Cuộc thi Sáng kiến Mekong năm 2024 đã thu hút 136 dự án từ 18 địa phương trên cả nước tham gia.
Sau một thời gian làm việc nghiêm túc và đầy trách nhiệm, tại vòng chung kết diễn ra vào sáng 15/11 với 10 sáng kiến (dự án).
Các tác giả đã trình bày những ý tưởng, sáng kiến mang tính đột phá, hướng tới phát triển bền vững cho khu vực ĐBSCL.
Giải Nhất thuộc về Dự án "Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành thủy sản Alpha Amin" của tác giả Nguyễn Trung Tính (tỉnh Đồng Tháp).
Dự án này nổi bật với bộ giải pháp Antibio X2, thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và sản phẩm BiO Gen1, giúp xử lý môi trường nuôi thủy sản.
Các giải pháp này không chỉ giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh, mà còn cải thiện sức khỏe và hệ miễn dịch của động vật thủy sản. Từ đó giảm phát thải Nitơ tổng và cải thiện chất lượng nước trong môi trường nuôi trồng.
Một sản phẩm nổi bật khác trong dự án là Lạp Xưởng Ếch Tươi Amin Pro, giúp giải quyết đầu ra cho nghề nuôi ếch. Đặc biệt là đối với các hộ dân nuôi ếch theo quy trình không sử dụng kháng sinh, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Giải Nhì được trao cho Dự án "Airboots - Robot siêu nhẹ chăm sóc cây lúa" của tác giả Lê Thị Thu Ngân (TP.HCM).
Sản phẩm Airboots là một loại robot siêu nhẹ, có khả năng di chuyển linh hoạt trên ruộng lúa, vượt trội so với các phương tiện thông thường trong các nhiệm vụ như phun thuốc, bón phân và gieo hạt.
Điểm đặc biệt của robot này là việc sử dụng các phao nhỏ, giúp phương tiện dễ dàng di chuyển trên ruộng lúa mà không bị lún hoặc làm hư hại cây lúa.
Hệ thống điều khiển tự động của Airboots có thể được quản lý thông qua điện thoại thông minh, giúp người nông dân tối ưu hóa quá trình canh tác và tiết kiệm chi phí.
Giải Ba đã được trao cho Dự án "Nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên Việt Mekong farmstay" của tác giả Hồ Ngọc Trâm (tỉnh Đồng Tháp).
Dự án này cung cấp giải pháp du lịch nghỉ dưỡng bền vững, mang đến một trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên, với không gian lưu trú giản lược, ẩm thực hoài cổ và các hoạt động nông nghiệp tự nhiên.
Mô hình du lịch này không chỉ hướng đến sự cân bằng và thư giãn tinh thần của du khách, mà còn phát huy giá trị tài nguyên nông nghiệp bản địa và giá trị văn hóa nông nghiệp của vùng Đồng Tháp Mười.
Đây là một hướng đi sáng tạo trong việc kết hợp du lịch với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bên cạnh ba giải thưởng chính, Ban Tổ chức cũng trao 7 giải Khuyến khích cho các dự án còn lại, ghi nhận những nỗ lực và sáng tạo của các tác giả trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024 không chỉ là một sân chơi sáng tạo, mà còn là cơ hội để các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là các mô hình kinh tế xanh và bền vững, được công nhận và phát triển.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định, Diễn đàn Khởi nghiệp ĐBSCL lần II năm 2024 đã trở thành "địa chỉ đỏ" để tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công tư. Đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo.
Thông qua diễn đàn, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng đã được phát triển lên một bước, định hướng bền vững trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh.
Đây sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy ra đời các mô hình mới hiệu quả, thiết thực.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt vui mừng vì người dân ĐBSCL đã và đang "tiên phong, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm", tạo dựng được những mô hình khởi nghiệp theo định hướng kinh tế xanh để xây dựng quê hương, tận dụng tốt nguồn lực địa phương.
Qua đó bước đầu tạo dựng được những nền tảng để phát triển, vươn tầm quốc tế. Minh chứng rõ nhất cho vấn đề này là tại diễn đàn năm nay có sự tham gia của 136 dự án khởi nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận