

Trong đó, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư (từ thời điểm xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho phần điều chỉnh mở rộng quy mô dự án) dự kiến khoảng 7 tháng.

Thời gian phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần và tổ chức lựa chọn nhà thầu dự kiến khoảng 12 tháng.

Về nguồn vốn bố trí cho dự án, căn cứ theo suất vốn đầu tư xây dựng ban hành tại quyết định 610 ngày 13/7/2022 của Bộ Xây dựng, tổng mức đầu tư cao tốc hoàn chỉnh 4 làn xe, dài 40,2 km ước tính khoảng 7.800 tỷ đồng, tăng thêm 4.087 tỷ đồng.

Hiện, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách TƯ giai đoạn 2021 - 2025 (bao gồm phần vốn còn lại chưa được phân bổ) đã được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng đã giao cho các Bộ, ngành, địa phương. Do đó chưa xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn với phần vốn tăng thêm của dự án.

Trên cơ sở phân tích, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo thông báo cho UBND tỉnh Tuyên Quang chủ trương tạm dừng thực hiện dự án và giao UBND tỉnh Tuyên Quang chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ GTVT tổ chức triển khai thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc tối đa 100 km/h; Giao các tỉnh làm cơ quan chủ quản đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh theo quy trình, thủ tục quy định.

Đồng thời, giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách TƯ cho phần điều chỉnh mở rộng quy mô dự án.

img

Những năm qua, hạ tầng giao thông kết nối lên các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ nói riêng vẫn còn hạn chế, chưa thực sự thuận lợi cho quá trình giao thương - Ảnh minh họa.

Có cao tốc, tiềm năng được kích hoạt tối đa

Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức nhận định, hệ thống giao thông của các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ nói riêng còn nhiều khó khăn, chưa có đường hàng không, việc kết nối giao thông trong khu vực chủ yếu bằng đường bộ.

Trong khi đó, hệ thống đường giao thông đường bộ những năm qua dù đã được chú trọng nâng cấp, cải tạo, song chủ yếu vẫn là đường giao thông cấp thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải, đi lại, giao lưu hàng hóa phát triển kinh tế.

Hạn chế này khiến tiềm năng du lịch, tốc độ giao thương các loại hàng hóa đặc sản vùng miền chưa được kích hoạt tối đa, chất lượng đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn chưa có sự đột phá.

“Tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ được đầu tư sẽ tăng tính kết nối giữa các khu công nghiệp quan trọng của các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với khu công nghệ cao Hà Nội.

Khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ đóng vai trò sẽ giảm tải cho QL2, tạo liên kết nhanh về giao thông của khu vực gồm các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ với Hà Nội, góp phần thúc đẩy KT-XH, an ninh quốc phòng các tỉnh miền núi phía Bắc. Đồng bào các dân tộc sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi hạ tầng giao thông sẽ thu hút đầu tư mạnh mẽ, tăng tính tối ưu của hoạt động vận tải, đánh thức tiềm năng các khu nghỉ dưỡng, du lịch vốn đang gặp nhiều rào cản về hạ tầng giao thông”, ông Đức nói.

Theo Quyết định số 1768 ngày 6/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng BOT, dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài 40,2 km. Trong đó, đoạn đường đi qua trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang dài 11,63 km, đi qua địa bàn tỉnh Phú Thọ 28,57 km.

Dự án sẽ được đầu tư với quy mô bề rộng nền đường 17m, bề rộng mặt đường 14m (4 làn xe cơ giới), vận tốc thiết kế 80km/h.

Theo phương án này, tổng mức đầu tư dự án là hơn 3.271 tỷ đồng. UBND tỉnh Tuyên Quang được giao là cơ quan có thẩm quyền thực hiện toàn bộ dự án.

Sau đó, dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2275 ngày 31/12/2020 và Quyết định số 426 ngày 06/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, điều chỉnh từ hình thức BOT sang đầu tư công, chia dự án thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 thực hiện năm 2020-2023 sẽ GPMB quy mô hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 17m. Bề rộng mặt đường 11m với 4 làn xe.

Giai đoạn 2, dự án sẽ được đầu tư với bề rộng mặt đường sẽ được đầu tư 14m (4 làn xe cơ giới), thực hiện sau năm 2025.

Theo báo mới nhất, đến nay, có 29/30 gói thầu đã lựa chọn được nhà thầu. Trong đó có 8 gói thầu xây lắp (1 gói thầu xây lắp cầu trên tuyến đạt hơn 42%, 4 gói thầu xây lắp phần đường đạt khoảng 50%, 3 gói thầu khác, gồm: xây dựng nút giao IC9 đã hoàn thành, gói thầu điện chiếu sáng, gói thầu hệ thống ATGT).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.