Ngay trong sáng 24/7, đoàn công tác của huyện Thanh Chương đã tham dự lễ khởi công và trực tiếp trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho hai gia đình chính sách đặc biệt, mỗi gia đình 50 triệu đồng để xây dựng hoặc sửa chữa nhà cửa.
Số tiền 550 triệu đồng huy động xã hội hóa bắn pháo hoa dịp kỷ niệm 555 năm danh xưng huyện Thanh Chương, Nghệ An được chuyển sang hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách. (Trong ảnh: UBND huyên Thanh Chương trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình ông Lê Anh Thi, thương binh 1/4, thôn Thanh Cao, xã Đại Đồng, ngày 24/7).
Số tiền còn lại sẽ được dành để hỗ trợ, chăm lo các gia đình chính sách trên địa bàn.
Trước đó, địa phương đã mời gọi các doanh nghiệp đóng góp được 550 triệu đồng, dự định sẽ tổ chức chương trình bắn pháo hoa tại dịp lễ diễn ra vào ngày 10/8.
Việc huyện Thanh Chương quyết định không tổ chức bắn pháo hoa trong dịp lễ công bố kỷ niệm 555 năm danh xưng Thanh Chương, dành kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa mang ý nghĩa thiết thực.
Bởi dù sao, pháo hoa trong dịp kỷ niệm có thể đem đến niềm vui cho mọi người, song cũng chỉ là chốc lát. Còn việc làm nhân văn, nhân ái, chia sẻ khó khăn, kịp thời hỗ trợ những gia đình chính sách sẽ còn được nhớ mãi. Có một điều chắc chắn, những việc làm tốt đẹp mang ý nghĩa "ăn quả nhớ người trồng cây", ấm áp đó sẽ được người dân đồng tình.
Huyện Thanh Chương có hơn 6.800 người trong diện chính sách, thương binh, liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân thương binh, liệt sĩ, trong đó còn nhiều gia đình khó khăn về nhà ở. Số tiền 550 triệu không phải là quá lớn, song cũng phần nào giúp các gia đình vơi bớt một chút khó khăn.
Cao hơn nữa, trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, việc tri ân những gia đình chính sách, có công với cách mạng sẽ là cách giáo dục truyền thống thiết thực và hiệu quả nhất.
Nhân câu chuyện ở Thanh Chương, lại nghĩ tới việc ở nhiều nơi khác, mỗi dịp lễ, tết hay kỷ niệm, thường địa phương vẫn huy động kinh phí để tổ chức bắn pháo hoa hoặc chương trình nghệ thuật nào đó.
Điều đó cũng ý nghĩa thôi, song sẽ ý nghĩa hơn nếu như số tiền đóng góp được dùng để giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn. Không ai có thể bắt buộc địa phương phải làm điều đó, song nếu có làm, sẽ không người dân nào phản đối.
Từ câu chuyện pháo hoa, lại nhớ đến chuyện xây cổng chào. Thời gian qua, rất nhiều địa phương cho xây cổng chào, dù đa số người dân không muốn.
Ở địa phương nọ, trên tuyến đường chỉ dài 1km nhưng cho xây tới 2 cổng chào. Cách tuyến đường này không xa, cũng có mấy chiếc cổng chào nữa được dựng lên. Một số huyện khác của tỉnh này, mỗi huyện cũng đều có từ 1-3 cổng chào, mỗi cổng chào đều tốn hàng tỷ đồng. Thậm chí, có tỉnh xây tới 13 cổng chào, trong đó có đến 5 cái xây khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận.
Không chỉ cổng chào, không ít địa phương còn chi tiền cho việc xây tượng đài hay những công trình thật sự không cần thiết, cấp bách. Giá như số tiền đó được dùng để chăm lo cho người nghèo, các gia đình chính sách thì ý nghĩa biết bao.
Từ câu chuyện ở Thanh Chương, mong rằng tới đây, chúng ta sẽ đón nhận thêm nhiều thông tin giống như vậy. Dừng bắn pháo hoa, dừng xây cổng chào, dành tiền để làm những việc thiết thực hơn, không lý gì người dân không ủng hộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận