Trung tuần tháng 1/2020, có mặt tại nút giao Giáp Nhất - cầu Cống Mọc (Hà Nội), PV chứng kiến cảnh giao thông hỗn loạn, các phương tiện theo hướng Giáp Nhất - Nguyễn Trãi và Láng - Quan Nhân liên tục xung đột, chèn ép nhau từng mét đường khiến cả đoạn đường tê liệt.
Khi tình trạng ùn tắc kéo dài xuất hiện, một số người dân sống tại đầu đường Quan Nhân đã tự nguyện ra điều tiết để dòng phương tiện nhanh thông thoát nhưng một số xe lái xe taxi vẫn bất chấp hiệu lệnh, cố tình nhấn ga, bóp còi inh ỏi, tranh giành đường đi với các phương tiện khác, làm cho thời gian ùn tắc kéo dài gần 30 phút.
Đáng nói, nhằm xóa sổ điểm đen cầu Cống Mọc, gần 2 năm trước, Hà Nội đã đầu tư nâng cấp, mở rộng diện tích bề mặt cầu lên khoảng 3 lần so với bề mặt cầu cũ.
Song, theo anh Nguyễn Hóa, một người dân sống tại khu vực, điểm đen này chỉ hạn chế ùn tắc khi có công an và đội tự quản phường sở tại chốt trực. Các khung giờ vắng bóng lực lượng chức năng, người dân lại lưu thông theo kiểu “mạnh ai nấy đi”.
“Trước đây, cầu chưa cải tạo, người ta đổ ùn tắc tại cầu hẹp, nhưng giờ đường rộng thênh thang, tắc đường vẫn triền miên. Nếu ý thức con người kém thì đường rộng bao nhiêu, tắc sẽ vẫn hoàn tắc”, anh Hóa chia sẻ.
Đầu năm 2019, Sở GTVT Hà Nội cũng quyết định chi hơn 100 tỷ đồng xén vỉa hè mở rộng hàng loạt tuyến đường trọng điểm trên địa bàn Thủ đô để giải quyết ùn tắc. Trong đó, đường Khuất Duy Tiến (từ nút giao Trần Duy Hưng đến nút giao Nguyễn Trãi) mở rộng mỗi chiều từ 12 - 20m; đường Nghiêm Xuân Yên - Nguyễn Xiển mở rộng mỗi bên 5m; Đường vành đai 2 (từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở) mở rộng mặt đường thêm 3,5m.
Thế nhưng, ghi nhận của PV cho thấy, hơn một năm qua, vào giờ cao điểm, cảnh phương tiện “chôn chân”, ùn tắc kéo dài hàng km vẫn thường xuyên xuất hiện trên các tuyến đường được mở rộng, “nhấn chìm” lực lượng chức năng điều tiết, phân luồng trên đường.
Theo chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức, sở dĩ tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP HCM chưa được giải quyết triệt để bởi đặc thù tổ chức giao thông theo kiểu hỗn hợp, không tách bạch giữa các loại hình phương tiện khiến không ít người dân có tâm lý “vô lối” trong tham gia giao thông.
“Để giải quyết thực trạng này, ngành chức năng cần phân loại, tuyến đường nào đủ diện tích mặt bằng thì nghiên cứu, chia tách làn đường riêng dành cho ô tô, xe máy. Nút giao nào có lưu lượng phương tiện di chuyển qua dày đặc thì lập đèn tín hiệu để điều tiết, giảm xung đột giao thông khi lực lượng chức năng không đủ quân số chốt trực. Giải pháp này đã được áp dụng tại nút giao cầu 361 - Nguyễn Khang rất tốt nhưng phải tính toán kỹ lưỡng để tránh lãng phí đầu tư”, TS. Đức nói.
Đại diện Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho rằng, thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền cần rà soát, tách làn phương tiện bằng loại vạch kẻ phù hợp, giúp lực lượng làm nhiệm vụ trên đường có căn cứ xử lý các phương tiện cố tình dàn hàng, chen lấn, gây ùn tắc giao thông để tạo sức răn đe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận