Giữa thời khắc lịch sử, nhìn giặc giương cờ trắng xin hàng, họ vừa mừng vui reo hò, vừa khóc thương cho những đồng đội đã ngã xuống ít giờ trước đó.
Mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", các cựu chiến binh từng vào sinh ra tử lại hội ngộ, bồi hồi xúc động ôn lại chuyện một thời hoa lửa.
Một chiều cuối tháng 4/2024, ông Đỗ Văn Cương, Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường, kiêm Bí thư chi bộ, Trưởng khu 2, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cùng nhiều hội viên khác tới thăm cụ Lê Danh Thanh (SN 1930). Ở tuổi 95, cụ Thanh vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn, nhớ từng câu chuyện chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước.
Cụ Thanh nguyên là Tiểu đội trưởng Tiểu đội bộc phá, Đại đội 87, Tiểu đoàn 400, Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 - một trong những mũi tiến công chủ lực vào cứ điểm Điện Biên Phủ.
Là con lớn trong gia đình có 6 anh em ở xã Thanh Thành, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, năm 1946, mới 16 tuổi, Lê Danh Thanh xung phong đi bộ đội để giết giặc. Sau thời gian ngắn huấn luyện, chàng trai trẻ được điều lên tham gia các trận công đồn, phục kích đánh địch ở tỉnh Lạng Sơn và ở các tỉnh vùng Đông Bắc.
Cuối năm 1951, đơn vị được điều về tham gia chiến dịch Hòa Bình, tại đây, Lê Danh Thanh được bổ nhiệm làm Tiểu đội phó, còn Tiểu đội trưởng là Anh hùng Cù Chính Lan.
"Anh Cù Chính Lan là người chỉ huy mưu trí, gan dạ và thương bộ đội hết mực. Cuối tháng 12/1951, đơn vị tham gia trận đánh tiêu diệt đồn Cô Tô. Dù bị thương rất nặng, nhưng anh Cù Chính Lan vẫn không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy tiểu đội liên tiếp phá 5 hàng rào dây thép gai vào lô cốt địch.
Khi đồn chính đã bị quân ta tiêu diệt thì cũng là lúc anh trút hơi thở cuối cùng. Sau khi anh Lan hy sinh, tôi được bổ nhiệm làm tiểu đội trưởng thay anh ấy", cụ Thanh rưng rưng nhớ lại.
Đến năm 1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, đơn vị của Lê Danh Thanh được điều lên tham gia đánh chiến đồi Him Lam - trận đánh mở màn cho chiến dịch, diễn ra ngày 13/3.
Cụ Thanh kể, Him Lam là một trong những cứ điểm kiên cố nhất của quân đội Pháp, là lá chắn bảo vệ vòng ngoài phân khu trung tâm, án ngữ con đường 41 từ Tuần Giáo (Lai Châu) vào Điện Biên Phủ.
Him Lam có vị trí quan trọng, lại có địa hình thuận lợi nên Pháp đã bố trí xây dựng thành 3 cứ điểm nằm trên 3 mỏm đồi, hình thành thế chân kiềng vững chắc, tạo thành điểm tựa vòng tròn, có khả năng chống đỡ cả 4 hướng khi bị quân ta tiến công.
Chiều tối 13/3/1954, trận pháo kích của quân ta bất ngờ tấn công dữ dội vào cứ điểm Him Lam. Trong trận đánh này, tiểu đội do Lê Danh Thanh chỉ huy có nhiệm vụ gài bộc phá để chiến sỹ ta xung phong xuyên qua lớp hàng rào dây thép gai, các bãi mìn...
Chỉ trong một thời gian ngắn chiến đấu, lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" đã được cắn lên hầm chỉ huy của địch. Đây cũng lá cờ đầu tiên của quân đội ta cắm trên cứ điểm phòng ngự của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ.
"Những ngày sau đó, trận chiếc diễn ra ác liệt từng giây, từng phút. Bộ đội ta đánh lấn được một mét, địch phản kích lại nửa mét. Thương vong của đôi bên nhiều vô kể. Có những đồng đội của tôi phút trước còn nói vui "con gái Điện Biên rất đẹp, sau này hòa bình sẽ cưới một cô"; có những đồng đội hôm trước còn khoe vợ đã có bầu trước khi mình vào chiến dịch… Vậy mà chỉ một thời khắc thôi, nhiều anh em đã hy sinh…", cụ Thanh nghẹn giọng.
Chiều 7/5/1954, khi Tiểu đội trưởng Lê Danh Thanh cùng đồng đội đang củng cố giao thông hào thì nhìn thấy khắp lòng chảo Điện Biên một màu cờ trắng của giặc ra hàng. Tiếng hò reo của bộ đội như sấm dậy mừng thời khắc chiến thắng. Nhìn những tên giặc cầm súng lầm lũi cúi đầu, Lê Danh Thanh và đồng đội vừa reo hò vừa khóc thương cho những đồng đội đã ngã xuống ít giờ trước đó.
Tuy không trực tiếp "công đồn địch" như cụ Thanh, nhưng cựu chiến binh Đặng Đình Cư (SN 1933, thương binh loại 4/4, hiện đang ở tổ 6, khu 1B, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) cũng có những ký ức không thể quên khi cùng đồng đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cụ Cư kể, ông sinh ra và lớn lên tại xã Yên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 17 tuổi, khi đang học cấp 2 thì Đặng Đình Cư làm đơn xung phong đi bộ đội và được biên chế vào Đại đội 23, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường từ Lạng Sơn, Hòa Bình đến Thượng Lào…
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ chuẩn bị mở màn, đơn vị của Đặng Đình Cư được biên chế thêm pháo phòng không 12,7mm, làm nhiệm vụ ở khu vực đèo Pha Đin, tỉnh Lai Châu.
Tại đây, đơn vị của ông đã cơ động chiến đấu với nhiều tốp máy bay địch từ các hướng chở hàng hóa, binh lính vào Điện Biên Phủ… Do thực hiện tốt nghi binh, chuẩn bị phương án tác chiến tốc, trận địa của đơn vị Đặng Đình Cư luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối.
"Mặc dù luôn an toàn, nhưng ngày ngày, chúng tôi thấy rất nhiều thương binh, liệt sỹ được chuyển về phía sau qua hướng trận địa của đơn vị. Có những thương binh bị cụt cả tứ chi, có những liệt sỹ tuổi đời còn rất trẻ.
Thương đồng đội vô cùng, chúng tôi càng quyết tâm chiến đấu để báo thù cho những chiến sỹ đã ngã xuống. Chiều 7/5, chỉ huy đơn vị thông báo, giặc Pháp đã đầu hàng ở Điện Biên Phủ. Chúng tôi vỡ òa, ôm chặt nhau trên mâm pháo mà khóc", cụ Cư kể.
Bài: Quang Minh
Thiết kế: Thuỷ Hương
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận