Tảng đá lớn chắn ngang đường sắt qua đèo Hải Vân gây nguy hiểm và làm tắc đường |
Hai trận bão 12, 14 vừa qua gây mưa lũ trên diện rộng khiến toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam, đặc biệt đoạn qua các tỉnh miền Trung, điểm nóng đèo Hải Vân, đèo Cả... bị thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, nguồn kinh phí khắc phục rất hạn chế.
Ông Nguyễn Như Bình, Giám đốc Công ty CP đường sắt Phú Khánh cho biết, tổng thiệt hại đường sắt trên địa bàn vừa qua là gần 120 tỷ đồng, trong đó về cầu đường 68,5 tỷ đồng do sạt trượt từ nón cầu, mái ta luy, xói trôi nền đá tại 15 vị trí với khoảng 7.880m3 đất đá, hơn 10.000 cây đổ vào đường sắt. Hệ thống thông tin tín hiệu là khoảng 42,6 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng đường sắt như hệ thống nhà ga, trạm gác chắn bị tốc mái, sập...
Bão số 12 đổ bộ vào Phú Yên - Khánh Hòa khiến nhiều vị trí bị thiệt hại nặng do có địa hình phức tạp, như vị trí Km 1226+780; hơn 10 đoàn tàu bị bãi bỏ chuyến, điều chỉnh biểu đồ chạy, điều chỉnh các ram xe để phục vụ việc bãi bỏ các đoàn tàu và thời gian xuất phát tàu. Tiếp tục bị ảnh hưởng bởi bão số 14 đã khiến tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân tê liệt gần 2 ngày với gần 10 vị trí sạt lở. Đất đá từ taluy dương sụt lấp đường tại các vị trí: Km 758+415, Km 757+775m, Km 758+510, Km 759+100, Km 759+449... khiến đường sắt qua khu vực này bị tê liệt.
Ông Nguyễn Văn Tý, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, đợt mưa lũ vừa qua có 5 vị trí có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa, cần gia cố bền vững như: Phía Bắc hầm số 11 tại Km 759+440; Km 759+090 - 759+120; Km 758+100 - 758+550; phía Bắc hầm số 10 tại Km 757+775; Km 757+45 - Km 757+ 475. “Với kinh phí hiện tại của công ty chỉ có thể gia cố đảm bảo an toàn bước đầu. Về gia cố bền vững để tránh sạt lở gây thiệt hại trong những đợt mưa bão sau này cần có nguồn kinh phí lớn hơn”, ông Tý nói.
Theo ông Nguyễn Như Bình, bão số 12 khiến hàng chục vị trí bị sạt lở. Đặc biệt, điểm nặng nhất bị sạt lở tại đèo Cả phải sau 10 ngày mới có thể hoàn thành sửa chữa giai đoạn 1 để thông tàu. Đơn vị đề nghị được ứng trước 70% kinh phí khắc phục hậu quả bão lũ năm 2017; nghiên cứu xem xét đầu tư xây dựng các công trình kiên cố nhằm hạn chế bớt thiệt hại trong trường hợp có bão lũ xảy ra, đặc biệt là các điểm taluy đường sắt dọc tuyến.
Theo ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN, để đảm bảo an toàn chạy tàu, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã chủ động huy động nguồn lực tài chính để thực hiện thi công. Tuy nhiên, hiện các đơn vị đang “đói vốn” để tiếp tục khắc phục. “Nguồn kinh phí dự phòng khắc phục hậu quả do sự cố, thiên tai năm 2017 được phân bổ cho tổng công ty là 22 tỷ đồng, trong đó trả nợ khắc phục năm 2016 là 10,75 tỷ đồng nên nguồn dự phòng chỉ có 11,25 tỷ đồng. Trong khi tổng thiệt hại từ đầu năm do bão lũ đến giờ đã vào khoảng 230 tỷ đồng. Tổng công ty và các đơn vị thành viên đang thiếu vốn trầm trọng”, ông Tùng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận