Chuyện dọc đường

Có lợi cho dân, khó mấy cũng phải làm

12/10/2017, 07:59

Vừa qua, CSGT Đà Nẵng đã thông báo biển số xe vi phạm giao thông ghi nhận qua camera trên facebook.

phat-nguoi-qua-camera-tai-da-nang

Đà Nẵng đang dần phủ sóng camera giám sát giao thông khắp nội thành

Trước đó, địa phương này cũng đã đưa vào áp dụng hệ thống giám sát giao thông giúp theo dõi, nhận dạng các phương tiện vi phạm của người dân khi tham gia giao thông. Khi truy cập vào website này, người dùng có thể dễ dàng theo dõi và tìm kiếm biển số xe của mình liệu có vi phạm hay không.

Đây là việc làm rất tốt, rất văn minh và cần phải nhân rộng. Nó đã thể hiện rất tốt mục tiêu mà chúng ta phấn đấu lâu nay, đó là về tính công khai, minh bạch. Nhưng cái quan trọng là người dân, trực tiếp là chủ xe, lái xe vi phạm biết thông tin vi phạm của mình, để từ đó chấp hành tốt quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta đã quy định các lực lượng chức năng được trang bị các trang thiết bị về phương tiện khoa học kỹ thuật để phát hiện hành vi vi phạm TTATGT. Vì thế, hiện nay, trên các tuyến cao tốc hay ở một số đô thị lớn đã được lắp đặt hệ thống camera hoạt động, được xem là “tai mắt” trong việc giám sát, mang ý nghĩa nhắc nhở người dân, rằng khi tham gia giao thông trên đường thì luôn luôn có con mắt đang theo dõi việc chấp hành của mình, để từ đó họ tự điều chỉnh hành vi khi lái xe. Điều này vừa giúp người dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông, vừa thể hiện nét đẹp văn hoá giao thông.

Với những TP lớn và có lưu lượng phương tiện lớn như Hà Nội, TP.HCM, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng nên làm như Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi làm thì chắc ban đầu sẽ có những khó khăn nhất định, nhưng như Bác Hồ đã nói: “Có lợi cho dân thì khó mấy cũng phải làm”. Hơn nữa, với điều kiện công nghệ phát triển như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để thực hiện.

Về mặt chủ trương, Chính phủ và cả T.Ư đang nhấn mạnh tinh thần cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Vì vậy, các địa phương, các đơn vị cơ quan đều đang hướng tới mục tiêu này.

Văn minh không chỉ thể hiện ở chỗ có hệ thống camera theo dõi vi phạm giao thông, mà văn minh còn ở việc khi phát hiện vi phạm, các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải thông báo để người vi phạm thực hiện việc nộp phạt. Và việc phạt không phải là để thu tiền mà là nâng cao ý thức người tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu TNGT.

Cách làm hiện nay là khi vi phạm được camera ghi lại và truyền về máy chủ tại trung tâm điều khiển giao thông, cán bộ tại trung tâm sẽ trích xuất dữ liệu, đối chiếu với biển số xe để tìm chủ xe vi phạm, gửi thông báo vi phạm bằng văn bản, chuyển xuống cho Công an phường nơi chủ xe cư trú. Tuy nhiên, nếu vừa tiến hành quy trình thông báo như hiện tại (bởi không thể bỏ hình thức này do luật đã quy định), kết hợp với việc công khai, minh bạch các dữ liệu về vi phạm giao thông trên internet, sẽ không chỉ giúp chủ xe kịp thời biết được vi phạm, mà nó thể hiện rất tốt nguyên tắc “mọi hành vi vi phạm phải được ngăn chặn và phát hiện kịp thời”.

Nếu được triển khai rộng rãi, việc này trước hết rất có lợi do dân, giảm thủ tục, phiền hà, nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông. Biện pháp này cũng có tính răn đe rất tốt.

Trong tương lai, chúng ta cũng nên có một cơ sở dữ liệu chung của toàn quốc, trong đó có sự phối hợp, liên kết thông tin giữa các lực lượng như: CSGT, Tổng cục đường bộ, Cục đăng kiểm, sở GTVT các tỉnh..., để mọi thông tin đều có thể cập nhật lên đó, giúp người dân truy cập nhanh chóng, dễ dàng.

Đại tá Trần Sơn 
Nguyên Phó phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết TNGT - Cục CSGT, Bộ Công an

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.